Báo Đồng Nai điện tử
En

Hà Lan khuyến khích người dân đi xe đạp

07:11, 12/11/2022

Thời gian gần đây, giá xăng tăng, rồi lại thêm việc nguồn xăng khan hiếm, xếp hàng cả buổi chỉ đổ được một lượng xăng nhất định, nhiều người ngán ngẩm nên đã hoặc "lăm le" chuyển sang di chuyển bằng xe đạp. Phương tiện "chạy bằng cơm" này càng thu hút sự chú ý của công luận khi TP.HCM có mô hình thí điểm cho thuê xe đạp đi trong thành phố, còn Hà Nội đề xuất xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp.

Thời gian gần đây, giá xăng tăng, rồi lại thêm việc nguồn xăng khan hiếm, xếp hàng cả buổi chỉ đổ được một lượng xăng nhất định, nhiều người ngán ngẩm nên đã hoặc “lăm le” chuyển sang di chuyển bằng xe đạp. Phương tiện “chạy bằng cơm” này càng thu hút sự chú ý của công luận khi TP.HCM có mô hình thí điểm cho thuê xe đạp đi trong thành phố, còn Hà Nội đề xuất xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp.

Xe đạp dành cho gia đình
Xe đạp dành cho gia đình

Trong khi Việt Nam vẫn còn “thí điểm” và “bàn”, thì với một số nước phát triển, việc di chuyển bằng xe đạp không mới, đặc biệt là ở Hà Lan. Đặt chân xuống phi trường Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan, nhiều du khách, nhất là khách đến từ Việt Nam không khỏi ngạc nhiên trước những bãi xe khổng lồ chỉ toàn là… xe đạp ngay trong sân bay. Đâu đâu trong thủ đô cũng thấy những bãi xe đạp chứa hàng ngàn chiếc. Xe đạp có mặt ở khắp nơi trong thành phố.

 “Thiên đường” của xe đạp

Anh  Willem van de Henk, tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch tự hào cho biết, Hà Lan có 16/17 triệu dân thường xuyên đi xe đạp, nhưng có đến 23 triệu chiếc xe đạp. Bản thân anh sở hữu đến 3 chiếc xe đạp, 1 chiếc sử dụng đi làm hằng ngày, 1 chiếc để những khi buông tay lái anh lại cùng bạn gái đạp xe đi chơi, du lịch loanh quanh và 1 “xe đạp thồ” có gắn giỏ để chở thực phẩm khi đi siêu thị. Một người anh của Willem sống ở TP.Utrecht thì hằng ngày dùng 1 chiếc xe đạp đến nhà ga, gởi xe rồi đi lên tàu lửa đến nơi làm việc cách đó 30km, tại đây anh lại dùng 1 chiếc xe đạp khác đến nơi làm việc. Đó là lý do số xe đạp nhiều hơn số người dân ở Hà Lan.

Nhiều ưu đãi, nhưng Chính phủ Hà Lan cũng đặt yêu cầu cao đối với người sử dụng xe đạp nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Người điều khiển xe đạp xe phải có giới hạn nồng độ cồn trong máu là dưới 50mg/100ml như đối với lái xe cơ giới, nếu vượt quá ngưỡng này sẽ bị phạt rất nặng.

Ở Amsterdam cũng như những nơi mà chúng tôi đến ở Hà Lan như Rotterdam, Volendam, trên đường phố có vô số người dân từ già đến trẻ, từ anh chàng mặc complet thắt cravate trịnh trọng cho đến ông bà cụ vẫn chọn phương tiện di chuyển là xe đạp. Willem cho biết 70% người dân ở Amsterdam di chuyển trong thành phố bằng xe đạp.

Người dân thích đi xe đạp, tất nhiên cửa hàng bán xe đạp cũng nhiều không kém. Anh Willem đưa chúng tôi đến một số cửa hàng xe đạp, có vô số chủng loại, kiểu dáng xe đạp để đáp ứng nhu cầu mọi người dân. Tại đây có những chiếc xe đạp thể thao đắt tiền, khung bằng sợi carbon nhẹ tênh như Scott Foil Premium có giá ngang ngửa chiếc ô tô tầm trung (giá khoảng 13,2 ngàn euro), hay những chiếc xe đạp nhãn hiệu Peugeot quen thuộc với người Biên Hòa ngày xưa, giá từ 800-1.000 euro. Ở trên đường phố, thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhìn thấy những chiếc xe đạp rất độc đáo, như loại xe đạp gia đình có 2 yên cho vợ và chồng còn phía trước xe có gắn remorque để chở trẻ con (người Hà Lan gọi loại xe này là bakfiets), hay xe đạp có gắn thêm mái che, thậm chí có những chiếc xe “kéo” khung dài ra thêm 3-4 yên cho trẻ con, trông thật ngộ nghĩnh.

