Báo Đồng Nai điện tử
En

Lộc trời trên núi Chứa Chan

07:02, 04/02/2023

Núi Chứa Chan (thường gọi núi Gia Lào) cao 837m trải rộng trên các xã: Xuân Trường, Suối Cát, Xuân Thọ, Xuân Hiệp và TT.Gia Ray của H.Xuân Lộc.

Núi Chứa Chan (thường gọi núi Gia Lào) cao 837m trải rộng trên các xã: Xuân Trường, Suối Cát, Xuân Thọ, Xuân Hiệp và TT.Gia Ray của H.Xuân Lộc.

Nhờ nguồn nước ngầm từ núi Chứa Chan dồi dào, đồng bào Chơro (ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) chuyển đổi trồng màu sang trồng hoa
Nhờ nguồn nước ngầm từ núi Chứa Chan dồi dào, đồng bào Chơro (ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) chuyển đổi trồng màu sang trồng hoa

Hàng chục năm qua, các hộ dân dưới chân núi và trên núi Chứa Chan có cuộc sống no ấm nhờ phát triển các dịch vụ ăn theo du lịch cũng như đất đai, thổ nhưỡng màu mỡ giúp mùa màng tốt tươi.

Mạch nước ngầm không ngừng phun

Mặc dù cao tới 837m so với mực nước biển, mạch nước ngầm từ lòng đất không ngừng tuôn trào qua các khe đá, con suối trên núi Chứa Chan rồi chảy xuống vườn rẫy của người dân dưới chân núi. Nhờ thiên nhiên ban tặng nguồn nước mạch quanh năm phun trào ở những vị trí cao nhất như: giếng Bảo Đại, giếng Tiên và vô số mạch nước nhỏ, những người bám núi Chứa Chan không phải bận tâm nhiều về chuyện nước sinh hoạt.

Du khách ghé mua đặc sản núi Chứa Chan khi du Xuân
Du khách ghé mua đặc sản núi Chứa Chan khi du Xuân

Ông Năm Phượng (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường) tâm sự, ông không biết “túi nước” này nằm ở vị trí nào. Tuy vậy, qua trên 40 năm bám núi, ông thấy mạch nước cứ tuôn quanh năm từ các khe đá, mạch giếng, dòng suối. Dòng nước được coi là lộc trời này, không chỉ cung cấp nước sạch cho người dân trên núi, các chùa, du khách thập phương mà cả người dân ven núi thuộc các xã: Xuân Trường, Xuân Thọ, Suối Cát, Xuân Hiệp và TT.Gia Ray cũng không bao giờ lo thiếu nước sinh hoạt.

“Phần lớn sản vật tự nhiên từ núi như: củ thần thông, cây sâm đất, mật nhân, sương sâm, chuối hột… bày bán trên núi Chứa Chan là do những người buôn bán mua từ vùng khác đem về bán cho du khách rồi quảng cáo là từ núi Chứa Chan. Các sản vật tự nhiên này ở núi Chứa Chan bây giờ rất khó kiếm” - ông BẢY VIỄN (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) bày tỏ.

Còn ông Út Nghĩa (ngụ xã Suối Cao) có vườn rẫy dưới chân núi Chứa Chan cho biết, ngọn núi này là nơi phát nguyên của các con suối như: Gia Ui, Gia Miên, Gia Liêu và Gia Lào… với nguồn nước trong mát quanh năm. Rồi ông chỉ tay vào ống nhựa dẫn nước từ giếng Tiên trên núi xuống giải thích lý do người dân địa phương nơi đây gọi các mạnh nước phun trào là giếng Tiên. Bởi vì các mạch nước này do thiên nhiên tạo ra, sủi lên và tụ lại, tràn ra ngoài thành dòng nước mát rượi, trong veo.

Núi Chứa Chan có hình vòng cung gồm 3 ngọn đồi nối tiếp, giống hình bát úp với diện tích khoảng 1,4 ngàn ha. Riêng diện tích đất dưới chân núi thì rộng bạt ngàn.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lương Minh Tân cho hay, người dân sinh sống tại 3 ấp: Trung Nghĩa, Trung Hưng, Trung Sơn của xã được nguồn nước suối, nước ngầm từ núi Chứa Chan tưới mát nên cây trồng luôn đạt năng suất cao. Cũng nhờ chủ động được nguồn nước tưới tiêu mà nông dân ở đây mạnh dạn chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao như: chuối, tiêu, cây ăn trái các loại cho thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

“Không chỉ nông dân xã Xuân Trường mà nông dân các xã lân cận có quỹ đất ven chân núi Chứa Chan đều chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Có lợi thế lớn từ nguồn mạch nước ngầm núi Chứa Chan ưu đãi, nhất là trong quá trình các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lương Minh Tân bộc bạch.

Lộc từ núi vơi dần…

Ngoài phong cảnh thiên nhiên mát mẻ, hữu tình, nguồn nước trong lành quanh năm giúp mùa màng tươi tốt, bội thu, núi Chứa Chan còn ban tặng lộc cho những người sinh sống trên núi bằng nghề buôn bán, khuân vác, thu hái đặc sản tự nhiên như: rau rừng, mật ong, thuốc Nam…

Núi Chứa Chan chỉ còn vài người khuân vác thuê đồ cúng lễ, hàng hóa lên núi
Núi Chứa Chan chỉ còn vài người khuân vác thuê đồ cúng lễ, hàng hóa lên núi

Ông Tư Lâm (quê tỉnh Bến Tre) kể, năm 1990, ông đã đưa gia đình lên núi Chứa Chan lập nghiệp. Thời điểm đó, đường lên núi chưa xây bậc tam cấp nên dân còn thưa, ít người đi viếng chùa. Do đó, ông bám núi sinh sống bằng các công việc như: làm rẫy, buôn bán, khuân vác đồ sính lễ nên thu nhập cũng khá ổn định.

Đến thời điểm năm 2009, dân bắt đầu kéo nhau lên núi Chứa Chan dựng lều, hàng quán buôn bán nhiều. Cứ vậy, hàng quán san sát nhau từ chân núi lên tới chùa Bửu Quang và cũng từ đó xuất hiện nhiều việc làm mới như: chiên chuối, làm bánh xèo, tìm thuốc Nam, mật ong rừng, chuối rừng… bán cho du khách.

“Do nhu cầu tìm lộc, sản vật từ núi Chứa Chan về làm quà của du khách nhiều nên những người bám núi đã có thêm nhiều nguồn thu nhập mới, nhất là đàn ông, thanh niên. Tuy vậy, khi lộc trời ngày càng khó tìm, giá cả đắt đỏ khó bán nên nhiều người cũng dần rời núi tìm nguồn khác mưu sinh” - ông Tư Lâm than thở.

Hàng quán đông đúc du khách tại Khu di tích lịch sử núi Chứa Chan
Hàng quán đông đúc du khách tại Khu di tích lịch sử núi Chứa Chan

Vốn là dân chuyên săn tìm mật ong, thuốc Nam bán cho du khách, anh Út Hiệp (quê tỉnh Cà Mau) cho hay, giờ tổ mật ong ruồi bé xíu cũng có giá từ 1,5-2 triệu đồng nhưng không dễ tìm. Trước kia, một ngày đi rừng anh cũng kiếm được 3-5 tổ nhưng giá chỉ vài trăm ngàn đồng vẫn bị du khách chê đắt đỏ. Riêng chuối hột, cây thuốc Nam nay không dễ kiếm nữa.

Chính vì lộc trời của núi Chứa Chan không còn dồi dào nên những người bám núi đã sớm nhận thức, muốn thay đổi cuộc sống cần phải chuyển đổi việc làm khác chứ không nên mãi bám vào lộc trời. Nhiều người đã rời núi làm công nhân, buôn bán, làm rẫy. Nhất là họ đã ý thức cần phải sớm rời núi để tạo đà cho con em có điều kiện học tập, tránh xa những công việc nặng nhọc hoặc chèo kéo du khách nhằm trả lại cho núi Chứa Chan (một di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia) ngày thêm văn minh, lịch sự, hấp dẫn du khách thập phương.

Trưởng ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) NGUYỄN XUÂN MẠNH cho biết, cụm dân cư xung quanh khu du lịch núi Chứa Chan có khoảng 200 hộ dân, tập trung sinh sống dọc theo hai bên lối lên chùa Bửu Quang. Để đảm bảo tốt vấn đề an ninh trật tự, chính quyền địa phương phối hợp tốt với lực lượng bảo vệ của khu du lịch tuyên truyền, tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; tăng cường phòng, chống tội phạm.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều