Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại chất thải tại nguồn, khó vẫn làm

07:11, 17/11/2022

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn vừa giảm lượng rác nhờ tái chế và tái sử dụng, vừa tiết kiệm tiền ngân sách cho xử lý, tiết kiệm đất chôn lấp. Vì vậy, từ năm 2009, Đồng Nai đã thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn, sau đó từng bước nhân rộng.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn vừa giảm lượng rác nhờ tái chế và tái sử dụng, vừa tiết kiệm tiền ngân sách cho xử lý, tiết kiệm đất chôn lấp. Vì vậy, từ năm 2009, Đồng Nai đã thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn, sau đó từng bước nhân rộng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra thực tế Khu xử lý rác Tây Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Lộc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra thực tế Khu xử lý rác Tây Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Lộc

Để chương trình được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả, năm 2020, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 54). Sau hơn 2 năm, chương trình đã có những chuyển biến tích cực.

* Chuyển biến tích cực

Đồng Nai là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Điều này một mặt tạo ra nhiều việc làm, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng cũng gây không ít áp lực về giao thông, nhà ở, môi trường… Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, tỉnh đã quy hoạch các khu và cho triển khai các dự án xử lý chất thải, đề ra chỉ tiêu giảm chôn lấp theo từng giai đoạn, đồng thời thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Về phân loại CTRSH tại nguồn, năm 2009, tỉnh cho thí điểm tại 4 phường ở TP.Biên Hòa, sau đó có thêm TP.Long Khánh và một số huyện. Chương trình bước đầu được người dân hưởng ứng, nhưng thời điểm đó các hạ tầng như: phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển và công nghệ xử lý chưa đáp ứng nên hiệu quả không cao.

Theo Sở TN-MT, 2 năm qua, tỉnh và các địa phương đã bố trí hơn 35 tỷ đồng cho hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn. Đến nay, có hơn 403 ngàn hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, đạt khoảng 43% hộ dân toàn tỉnh, trong đó TP.Long Khánh đạt tỷ lệ cao nhất (hơn 72%) và H.Tân Phú đạt thấp nhất (3%).

Chỉ thị số 54 đề ra mục tiêu đến năm 2025 triển khai thực hiện đến 100% hộ gia đình; 100% đơn vị vận chuyển CTRSH đồng bộ phương tiện phù hợp với phân loại rác, giảm chôn lấp chất thải sau xử lý dưới 5%.

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2020, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 54 yêu cầu cả hệ thống chính trị, chủ nguồn thải, đơn vị dịch vụ môi trường cùng có trách nhiệm phân loại, xử lý chất thải. Đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động, văn bản hướng dẫn được ban hành và triển khai thực hiện, nhờ vậy tỷ lệ hộ gia đình phân loại CTRSH tại nguồn đã tăng từ 6% lên 43% chỉ sau 2 năm.

TP.Long Khánh là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác cao nhất tỉnh. Theo Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đào Đại Giang, thực hiện Chỉ thị số 54 của Tỉnh ủy và kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh, thành phố đã yêu cầu 15 phường, xã trên địa bàn lựa chọn tuyến đường, khu dân cư làm điểm trước, sau đó nhân rộng ra các khu còn lại. Lập hơn 130 tổ/mô hình tự quản môi trường để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đăng ký thu gom và phân loại rác; đồng thời, giám sát hoạt động thu gom, xử lý rác của đơn vị dịch vụ môi trường. Ngoài ra, thành phố trang bị 550 thùng rác nhựa, 163 cống bi đáp ứng cho phân loại rác tại nguồn. Nhờ vậy, tại các tuyến đường, khu dân cư điểm có khoảng 82% hộ dân và bình quân chung thành phố là 72% hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Tại H.Xuân Lộc, chương trình phân loại CTRSH được gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nên tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác ngày một tăng theo kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có hơn 38 ngàn hộ dân đăng ký phân loại CTRSH tại nguồn, chiếm 65% hộ dân toàn huyện, trong đó hơn 31 ngàn hộ phân loại rác đúng theo hướng dẫn.

Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc Trần Quỳnh Trâm cho rằng, địa phương quan tâm và đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến hộ gia đình, nông dân, học sinh về ý nghĩa, mục đích của phân loại rác tại nguồn. Điểm thuận lợi là đa phần hộ gia đình làm nông nghiệp có thể áp dụng ngay cách làm tách rác hữu cơ ủ làm phân bón, vừa giảm lượng rác cần xử lý, vừa tiết kiệm tiền phân bón. Tuy nhiên, do nguồn lực để tuyên truyền, hướng dẫn chưa đảm bảo, việc chuẩn hóa phương tiện chưa đồng bộ nên còn những hạn chế.

H.Xuân Lộc sẽ tiếp tục truyền thông phân loại rác gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình xã hội hóa thu gom rác và kêu gọi đầu tư dự án khu xử lý rác thải 52ha tại xã Xuân Hưng theo quy hoạch để đạt mục tiêu 85% hộ dân thực hiện phân loại rác.

* Vẫn cần phân loại rác

Theo đánh giá của Sở TN-MT, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 54, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, thực hiện và hiệu quả xã hội. 11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện sâu rộng. Cùng với đó, các địa phương rà soát, từng bước chuẩn hóa trạm trung chuyển, đồng thời yêu cầu đơn vị thu gom, vận chuyển nâng cấp phương tiện.

Hiện phần lớn rác có khả năng tái chế, tái sử dụng (rác ve chai) đã được phân loại từ hộ gia đình, từ đội ngũ thu gom rác để bán. Rác thải nguy hại trong sinh hoạt (pin, bao bì chất tẩy rửa, rác điện tử) và sản xuất nông nghiệp (bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y) được thu gom, xử lý theo quy trình thông qua hơn 500 điểm đổi chất thải lấy quà tặng, hơn 1,5 ngàn cống bi ở các phường, xã. Đối với rác hữu cơ, nhiều huyện đã triển khai cho nông dân cách biến rác thành phân bón.

Mặc dù vậy, công tác phân loại và xử lý chất thải sau phân loại còn những bất cập. Một số địa phương chưa chú trọng triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát và truyền thông về phân loại CTRSH; tại các đô thị người dân chưa quan tâm phân loại, khó áp dụng tái sử dụng rác hữu cơ. Hạ tầng xe chở rác, trạm trung chuyển chưa đáp ứng, thêm vào đó 3/7 khu xử lý rác đã ngưng tiếp nhận rác. Đơn giá thu gom, xử lý và quy định đấu thầu hằng năm chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, phân loại CTRSH tại nguồn là việc làm có lợi về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng Nai đang triển khai dự án điện rác quy mô 1,2 tấn/ngày nhưng không có nghĩa là không cần phân loại rác. Rác hữu cơ cần phân loại làm phân bón, bao bì nhựa cần phân loại làm nguyên liệu tái sản xuất, cát bụi làm vật liệu xây dựng. Chỉ đem đốt những thứ không thể tái chế, tái sử dụng để giảm váp lực thu gom, giảm chi phí xử lý.

Theo lãnh đạo tỉnh, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 54 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tăng cường tuyên truyền mà trọng tâm là hướng dẫn để phân loại rác trở thành thói quen với mọi người, mọi nhà. UBND cấp huyện làm việc với đơn vị hợp đồng yêu cầu chuẩn hóa phương tiện, đổi mới công nghệ xử lý rác. Cùng với đó, bố trí nguồn kinh phí đầu tư trạm trung chuyển, điểm tập kết rác theo tiêu chuẩn xây dựng và môi trường. Sở TN-MT tham mưu UBND kế hoạch, lộ trình áp dụng chế tài xử phạt hành vi không phân loại rác...

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều