Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô giáo trẻ giàu năng lượng

10:12, 02/12/2022

Như "duyên tiền định", Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai là nơi hội tụ của nhiều thế hệ hội viên từng theo nghề bảng đen phấn trắng, trong đó cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Trang (giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM) là hội viên trẻ nhất, vừa được kết nạp vào Hội năm 2022.

Như “duyên tiền định”, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai là nơi hội tụ của nhiều thế hệ hội viên từng theo nghề bảng đen phấn trắng, trong đó cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Trang (giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM) là hội viên trẻ nhất, vừa được kết nạp vào Hội năm 2022.

Quỳnh Trang bên bức tranh giành giải nhất cuộc thi Năng lượng cuộc sống xanh
Quỳnh Trang bên bức tranh giành giải nhất cuộc thi Năng lượng cuộc sống xanh. Ảnh: H.N.Điệp

* Sớm bộc lộ năng khiếu

Khi còn sống ở quê nhà Hải Dương, 12 năm học Quỳnh Trang là học sinh khá giỏi. Đặc biệt, mang “gen” trội của cha là nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm (cán bộ Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) nên từ nhỏ, cô đã bộc lộ năng khiếu văn học nghệ thuật.

Bức tranh Thị Màu (chất liệu xé giấy) của Trang từng được giới thiệu trên Báo Hải Dương. Bài báo đầu tiên khi cô học lớp 4 được đăng trên Báo Nhi Đồng. Sau đó, Trang cộng tác thường xuyên với Báo Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ. Lên lớp 10, Trang là cộng tác viên mục Bút xanh của Báo Hải Dương, từng viết những câu chuyện ngộ nghĩnh trẻ thơ như Khoai tây và khoai lang, Kỷ niệm đêm Trung thu, Bài học sau cơn mưa, Trước giờ thi đấu, Tiền thưởng…

Kể về cô con gái lớn, ông Hoàng Tiến Điểm không giấu niềm tự hào, vì chính ông là người dìu dắt cô bé chập chững đến với văn học nghệ thuật. Có lần đang buổi tối, Quỳnh Trang muốn tả cây dừa, ông sốt sắng chở con gái chạy vào xóm, đến một nhà có trồng dừa xin được… xem cây. Cha bấm đèn pin cho con gái quan sát từ gốc đến ngọn cây dừa, nhờ đó Quỳnh Trang viết được cái truyện ngắn Cây dừa ven bờ ao vô cùng sinh động.

Lần khác, ông lại chở con gái đi 2km để… xem cây tre, vì ở làng quê của ông, đô thị hóa đã khiến cây tre chỉ còn trong ký ức. Gắn với cha như hình với bóng, nhưng lần đầu tiên được sở hữu món nhuận bút nhỏ, Trang lại mua chiếc khăn len quàng cổ… tặng mẹ, vì đối với cô bé, mẹ vất vả nhất, luôn phải khuya dậy sớm chăm lo cho gia đình. Trong con mắt của cha, Trang không chỉ học giỏi mà còn… lì, vì cô từng đi học thêm buổi tối ngang qua một cánh đồng vắng teo vắng ngắt mà không biết sợ. Hai năm cha bị tai nạn nằm liệt giường, cô vừa học, vừa sáng tác văn học và phụ mẹ chăm sóc cô em gái bé xíu. Bản lĩnh, ý chí tự lập của con gái khiến cha mẹ cô an lòng khi quyết định vào TP.Biên Hòa lập nghiệp, để Trang ở lại tự lo cho bản thân.

* Thỏa sức sáng tạo

Tốt nghiệp THPT, được đoàn tụ với gia đình ở P.Trảng Dài, Quỳnh Trang tự làm hồ sơ thi đại học và đậu vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Thời gian học đại học, cô luôn được nhận học bổng của nhà trường. Lúc rảnh, cô tranh thủ viết bài cho Báo Sinh viên Việt Nam, Thể thao & Văn hóa…

Không chỉ đam mê viết kịch bản phim, kịch bản sân khấu, cộng tác với các đài truyền hình, QUỲNH TRANG còn yêu thích viết tản văn, truyện ngắn, truyện thiếu nhi. Thế mạnh của cô là khả năng quan sát tinh tế, giọng văn mượt mà, tràn đầy xúc cảm.

Một sự kiện in dấu ấn trong tuổi trẻ của Trang chính là việc cô tham gia hành trình đạp xe về miền Tây do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức. Chặng đường qua 5 tỉnh miền Tây với tổng chiều dài 400km trong vòng 7 ngày, kết hợp các hoạt động xã hội như dọn dẹp cảnh quan, trao học bổng, tổ chức sân chơi cho thiếu nhi… đã giúp Trang trưởng thành. Cô còn cùng nhóm bạn nhận dọn vệ sinh theo giờ, làm gia sư, được phụ huynh có con học tiểu học liên tục mời dạy. Bằng những nỗ lực không ngừng, cô đỡ được gánh nặng tài chính cho cha mẹ và thực hiện được hoài bão của tuổi thanh xuân.

Trong cuộc thi vẽ tranh Năng lượng cuộc sống xanh do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, tác phẩm Năng lượng chỉ có hạn của Trang đã xuất sắc giành giải nhất. Cũng trong năm thứ 4 đại học, cô viết kịch bản phim ngắn Oán và được hãng phim Huỳnh Đông sản xuất. Bộ phim đầu tay kịch bản ít nhiều còn sơ lược, nặng tính giải trí nên chưa tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả nhưng đã cho thấy bóng dáng một nhà biên kịch cá tính trong cô sinh viên sư phạm đến từ Đồng Nai.

Tiếp theo phim Oán, Trang viết kịch bản sân khấu Thám tử… thảm và được HTV7 dàn dựng, phát sóng. Câu chuyện phê phán thói lười lao động nhưng lại hám tiền, sẵn sàng làm giàu bằng trò dựa dẫm lường gạt của một bộ phận dân chúng, vở kịch mang ý nghĩa cảnh tỉnh thể hiện bước tiến rõ rệt của cô.

Năm 2016, Trang tốt nghiệp đại học, thi tuyển công chức đạt thứ hạng cao và trở thành giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM). Cô tin rằng không gian rộng lớn của đô thị năng động và đông dân nhất nước sẽ giúp cô thỏa sức sáng tạo, bay bổng. Bên cạnh đó, Trang vẫn gắn bó với Đồng Nai, nơi có gia đình, bạn bè, có những đôi tay sẵn sàng đón nhận và dẫn dắt cô trên hành trình bút mực.

Năm 2022, Trang được Đài PT-TH Đồng Nai dàn dựng, phát sóng vở kịch ngắn Mưu sinh mùa Covid. Chuyện kịch hình thành do cô luôn theo dõi tin tức thời sự nóng bỏng về đại dịch, đau đáu cảm thương những số phận long đong vất vả quanh mình. Trang rất vui vì trong chiến dịch truyền thông rầm rộ cổ vũ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, có phần đóng góp của cha con cô thông qua những vở kịch ngắn. Trang còn tham gia tư vấn phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong chương trình Vui sống mỗi ngày do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều