Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tạo đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ...

06:11, 30/11/2022

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Hiện NNHC đã được triển khai tại nhiều địa phương nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn để nhân rộng.

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Hiện NNHC đã được triển khai tại nhiều địa phương nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn để nhân rộng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) thăm mô hình trồng tiêu hữu cơ tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) thăm mô hình trồng tiêu hữu cơ tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Do đó, cần có nhiều giải pháp để xu hướng sản xuất hữu cơ tiếp tục được nhân rộng, phát triển mạnh thời gian tới.

* Tạo thuận lợi về mặt chính sách

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai nghị định về NNHC, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Duy cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định 109, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn về NNHC đã được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ.

Trong đó, có 23 địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn riêng về hỗ trợ sản xuất NNHC theo Nghị định 109 và Đề án 885. Có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ. Cụ thể, 17 địa phương đã tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ riêng sản xuất NNHC, 22 địa phương thực hiện hỗ trợ lồng ghép với các chính sách chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.

Nhờ vậy, số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Cả nước đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ gồm: trái cây 14 ngàn ha, hạt điều gần 4 ngàn ha, lúa gạo 2,3 ngàn ha, rau củ 0,9 ngàn ha, chè gần 0,8 ngàn ha… Về chăn nuôi, heo có hơn 3 ngàn con/năm, gà hơn 7 ngàn con/năm, tôm, cá hồi hơn 500ha…

Phát triển NNHC cũng là một trong những chương trình trọng tâm của ngành Nông nghiệp Đồng Nai thời gian tới. Trong đó, tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân cùng tham gia xây dựng chuỗi liên kết. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng, phát triển NNHC như: chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025; chương trình khuyến nông 5 năm; ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển NNHC với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM)…

Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025, diện tích nhóm đất NNHC đạt khoảng 33 ngàn ha. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh khi đáp ứng các điều kiện theo từng chính sách sẽ được hỗ trợ về kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân áp dụng sản xuất hữu cơ…

* Cần tích cực triển khai vào thực tế

Hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khiến sản xuất NNHC khó nhân rộng vào thực tế. Cụ thể, tuy có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển NNHC nhưng hỗ trợ phát triển mô hình này tại nhiều địa phương chủ yếu triển khai lồng ghép thông qua một số chính sách đã ban hành.

Để gỡ bài toán khó trên, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án Phát triển NNHC trên địa bàn tỉnh; dự án Đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển NNHC.

Bộ NN-PTNT cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể phát triển NNHC thời gian tới. Cụ thể, cần tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về NNHC. Cần có chương trình nâng cao năng lực sản xuất hữu cơ, đặc biệt là xây dựng các mô hình điểm HTX, nông dân sản xuất NNHC.

Đặc biệt, thu hút DN tham gia để triển khai rộng khắp và có hiệu quả, cần xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển NNHC. Đề xuất cơ chế chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang NNHC; từ đó bổ sung một số cơ chế, chính sách phù hợp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam cho rằng, chưa lúc nào cơ hội làm NNHC “lớn như lúc này” vì Đảng và Nhà nước đều rất ủng hộ. DN, HTX, nông dân và chính quyền các địa phương phải nhanh chóng thực hiện và thay đổi cả ý thức để triển khai kịp thời. Quế Lâm đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Đồng Nai về phát triển NNHC, vì chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện để thu hút DN về đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, để sản xuất hữu cơ bền vững cần phải giải bài toán khó về câu chuyện đầu ra. Chính vì vậy, DN không chỉ chú trọng tập huấn về kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho nông dân mà tập huấn rất kỹ những kiến thức về giá thành, bán hàng. Chỉ khi nông dân hiểu “thương trường là chiến trường” thì mới trân trọng khách hàng. Câu chuyện ở đây, người nông dân chăn nuôi, trồng trọt cho bản thân họ chứ không phải làm cho DN. Từ đó, nông dân mới thay đổi nhận thức để thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ và dần xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 1.951ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng 284ha so với năm 2021. Trong đó có 7ha đạt chứng nhận hữu cơ, 1.454ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều