Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới về Nguyễn Đình Chiểu

08:11, 18/11/2022

Khoa Văn học, Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa phối hợp với Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới.

Khoa Văn học, Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa phối hợp với Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.Viên
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.Viên

Hội thảo khoa học nằm trong chuỗi các hoạt động trong năm 2022 - kỷ niệm 200 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) nhằm tưởng nhớ và tri ân những đóng góp của ông đối với văn hóa, lịch sử của dân tộc và suy nghĩ tiếp những vấn đề đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

* “Hệ giá trị Nguyễn Đình Chiểu sẵn có tính hấp lực dồi dào”

Nguyễn Đình Chiểu là thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam đã được UNESCO - LHQ vinh danh. Ông đã sống một cuộc đời rất thanh sạch và để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống đồng bào Nam bộ và cả nước. Ông không chỉ là tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn học viết bằng chữ Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhân dân thế giới biết đến.

Thực tế, trong suốt nhiều thập kỷ qua, công tác nghiên cứu di sản về ông đã có nhiều thành tựu. Dù vậy, với đóng góp to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Nguyễn Đình Chiểu, theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời, nhân cách, tư tưởng, giá trị tác phẩm của ông có biên độ và chiều sâu rất lớn, nếu không muốn nói là vô tận. “Hệ giá trị Nguyễn Đình Chiểu sẵn có tính hấp lực dồi dào, lần này lại tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu, cơ sở đào tạo và lĩnh vực công tác khác nhau trong nước và quốc tế” - PGS-TS Hà Văn Minh, Trưởng khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo tập trung các tham luận, nghiên cứu về những tư liệu mới về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, vị trí và tầm ảnh hưởng của ông trong đời sống văn hóa, văn học; những đặc trưng giá trị nghệ thuật trong những sáng tác của ông... với những góc nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu văn học, nhà lịch sử học, nhà mỹ học, nhà triết học... góp phần bồi đắp thêm sự hiểu biết sâu rộng về cuộc đời và những giá trị tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế.

* 5 nhóm nghiên cứu chính của hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học thu hút các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực đóng góp các tham luận tập trung vào 5 nhóm vấn đề, đồng thời cũng là 5 hướng nghiên cứu chính. Với mỗi hướng nghiên cứu đều có những nội dung được quan tâm bàn luận tập trung theo các nhóm chủ đề sau:

Thứ nhất là những nghiên cứu mới về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu; thành tựu biên định, khảo thuật di sản Nguyễn Đình Chiểu. Các tham luận thuộc nhóm chủ đề này khẳng định chân dung danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam được tổ chức UNESCO LHQ vinh danh; nhận định về đóng góp có giá trị nhiều phương diện của di sản Nguyễn Đình Chiểu trên nhiều phương diện như: văn hóa chính trị, gia tài văn học... có tính dấu mốc của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là các tham luận như: Tiếp nhận thêm ánh sáng từ ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình Chiểu - danh nhân văn hóa thế giới; Vấn đề tiếp cận Nguyễn Đình Chiểu - tác gia văn học và danh nhân văn hóa…

Thứ hai là nghiên cứu văn bản học và phát hiện mới, công bố tư liệu mới về di sản văn chương Nguyễn Đình Chiểu; tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài. Đó là một loạt các tham luận như: Lời tựa cho bản dịch tiếng Pháp Lục Vân Tiên (1885), Bài tựa cho bản Lục Vân Tiên chữ quốc ngữ (1867), Tình hình khắc in truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu ở Phật Trấn (Quảng Đông) cuối thế kỷ XIX...

PGS-TS Hà Văn Minh đánh giá: “Nghiên cứu văn học di sản Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều tác giả văn chương Nam bộ vốn gặp rất nhiều khó khăn vì thế những nỗ lực khảo cứu theo hướng này cần được ghi nhận đặc biệt... Các tham luận trên giúp làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và sự vận hành của đời sống văn hóa Việt Nam trong một thời đoạn có bước chuyển lớn về văn tự và ngôn ngữ văn chương dân tộc nói chung”.

Thứ ba là nghiên cứu, thẩm định, soi chiếu tác phẩm văn chương Nguyễn Đình Chiểu từ góc độ văn học, ngôn ngữ và liên ngành. Đây là mảng nghiên cứu luôn có sức gợi mở và do đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Nhóm nghiên cứu này gồm những tham luận như: Xác định lại văn bản và ý nghĩa đoạn mở đầu Lục Vân Tiên; Phong cách khẩu ngữ trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên; Kiều Nguyệt Nga và Võ Thế Loan: Hai đối cực trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu; Phát huy vẻ đẹp ngôn ngữ trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…

Thứ tư là những vấn đề có ý nghĩa thời sự từ góc nhìn đương đại được gợi mở từ cuộc đời, tư tưởng và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu với các tham luận có giá trị như: Nguyễn Đình Chiểu với các nhà khoa bảng nho học Nam bộ với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của vương triều Nguyễn (1802-1884); Tiên đạo và dị đoan: đạo giáo qua đôi mắt của Nguyễn Đình Chiểu; Tinh thần yêu nước và đạo lý trong văn học Nam bộ - từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Ngọc Tư; Văn chương chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu - nhìn từ hệ thống thể loại...

Thứ năm là nghiên cứu và đề xuất quan điểm, giải pháp dạy học về Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường các cấp với các tham luận như: Phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh phổ thông qua dạy và học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (khảo sát trường hợp tỉnh Bến Tre); Dạy học tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trong trường THPT ở Trà Vinh theo mô hình trường học gắn với di sản văn hóa khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Làm mới, làm dày thêm hệ giá trị biểu tượng Nguyễn Đình Chiểu

PGS-TS Hà Văn Minh, Trưởng khoa Ngữ văn Trường đại học sư phạm Hà Nội nhận định:

• “Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục khám phá và phát hiện những trị giá và cách tiếp cận, làm mới và làm dày thêm cơ sở vững chắc để khẳng định tầm vóc thời đại có tính biểu tượng cho lịch sử và văn hóa Việt Nam: biểu tượng Nguyễn Đình Chiểu...”.

• “Dấu mốc”, “bước ngoặt” hay “đỉnh cao” là những thuật, khái niệm mà giới nghiên cứu lịch sử, văn học Việt Nam chỉ dành cho những tác gia đã hóa thân vào non sông đất nước này”.

Theo PGS-TS Biện Minh Điền (Trường đại học Vinh) để tiếp cận Nguyễn Đình Chiểu, điều thiết yếu trước hết cần nhận rõ những khó khăn, phức tạp từ hoàn cảnh sáng tác của ông, nhất là việc nhà thơ bị mù cả hai mắt khi bắt đầu bước vào sự nghiệp sáng tác. Các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu dĩ nhiên do người khác viết hộ càng trở nên phức tạp…

Lâm Viên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích