Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức sống miền Đông từ một cuộc thi viết

07:12, 24/12/2022

Năm 2022, cuộc thi sáng tác Truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II được tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức. Cuộc thi đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp của tỉnh nhà, mang đến động lực mới cho các cây bút truyện ngắn Đồng Nai nói riêng, Đông Nam bộ nói chung.

Năm 2022, cuộc thi sáng tác Truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II được tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức. Cuộc thi đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp của tỉnh nhà, mang đến động lực mới cho các cây bút truyện ngắn Đồng Nai nói riêng, Đông Nam bộ nói chung.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao giải nhất cho tác giả Đặng Ngọc Hùng (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: M.Ny
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao giải nhất cho tác giả Đặng Ngọc Hùng (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: M.Ny

* Sự khởi sắc toàn diện

Từ đề nghị của Đoàn chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, mong muốn các Hội VHNT của vùng Đông Nam bộ có các hoạt động VHNT chung nhằm tăng cường liên kết, giao lưu, cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ I đã được tổ chức tại Bình Dương, năm 2021. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 hoành hành, các tác giả, Ban tổ chức và cả giám khảo đều không thể gặp gỡ, tương tác.

Ngày 15-2-2022, các  Hội VHNT thuộc khu vực Đông Nam bộ tổ chức ký kết Quy chế liên kết, phối hợp các hoạt động giai đoạn 2022-2027 tại TP.Biên Hòa. Và cuộc thi Truyện ngắn lần thứ II chính thức phát động ở các tỉnh Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) và 3 tỉnh ngoài khu vực (Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận). Trong gần 8 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 83 truyện ngắn dự thi của 52 tác giả.

Được UBND tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện và các cơ quan trong tỉnh hỗ trợ, cuộc thi được đánh giá là tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu các nhà văn Trần Nhã Thụy, Phan Nhật Chiêu và Nguyễn Tiến Đạt chấm chung khảo, tư vấn chuyên môn cho cuộc thi. 12 giải thưởng đã được xét trao cho 12 truyện ngắn, mà theo nhà văn, nhà phê bình Phan Nhật Chiêu thì “rất xứng đáng, rất tiêu biểu cho miền Đông”. Đồng chí Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Hội đồng xét giải cho rằng: Cuộc thi đã được triển khai đúng mục tiêu đề ra, góp phần cho sự kết nối, đoàn kết, hợp tác của các tỉnh Đông Nam bộ và các địa phương lân cận, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác VHNT. “Việc hầu hết các tỉnh đều có giải thưởng phản ánh sức viết, sức sáng tạo của các tác giả Đông Nam bộ là rất đồng đều, rất đáng “so kè”, học tập lẫn nhau” - đồng chí Phạm Tấn Linh cho biết.

Công tác truyền thông cũng được chú trọng, với sự vào cuộc của báo, đài, tạp chí Văn nghệ trong tỉnh và báo, website của Hội Nhà văn Việt Nam. Các truyện ngắn được đăng tải kèm theo mã số theo đúng quy định của cuộc thi, song đã mang đến sự quan tâm của các tác giả và bạn đọc trong cả nước.

Buổi tổng kết, trao giải cuộc thi ngày 1-12-2022 với sự có mặt đông đủ của các tác giả dự thi, Ban giám khảo và sự trọng thị của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Hội VHNT Đồng Nai đã để lại dấu ấn tốt đẹp, giúp cho ngày gặp gỡ trở thành ngày hội chung của giới VHNT các tỉnh Đông Nam bộ. Các cây bút có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sáng tác lẫn nhau. Từ đây, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu câu chuyện của đời văn và công việc sáng tác được chia sẻ, gắn kết, mang đến rất nhiều cảm hứng sáng tạo và những ý tưởng mới...

Nhà văn Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Nhiều truyện ngắn dự thi có thể phát triển thành các tác phẩm dài hơi, ví dụ tiểu thuyết, nếu tác giả đầu tư thêm thời gian và công sức cho tác phẩm”. Tác giả Nguyễn Thành Tài (Bình Thuận) chia sẻ: “Sau hai lần tham gia cuộc thi, tôi đã rút cho mình thêm nhiều kinh nghiệm sáng tác, và đang định hình một cách viết mới hơn...”

* Hương sắc miền Đông trên từng trang viết

Nhà văn Trần Nhã Thụy, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi khẳng định: “Tôi luôn tin tưởng rằng, từ những cuộc thi quy mô như thế này, từ vùng đất này sẽ xuất hiện những cây bút vạm vỡ, cho ra đời nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, đóng phần vào sự phát triển văn chương nước nhà”. Theo nhà văn, thành công của cuộc thi, cũng như tiềm năng văn học vùng đất Đông Nam bộ được thể hiện ở chỗ các tác giả đào sâu, tìm tòi và viết thật hay về chính mảnh đất mình đang sống.

