Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ "lá phổi xanh" của miền Đông

07:10, 22/10/2022

Được ví là "lá phổi xanh" giữa miền Ðông Nam bộ, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai không chỉ có ý nghĩa về sự đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm… mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Được ví là “lá phổi xanh” giữa miền Ðông Nam bộ, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai không chỉ có ý nghĩa về sự đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm… mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú). Ảnh: T.Mộc
Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú). Ảnh: T.Mộc

Để gìn giữ không gian xanh cho cả vùng, thời gian qua, Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai đã nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm để thực hiện các chương trình dự án theo đề án Bảo tồn và phát triển Khu DTSQ Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tích cực tham gia góp ý với những dự án, công trình có tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của khu DTSQ.

* Khẳng định vị thế trong vùng

Được công nhận là khu DTSQ thế giới thứ 580 vào năm 2011, với 80% diện tích bảo tồn nằm trên địa bàn Đồng Nai, Khu DTSQ Đồng Nai gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng và tiếp giáp với các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Với địa thế tiếp giáp nhiều địa phương trong vùng, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị của Khu DTSQ Đồng Nai cần nhiều sự cố gắng, nỗ lực từ đội ngũ Ban Quản lý.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai Lê Văn Gọi cho hay, với chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện bảo tồn, phát huy những giá trị đa dạng sinh học của rừng, gìn giữ các giá trị văn hóa - lịch sử, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và nâng cao đời sống nhân dân địa phương, Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Một trong những kết quả nổi bật gần đây là việc phản đối làm đường xuyên rừng nối liền 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đã được Ban quản lý mạnh mẽ lên tiếng, bảo vệ thành công diện tích rừng tự nhiên.

Nhằm khai thác các thế mạnh của Khu DTSQ Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, Trưởng ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai đã yêu cầu các thành viên Ban Quản lý phải tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của Khu DTSQ cần đa dạng hóa các đối tượng như: khách du lịch, học sinh, gắn kết vào các hoạt động về môi trường…

Ông Lê Văn Gọi chia sẻ: “Vị thế của Khu DTSQ Đồng Nai rất quan trọng với địa phương nói riêng và cả vùng Đông Nam bộ nói chung. Nếu Đồng Nai làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị của rừng là một minh chứng thuyết phục nhất cho thế giới thấy tiếng nói của Khu DTSQ Đồng Nai rất quan trọng. Để tạo tiếng vang xa hơn nữa cho Khu DTSQ Đồng Nai, thời gian tới Ban quản lý cần có những kế hoạch nâng cao mức truyền thông, vừa để quảng bá hình ảnh, vừa khẳng định tầm quan trọng đối với cả vùng”.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Phó trưởng ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai cho biết, các hoạt động của Khu DTSQ Đồng Nai đã góp phần vào kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, phát triển bền vững kinh tế địa phương dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa truyền thống. Khu DTSQ Đồng Nai đang ngày càng được biết đến nhiều hơn và nhận sự quan tâm của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hảo cũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi, Khu DTSQ Đồng Nai vẫn còn những khó khăn do Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 5 tỉnh, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các hoạt động của khu DTSQ; sinh kế của cộng đồng trong Khu DTSQ Đồng Nai chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tính ổn định không cao đã phần nào gây áp lực đối với quản lý tài nguyên rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học… Do đó, trong quá trình quản lý, điều hành Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai rất cần sự chung tay phối hợp từ các địa phương lân cận.

* Bảo tồn và phát huy những giá trị của rừng

Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới thứ 580 vào năm 2011, với tổng diện tích gần 970 ngàn ha. Khu DTSQ Đồng Nai bao gồm những địa danh nổi tiếng như: Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, hồ thủy điện Trị An (hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, tại H.Vĩnh Cửu); khu Ramsar Bàu Sấu, Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú). Đây cũng là nơi cư trú của hơn 1,4 ngàn loài thực vật, môi trường sống lý tưởng cho khoảng trên 1,7 ngàn loài động vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát, cá…

Ngoài sự đa dạng về sinh học, Khu DTSQ Đồng Nai còn là nơi lưu giữ những giá trị về văn hóa, lịch sử cách mạng của nhân dân miền Nam với các căn cứ cách mạng và các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia như: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Suối Linh…

Học sinh tham gia buổi dã ngoại, tìm hiểu về lịch sử cách mạng tại Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu)
Học sinh tham gia buổi dã ngoại, tìm hiểu về lịch sử cách mạng tại Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu)

Cùng với những giá trị lịch sử, vùng đất này còn ẩn chứa cả một “rừng” giá trị về văn hóa khá phong phú và đa dạng. Bởi nơi đây chính là mái nhà chung của hơn 13 dân tộc anh em đang sinh sống như: S’tiêng, Mạ, Tày, Chơro… góp phần tạo nên những nét độc đáo của Khu DTSQ Đồng Nai ở vùng Đông Nam bộ mà không thể lẫn với bất kỳ vùng miền khác.

Với sự phong phú cả về thiên nhiên lẫn những giá trị văn hóa, lịch sử, Khu DTSQ Đồng Nai trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước, các đoàn dã ngoại, tìm hiểu về lịch sử cách mạng… của học sinh, sinh viên.

Đến với Khu DTSQ Đồng Nai, khách du lịch có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm các phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, được thưởng thức những âm thanh độc đáo từ các nhạc cụ truyền thống và tận hưởng hương vị các món ăn làm từ sản vật địa phương như: củ mài, bánh dày, cơm lam, thịt nướng, rau rừng và rượu cần…

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai tập trung thực hiện các nhiệm vụ của khu DTSQ như: thực hiện chương trình dự án theo đề án Bảo tồn và phát triển Khu DTSQ Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các hoạt động truyền thông hằng năm và hỗ trợ truyền thông, tập huấn nghiệp vụ du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường năm 2022; thực hiện dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu DTSQ ở Việt Nam (dự án BR) của Bộ TN-MT do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ…

Thủy Mộc

Tin xem nhiều