Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi đặc sản cũng cần chuỗi liên kết

08:03, 21/03/2023

Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang nhân rộng mô hình nuôi con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: heo lai rừng, heo thảo mộc, gà thảo mộc, gà rừng, chim trĩ, chim bồ câu… Tuy nhiên, đây là những đặc sản kén khách, bán với giá cao nên không dễ mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang nhân rộng mô hình nuôi con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: heo lai rừng, heo thảo mộc, gà thảo mộc, gà rừng, chim trĩ, chim bồ câu… Tuy nhiên, đây là những đặc sản kén khách, bán với giá cao nên không dễ mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mô hình nuôi chim bồ câu tại Trang trại Phong Phú, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình nuôi chim bồ câu tại Trang trại Phong Phú, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, người chăn nuôi không nên chạy đua, nuôi theo phong trào mà phải vào chuỗi liên kết với sự tham gia của HTX, chủ doanh nghiệp (DN) trong tổ chức từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ để có sự phát triển bền vững.

* Lợi nhuận cao

Thời gian qua, người chăn nuôi phải gồng mình gánh lỗ vì các sản phẩm từ thịt heo đến gia cầm thường đứng ở mức dưới giá thành sản xuất. Trong khi đó, phong trào nuôi các con đặc sản cho lợi nhuận tốt như: heo thảo mộc, gà rừng, chim trĩ, chim bồ câu... ngày càng thu hút sự quan tâm của nông dân.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sinh thái Phong Phú (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) là điển hình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao tại địa phương. DN này có hơn 5 năm đầu tư trang trại nuôi và cung cấp các con giống đặc sản như: gà rừng, chim trĩ, bồ câu... gắn với kinh doanh du lịch sinh thái.

Một số DN ở Đồng Nai đang xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các loại đặc sản trên, tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP để phát triển bền vững hơn. Trong đó, có thịt chim trĩ thương phẩm, gà thảo mộc, heo thảo mộc…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sinh thái Phong Phú cho biết, từ quy mô nhỏ, hiện DN đầu tư nuôi hàng ngàn con chim trĩ thương phẩm/lứa, chủ yếu cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ nấu tiệc… ở các khu đô thị. Đặc biệt hiện nay, xu hướng các khu du lịch sinh thái phát triển mạnh nên nhu cầu về chim cảnh cũng như các món đặc sản phục vụ du khách tại các vùng quê cũng tăng cao.

Nói về hiệu quả của mô hình nuôi đặc sản, ông Phong so sánh, 1 hộ gia đình đầu tư nuôi vài chục, vài trăm con chim trĩ là có thu nhập không thua gì nuôi vài ngàn con gia cầm. Lợi ích của mô hình nuôi đặc sản còn là người nuôi có thể tận dụng khoảnh sân, mảnh vườn nhỏ để nuôi thay vì làm trại nuôi quy mô lớn. Người nuôi cũng không lo vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phong: “Thời gian đầu nuôi các con đặc sản này, tôi cũng phải trả giá, đàn nuôi bị hao hụt nhiều do ít kinh nghiệm chăm sóc. Dần dần nắm được bí quyết thì nuôi con đặc sản lại rất dễ, vì chim rừng có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh hàng loạt như nuôi gia cầm. Ngoài lúa, bắp, người nuôi có thể tận dụng thêm nguồn rau cỏ mọc sẵn ngoài thiên nhiên nên chi phí thức ăn không quá cao”.

Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Khanh, chủ trại nuôi chim trĩ thương phẩm quy mô hàng ngàn con/lứa ở xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) nhận xét: “Chim trĩ dễ nuôi, ít bệnh, ăn thức ăn như gà nhưng mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Nhờ ký được hợp đồng cung cấp thịt, trứng chim trĩ vào hệ thống siêu thị lớn, tôi đã thành lập công ty, mở rộng quy mô nuôi”.

Hiện DN này đang đầu tư sản xuất con giống, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ nông dân tại địa phương vì nguồn cung hiện không đủ cầu.

* Không nên đầu tư tự phát

Tuy nhiều mô hình nuôi đặc sản cho lợi nhuận cao nhưng người dân không nên ồ ạt đầu tư nuôi theo phong trào do đây là dòng sản phẩm giá cao, kén khách hàng.

Thời gian trước, nhiều địa phương của Đồng Nai rộ lên phong trào nuôi gà thảo mộc vì mô hình này cho lợi nhuận cao. Qua thời gian, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề vì đặc sản này không dễ bán rộng rãi ra thị trường như các loài gia cầm khác. HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (tại xã Phú Ngọc, H.Định Quán) nhờ đầu tư được hệ thống trang trại chăn nuôi quy mô hàng chục ngàn con gà; chuẩn hóa quy trình sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, đóng gói, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh nên trở thành nhà cung cấp của hệ thống siêu thị Co.opmart và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, ổn định đầu ra cho sản phẩm đặc sản luôn là bài toán khó với người nuôi.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc Cao Thị Ten chia sẻ, tuy là đặc sản nhưng người nuôi phải tính toán để sản phẩm có giá bán không quá cao so với giá gà vườn thì mới mở rộng được kênh tiêu thụ. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19, HTX buộc phải giảm đàn vì đầu ra gặp khó. HTX cũng phải tìm mọi giải pháp tiếp tục giảm chi phí đầu vào để ổn định giá sản phẩm cung cấp ra thị trường, giữ chân người tiêu dùng.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) cho hay, vài năm trước, DN rất tâm đắc khi đầu tư nghiên cứu kỹ thuật nuôi heo thảo mộc. Thịt heo thảo mộc được người tiêu dùng đón nhận rất tốt vì sản phẩm thơm ngon, an toàn. DN gặp thuận lợi trong sản xuất nhưng lại gặp khó đầu ra cho sản phẩm vì giá cao, chi phí để làm ra loại thịt đặc sản này cao hơn hẳn so với thịt heo thường. Sau dịch bệnh Covid-19, DN buộc phải ngừng cung cấp loại đặc sản này do thị trường tiêu thụ rất chậm. DN đang tìm thị trường cho sản phẩm này và tìm giải pháp hạ giá thành sản xuất. DN đang tổ chức tự trồng thảo dược ngay tại trang trại; hoàn thiện chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, linh động trong khâu phân phối ra thị trường…

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích