Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó trong giải quyết án tranh chấp kinh tế

07:11, 16/11/2022

Theo đánh giá của ngành Tòa án, thời gian qua, các án tranh chấp kinh tế, thương mại diễn ra khá phổ biến và ngày càng có xu hướng tăng.

Theo đánh giá của ngành Tòa án, thời gian qua, các án tranh chấp kinh tế, thương mại diễn ra khá phổ biến và ngày càng có xu hướng tăng. Tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh chủ yếu do có sự bất đồng, mâu thuẫn trong quá trình thỏa thuận, thực hiện hợp đồng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên.

Một vụ tranh chấp thương mại được giải quyết tại TAND tỉnh. Ảnh: T.Tâm
Một vụ tranh chấp thương mại được giải quyết tại TAND tỉnh. Ảnh: T.Tâm

Để giải quyết tranh chấp thương mại, hiện nay ngoài việc thương lượng, hòa giải thường có 2 hướng xử lý là khởi kiện tại tòa án hoặc giải quyết bằng trọng tài thương mại.

* Xung đột về lợi ích

Tranh chấp kinh tế diễn ra là do quá trình thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại không đúng. Trong số đó, có một số doanh nghiệp do tin tưởng lẫn nhau nên ngoài việc ký kết hợp đồng bằng văn bản, còn có hợp đồng miệng. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện hợp đồng đụng chạm đến lợi ích của nhau dẫn đến tranh chấp và phải nhờ các cơ quan chức năng giải quyết.

Điển hình, vào cuối tháng 8-2022, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng gia công giữa Công ty T. (TP.Biên Hòa) và Công ty E. (H.Nhơn Trạch). Theo đó, Công ty T. là đối tác gia công hàng hóa cho Công ty E. Trong quá trình giao dịch, Công ty T. có làm phụ lục hợp đồng yêu cầu Công ty E. ký để thay đổi một số nội dung trong hợp đồng, nhưng Công ty E. không đồng ý. Dù hợp đồng chưa ký kết phụ lục nhưng giữa hai bên vẫn tiếp tục giao nguyên liệu và thực hiện gia công trên thực tế. Trong thời gian này, Công ty T. phát hiện Công ty E. vi phạm hợp đồng nên đã khởi kiện.

Quá trình xét xử, Công ty E. cho rằng, lúc thỏa thuận ký kết, Công ty E. không đồng ý việc Công ty T. là nhà thầu duy nhất và yêu cầu phải điều chỉnh lại giá cả phù hợp. Những điều khoản này đã được hai bên đồng ý bằng miệng, chưa ký văn bản. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch phát sinh một số mâu thuẫn dẫn đến Công ty E. không thanh toán tiền cho Công ty T.

Vụ tranh chấp đã được TAND H.Nhơn Trạch giải quyết buộc Công ty E. phải thanh toán hơn 2,2 tỷ đồng cho Công ty T. Tuy nhiên, vụ án bị kháng cáo và mới đây, TAND tỉnh đã hủy một phần bản án sơ thẩm, tuyên buộc Công ty E. phải trả cho Công ty T. số tiền hơn 400 triệu đồng.

Hiện nay, do kinh tế khó khăn nên có nhiều công ty do không đòi được nợ hoặc tiền đặt cọc trong thời gian dài đã làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Đơn cử, vào năm 2016, hộ kinh doanh của anh M. (ở TP.HCM) đã đặt cọc mua hàng để làm đại lý phân bón của Công ty T. (ở TP.Long Khánh) với số tiền hơn 330 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc nhưng không nhận được hàng, anh phải khởi kiện ra tòa án. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và các giấy tờ liên quan, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc Công ty T. phải trả tiền cho anh M. hơn 330 triệu đồng.

* Khó khăn, bất cập cần tháo gỡ

Một thẩm phán của TAND tỉnh đánh giá, các loại tranh chấp kinh tế diễn ra phổ biến hiện nay như: tranh chấp hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán hàng hóa, đặt cọc, hợp đồng thương mại; tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty trong quá trình hoạt động….

Ngoài những vụ án đơn giản thì có một số vụ án rất khó giải quyết do xung đột và bất cập của các quy định pháp luật. Cụ thể, trong một số vụ án tranh chấp kinh tế phải thực hiện việc trưng cầu kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhưng số tiền để thực hiện việc trưng cầu giám định lớn, dẫn đến các đương sự không yêu cầu kiểm toán. Trong khi đó, để giải quyết vụ án đúng pháp luật và tránh vụ án bị hủy cần phải trưng cầu báo cáo kiểm toán. Cũng vì chi phí lớn, ngành Tòa án không thể thực hiện việc trưng cầu kiểm toán theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên vụ án không thể giải quyết.

Bên cạnh đó, đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, một số vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những người thuộc trường hợp đất cấp cho hộ gia đình. Trong quá trình ký hợp đồng tín dụng, chỉ có một người chủ hộ thay mặt ký tên thế chấp giấy tờ. Đến khi tranh chấp ra tòa, do phải xác định toàn bộ những người có liên quan trong vụ án hoặc có trường hợp người liên quan đang sống ở nước ngoài hoặc đang bỏ trốn, dẫn đến vụ án bị kéo dài, khó xử lý.

“Hiện nay, TAND tỉnh đang thụ lý giải quyết một số tranh chấp về hợp đồng, nguyên đơn khởi kiện bị đơn tại tòa án nơi bị đơn ghi địa chỉ trong hợp đồng. Tuy nhiên, qua xác minh thì bị đơn đã bỏ đi nơi khác hoặc bị đơn không đăng ký thường trú, tạm trú hay sinh sống tại địa chỉ đã ghi trong hợp đồng. Tòa án yêu cầu nguyên đơn thực hiện thủ tục thông báo tìm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với bị đơn, nhưng phía nguyên đơn không đồng ý thực hiện” - vị thẩm phán này cho hay.

Về vấn đề này, bà Phan Thị Hồng Vân, trọng tài thương mại Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM hoạt động tại Đồng Nai cho biết, kinh tế ngày càng phát triển sẽ kéo theo những tranh chấp, rủi ro không thể lường trước được trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do đó, để hạn chế xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh của mình; soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, đúng, đủ về mặt nội dung và hình thức...

Tuy nhiên, nếu xảy ra tranh chấp sẽ có nhiều phương thức giải quyết như: thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Thay vì đưa nhau ra tòa án, hiện nay có nhiều doanh nghiệp chọn giải quyết thông qua trọng tài thương mại.

Theo các cơ quan chức năng, dù là phương thức giải quyết tranh chấp nào thì cũng đòi hỏi người giải quyết cần nâng cao công tác nghiệp vụ, trau dồi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức để việc giải quyết tranh chấp kinh tế đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...

“Giải quyết tranh chấp bằng tòa án là phương thức nhân danh Nhà nước thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Còn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của trọng tài viên giúp giảm bớt gánh nặng cho đôi bên, có tính chất bảo mật, linh hoạt và phán quyết có giá trị pháp lý như một bản án” - bà PHAN THỊ HỒNG VÂN, trọng tài thương mại Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM hoạt động tại Đồng Nai cho hay.

Tố Tâm

Tin xem nhiều