Quả thật vậy, cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II đã mang đến một không khí đời sống, văn hóa và xã hội của vùng đất, của từng địa phương rất rõ nét. Tỉnh Bình Thuận tiếp tục giành vị trí “quán quân” của cuộc thi với 4 giải thưởng, trong đó có giải nhất của tác giả Đặng Ngọc Hùng với truyện ngắn Vòng tay. Trong đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ được tái hiện theo thủ pháp sáng tác mới, rất sáng tạo và ám ảnh, để lại bài học nhân nghĩa và hòa giải. Hoặc như Nu lông công mắt phượng của nhà văn Nguyễn Hiệp thì mang dáng dấp của câu chuyện đường rừng thời hiện đại, đúng với câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”...

Đồng Nai với 5 giải, trong đó giải nhì của nhà văn Nguyễn Trí dành cho truyện ngắn Má Năm, là câu chuyện viết về một bà má Đồng Nai ở xã Suối Nho, H.Định Quán. Chuyện nhà tôi, đoạt giải ba của nhà văn Đào Sỹ Quang cũng là một câu chuyện rất xúc động của một gia đình sống rất gần nơi ở của ông. Mảnh đất của Mẹ, đoạt giải khuyến khích của Trâm Oanh, kể về một đại gia đình định cư bên bờ sông Đồng Nai trong quá trình đô thị hóa. Còn Mưa trên rừng chồi, tác phẩm viết về Đồng Nai xuất sắc nhất của nhà văn Lê Đăng Kháng, viết về rừng và thiên nhiên Đồng Nai, được nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét là: “một truyện ngắn nhẹ nhàng, gần như không dụng công, nhưng cũng để lại nhiều cảm xúc đẹp”...

Miền Đông còn hiện lên với dáng dấp của đời sống công nghiệp hiện đại, với lớp người lao động tiến bộ qua truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của Lưu Thành Tựu (Bình Dương); Đời cát của Nguyễn Thị Khánh Liên (Ninh Thuận) dữ dội, mãnh liệt; San hô đỏ (của Lê Vinh Dự, Bà Rịa - Vũng Tàu) lại mang đến một phác thảo đầy sức sống của biển...

Bên cạnh đó, những tác phẩm hay viết về đất nước, con người Việt Nam nói chung cũng có dịp tỏa sáng, như Ngân Kim với truyện ngắn Đôi cánh vịt trời, đoạt giải ba, Phạm Văn Đảng với truyện ngắn Thiên Lương đoạt giải khuyến khích hay của Nguyễn Thị Thu Hương với truyện ngắn Không chọn nơi sinh ra đoạt giải khuyến khích.

* Nhìn lại lực lượng viết của Đồng Nai

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, tác giả đoạt giải nhì cuộc thi năm 2021 và là Phó chủ tịch Hội đồng xét giải cuộc thi năm 2022 phát biểu tại lễ tổng kết, trao giải: “Xét từ góc độ tác giả và tác phẩm dự thi, cũng như xét từ kết quả xét giải, có thể nói cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II-2022 đã tạo được một dấu ấn khá nổi bật trong đời sống văn học nói riêng, trong các hoạt động VHNT nói chung, ở khu vực Đông Nam bộ cũng như cả nước”.

Cuộc thi cũng là dịp để các cây bút Đồng Nai thử sức với thể loại truyện ngắn, một thể tài sáng tác tuy phổ biến song rất khó có những tác phẩm đặc sắc, có thể gây “chấn động” trong đời sống VHNT. Cuộc thi thu hút các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên, tạo một “sân chơi” trí tuệ hấp dẫn, song cũng tạo ra nhiều thử thách mới. Nhìn chung, các tác giả Đồng Nai, nhất là hội viên của Hội VHNT Đồng Nai, tham gia cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ rất nhiệt tình, và có nhiều cố gắng đổi mới, sáng tạo trong cách viết.

Qua 2 năm diễn ra cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ: lần thứ I, Đồng Nai có 13 tác giả tham gia, đoạt 3 giải thưởng;  lần thứ II có 18 tác giả tham gia, đoạt 5 giải thưởng. Số giải thưởng đạt được còn khiêm tốn so với lực lượng sáng tác văn xuôi khá hùng hậu của tỉnh nhà hiện nay.

Tuy nhiên, qua trao đổi chuyên môn, các giám khảo của cuộc thi cho biết: Việc đổi mới bút pháp để có những truyện ngắn hay, mang đậm hơi thở cuộc sống, tạo những “lát cắt” nghệ thuật mới mang đặc trưng của thời đại mới... không chỉ là việc cần làm của riêng ai. Ngoài ra, trong sáng tác các tác giả cần vượt qua chính mình, tạo sự bứt phá. Đồng Nai có lợi thế là đời sống kinh tế - xã hội rất sôi động, lực lượng viết trẻ và đông đảo, ý thức sáng tạo mạnh mẽ... nên bạn đọc có quyền chờ đợi và kỳ vọng.

Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II đã khép lại, song để tổ chức cuộc thi lần thứ III sẽ cần nhiều sự chuẩn bị không chỉ đối với địa phương đăng cai, mà còn đối với lực lượng viết miền Đông Nam bộ, trong đó có các tác giả Đồng Nai.

Trên mỗi trang viết gửi về cho cuộc thi, dù tác phẩm đoạt giải hay không đạt giải đều mang chất hào sảng, phóng khoáng, yêu đời; và một “phong vị” miền Đông đậm đà, lan tỏa.

Mai Sơn

Tin xem nhiều