Báo Đồng Nai điện tử
En

Các cầu đường bộ kết nối Đồng Nai với TP.HCM tiếp tục quá tải

07:02, 06/02/2023

Trong 3 năm tới, dự báo tình trạng quá tải của các cầu đường bộ kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục xảy ra ngay cả khi các cây cầu mới theo quy hoạch được hoàn thành xây dựng.

Trong 3 năm tới, dự báo tình trạng quá tải của các cầu đường bộ kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục xảy ra ngay cả khi các cây cầu mới theo quy hoạch được hoàn thành xây dựng.

Cầu Đồng Nai hiện đã khai thác vượt năng lực thiết kế. Ảnh: P.Tùng
Cầu Đồng Nai hiện đã khai thác vượt năng lực thiết kế. Ảnh: P.Tùng

Theo tính toán, đến năm 2026, khi các cầu đường bộ kết nối 2 địa phương được xây dựng xong thì vẫn còn thiếu 8 làn xe.

* Xây đủ cầu vẫn… thiếu

Đồng Nai và TP.HCM là 2 địa phương “láng giềng”, nằm ở trung tâm của Vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Về địa lý, Đồng Nai và TP.HCM bị chia cắt bởi các sông: Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Chính vì vậy, để kết nối giao thông đường bộ giữa 2 địa phương, các cầu đường bộ vượt sông đóng vai trò rất quan trọng.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40km tiếp giáp giữa 2 địa phương (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh) sẽ có 5 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai với TP.HCM gồm: Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái và Phước Khánh. Ngoài ra, trên tuyến quốc lộ 1K, cầu Hóa An cũng đóng vai trò kết nối giữa Đồng Nai với TP.HCM qua tỉnh Bình Dương.

Mới đây, qua rà soát các quy hoạch liên quan và số liệu dự báo lưu lượng giao thông kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai, Tổng công ty tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI) đã đưa ra kết luận, đến năm 2026, các cầu đường bộ theo quy hoạch sau khi hoàn thành xây dựng vẫn còn thiếu đến 8 làn xe.

Cụ thể, theo TEDI, đến năm 2026, lưu lượng xe lưu thông trên các cầu kết nối giữa 2 địa phương là gần 434 ngàn PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn). Với lưu lượng trên, các cầu đường bộ kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM phải đạt quy mô 38 làn xe. Tuy nhiên, với 5 cầu đường bộ trong quy hoạch, số làn xe theo tính toán đến năm 2026 chỉ mới đạt quy mô 30 làn (với giả thiết cầu Cát Lái vẫn được giữ theo quy hoạch có 6 làn xe). “Theo số liệu dự báo, ngoài các cầu đã có trong quy hoạch thì còn thiếu 8 làn xe”- kết luận của TEDI nêu rõ.

* Nguy cơ quá tải kéo dài

Hiện nay, trong 5 cầu đường bộ theo quy hoạch kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM đã có 2 cầu hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác gồm cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối Đồng Nai và TP.HCM đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: P.Tùng
Cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối Đồng Nai và TP.HCM đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: P.Tùng

Tuy nhiên, cũng theo TEDI, cả 2 cầu Đồng Nai và Long Thành hiện cũng khai thác trong tình trạng quá tải. Cụ thể, cầu Đồng Nai với quy mô 8 làn xe đang khai thác với lưu lượng 216 ngàn PCU/ngày đêm, vượt xa năng lực thiết kế là 96 ngàn PCU/ngày đêm; cầu Long Thành với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng 65 ngàn PCU/ngày đêm, vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm. Tương tự, cầu Hóa An cũng đang khai thác vượt quá năng lực thiết kế.

Ngoài các cầu đã đưa vào khai thác, tới năm 2026, sẽ có thêm 2 cầu đường bộ khác kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường vành đai 3 - TP.HCM trong đó có hạng mục cầu Nhơn Trạch theo dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025. Tương tự, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trong đó có hạng mục cầu Phước Khánh sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2025.

Trong khi đó, cầu đường bộ cuối cùng theo quy hoạch là cầu Cát Lái lại chưa rõ thời gian thực hiện và hoàn thành.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, qua các lần làm việc, Đồng Nai đã đề xuất 4 phương án thỏa thuận vị trí cầu Cát Lái để TP.HCM xem xét, lựa chọn. Tuy nhiên, đến nay, phương án hướng tuyến vẫn chưa được thống nhất để triển khai đầu tư xây dựng. Trong khi đó, Sở
GT-VT TP.HCM đã có đề xuất triển khai thực hiện cầu Cát Lái sau năm 2030. Cụ thể, cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau khi đường Vành đai 3 - TP.HCM và đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 - TP.HCM hoàn thành, đưa vào khai thác. Đồng thời, phù hợp với kế hoạch, lộ trình di dời, sắp xếp các cảng biển.

Như vậy, với dự báo các cầu đường bộ theo quy hoạch kết nối giữa Đồng Nai với TP.HCM dù xây dựng hoàn thành vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc cầu Cát Lái được đề xuất xây dựng sau năm 2030, nguy cơ về tình trạng quá tải kéo dài sẽ rất lớn. Bởi theo dự kiến, năm 2025, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Để tăng cường khả năng kết nối giao thông đường bộ giữa 2 địa phương, Sở GT-VT TP.HCM đã có báo cáo UBND TP.HCM đề xuất xây dựng thêm 2 cầu gồm: Phú Mỹ 2 (kết nối khu Nam TP.HCM với H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) và Đồng Nai 2 (kết nối TP.Thủ Đức, TP.HCM với H.Long Thành, Đồng Nai).

Phạm Tùng

Tin xem nhiều