Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được luật hóa

08:02, 07/02/2023

Dù có tiềm năng để phát triển nhưng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đa phần các doanh nghiệp (DN) trong nước còn ở dạng nhỏ và vừa, sự phát triển của ngành, thị phần phụ thuộc vào các nhà sản xuất, cung cấp ngoài nước, điều đó khiến cho năng lực cạnh tranh chưa cao.

Dù có tiềm năng để phát triển nhưng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đa phần các doanh nghiệp (DN) trong nước còn ở dạng nhỏ và vừa, sự phát triển của ngành, thị phần phụ thuộc vào các nhà sản xuất, cung cấp ngoài nước, điều đó khiến cho năng lực cạnh tranh chưa cao.

Sản xuất tại Công ty TNHH SXTM nhựa kỹ thuật VinaStar (TP.Biên Hòa)
Sản xuất tại Công ty TNHH SXTM nhựa kỹ thuật VinaStar (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Mặc dù đã có nhiều giải pháp song trên thực tế chưa nhiều đơn vị được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, do vậy sự phát triển của ngành cần được thể chế bằng luật hóa cụ thể.

* Vẫn khó khăn trong phát triển

Theo đuổi lĩnh vực ngũ kim, cơ khí, làm hàng phụ trợ cho các DN sản xuất gỗ trong và ngoài tỉnh, ông Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện quy mô của DN vẫn còn rất khiêm tốn. Điều khó khăn, vướng mắc lớn nhất của DN là thiếu nguồn lực để mở rộng hạ tầng, cơ sở sản xuất.

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, đất sản xuất phù hợp quy định không có, trong khí để thuê được đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp là điều không phải ai cũng làm được.

Theo ông Đăng, dù chính sách phát triển CNHT có nhiều nhưng DN chưa được thụ hưởng bao nhiêu. Ngay cả các thông tin về chính sách, không ít đơn vị còn mù mờ và việc triển khai đến DN còn thiếu. Bên cạnh đó, các DN đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ DN có vốn đầu tư nước ngoài và đối mặt với nguy cơ lạc hậu về công nghệ.

Tương tự, ông Đinh Thành Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ishikawa (TP.Biên Hòa) bổ sung thêm: Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề sống còn của DN. Các DN ngoại đang chủ yếu sử dụng sản phẩm từ các công ty con của mình nhiều hơn, do vậy thị phần cho các nhà sản xuất nội lại càng bị eo hẹp. Một số DN may mắn có đơn hàng cũng chỉ làm gia công cho một đối tác khác theo thương hiệu của họ...

Theo ông Cương, các DN rất mong muốn được tham gia các chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhất là trong xúc tiến thương mại, gặp gỡ các đối tác ngay tại Việt Nam. Sản phẩm DN tốt nhưng trên thực tế vẫn chưa nhận được nhiều đơn hàng như kỳ vọng. DN cần Nhà nước tạo cầu nối, quan hệ để việc hợp tác, cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho lĩnh vực sản xuất được mở rộng hơn.

* Cần thể chế bằng luật hóa để tạo động lực phát triển

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ sự phát triển của CNHT thời gian qua còn chưa đáp ứng được yêu cầu, ngoài những vấn đề nội tại của DN còn có nguyên nhân do các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Nhà nước chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Sự bao phủ của các chính sách, chương trình phát triển CNHT trong nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau dẫn đến thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai. Trong khi đó, các thủ tục hành chính lại phức tạp. Nhiều chính sách chỉ được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ nhưng không được thể chế hóa để có thể đi vào cuộc sống. Một số chính sách về ưu đãi, tín dụng mặc dù đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nhưng dưới dạng nghị định, dẫn tới chịu sự chi phối của các luật chuyên ngành liên quan hiện hành khác.

Theo ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Trường Hải (thuộc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải) mục tiêu của Trường Hải trong thời gian tới là sẽ quy tụ ngày càng nhiều các DN trong ngành để xây dựng hệ sinh thái CNHT. Trước mắt, sẽ xây dựng một khu công nghiệp lĩnh vực này tại tỉnh Bình Dương để thu hút các DN nội vào sản xuất. Tuy nhiên, cộng đồng DN cũng rất cần Nhà nước có chính sách cụ thể, mang gia trị pháp lý cao, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung, do đó CNHT cần có một luật chung, thống nhất trong cả nước.

Đối với các địa phương, tùy mức độ phát triển của mình sẽ có những định hướng phát triển phù hợp. Đồng Nai phấn đấu đến hết năm 2025, CNHT chiếm khoảng 21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tỉnh hoàn thiện thông tin dữ liệu DN ngành về CNHT, tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hợp tác chặt chẽ với nhau. Tỉnh đã và đang phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý…

Văn Gia

Tin xem nhiều