Trên đường phố, hầu như nơi nào cũng có làn đường dành riêng cho xe đạp. Làn đường này được sơn màu đỏ để dễ nhìn thấy, nằm tiếp giáp giữa lề và lòng đường, đủ rộng để 2 xe có thể vượt nhau. Thậm chí, ở khu bảo tàng nổi tiếng Rijksmuseum còn có làn đường dành cho xe đạp xuyên ngang qua bảo tàng. Anh Willem luôn nhắc mọi người khi đi bộ trên phố nhớ đừng đi trên làn đường này, vì người đạp xe sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu đụng phải người đi bộ trên làn đường dành riêng cho phương tiện xe đạp.

Theo Willem, Hà Lan có địa hình tương đối bằng phẳng, thời tiết khá phù hợp với việc di chuyển bằng xe đạp bởi quanh năm ít có nắng gắt, gió cũng không mạnh nên người đi xe đạp ít gặp khó khăn bởi tình trạng đạp ngược gió. Đây là một trong những lý do khiến người dân chuộng đi xe đạp bên cạnh yếu tố đạp xe tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường lại tiết kiệm được chi phí nhiên liệu.

Giải pháp phù hợp của Chính phủ

Tuy nhiên, lúc đầu không phải người dân Hà Lan nào cũng ý thức được tiện ích và tự nguyện chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển. Ở thập niên 50-60 của thế kỷ XX, người Hà Lan vẫn chuộng sử dụng ô tô như người dân những nước phát triển khác. Đường phố ngày càng trở nên chật chội, lưu thông chậm chạp, thiếu chỗ đậu xe đến nỗi người dân ngày càng mất nhiều thời gian di chuyển, tìm chỗ đậu xe và đi bộ từ bãi đậu xe đến nơi cần; số người tử vong vì tai nạn giao thông tăng cao; người dân ngày càng tiêu tốn nhiều chi phí cho ô tô, nhất là khi giá xăng dầu tăng cao vào năm 1973.

Những bãi gởi xe đạp có khắp nơi ở Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: H.LAM
Những bãi gởi xe đạp có khắp nơi ở Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: H.LAM

Trước tình hình đó, Chính phủ Hà Lan quyết tâm thực hiện cuộc vận động người dân chuyển sang đi xe đạp với nhiều giải pháp đồng bộ. Từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, các chính sách ưu tiên cho người đi xe đạp bắt đầu được triển khai. Hàng loạt dự án đầu tư và cải tiến hệ thống hạ tầng giao thông ưu tiên dành cho xe đạp được thực hiện, trong đó có việc bố trí làn đường ưu tiên. Hiện mạng lưới đường xe đạp của Hà Lan trải dài gần 35 ngàn km với chi phí cho cơ sở hạ tầng xe đạp lên đến khoảng 400 triệu euro. Chính quyền cũng quy hoạch các bãi đậu xe, gởi xe tiện lợi ở khu công cộng như: nhà ga, trạm xe buýt, xe điện, bến tàu, trước các tòa nhà, cửa hàng. Ở các khu vực chật hẹp, thiếu bãi đậu xe, chính quyền cho phép tận dụng cả thành cầu, công viên làm nơi để xe đạp cho người dân. Những người sử dụng xe đạp được giảm 20 xu tiền thuế cá nhân đối với 1km đạp xe. Nhiều cơ quan, công ty còn hưởng ứng cuộc vận động của Nhà nước bằng cách cấp xe đạp cho nhân viên đi làm.

Song song đó, những bài học về tiện ích của việc sử dụng xe đạp và hướng dẫn cách đi xe đạp được đưa vào chương trình học trong tất cả các trường học. Ở Hà Lan hiếm thấy cảnh cha mẹ đưa con đến trường bằng ô tô, mà có đến 90% học sinh đi xe đạp tới trường bởi đường đến trường an toàn gần như tuyệt đối. Vì thế, theo thời gian trẻ em ở đất nước này tập thành thói quen đi xe đạp cho đến khi trưởng thành. 

Tất nhiên, lý do thuyết phục người Hà Lan tự nguyện đi xe đạp ngoài cơ sở hạ tầng cho xe đạp tốt phải kể đến những dịch vụ liên kết thuận tiện. Hệ thống phương tiện công cộng như: tàu điện, xe điện, xe buýt kết nối các khu vực thường xuyên, nhanh chóng. Các con tàu đều có toa dành cho hành khách mang xe đạp lên, và các nhà ga luôn có những bãi đậu xe đạp rộng rãi, có mái che. Thống kê của Viện Phân tích chính sách Hà Lan cho thấy đi xe đạp ở thị trấn sẽ giúp đến đích nhanh hơn 5% so với lái xe ô tô, và tại các thị trấn lớn (trên 100 ngàn dân) thì nhanh hơn 10%.

Chính phủ Hà Lan cũng công bố đầu tư 390 triệu USD vào cơ sở hạ tầng xe đạp để khuyến khích thêm 200 ngàn người đi làm bằng xe đạp. Theo đó, 15 tuyến đường được phát triển thành “đường cao tốc xe đạp” (đường chỉ dành cho xe đạp), 25 ngàn bãi gởi xe đạp được xây dựng và hơn 60 cơ sở chứa xe đạp sẽ được nâng cấp để thực hiện mục tiêu trên. Hà Lan quả thật là “thiên đường” cho người đi xe đạp.          

Hà Lam

Tin xem nhiều