Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu quỹ hội phụ huynh học sinh: Cần tự nguyện, minh bạch và công khai

08:10, 08/10/2022

Một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh (PH) quan tâm đầu năm học mới 2022-2023 là việc thu và đóng tiền quỹ hội PH học sinh.

Một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh (PH) quan tâm đầu năm học mới 2022-2023 là việc thu và đóng tiền quỹ hội PH học sinh.

Việc đóng tiền quỹ hội phụ huynh học sinh giúp nhà trường có kinh phí để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh các trường công lập.
Việc đóng tiền quỹ hội phụ huynh học sinh giúp nhà trường có kinh phí để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh các trường công lập. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) tham gia lễ hội hóa trang do nhà trường tổ chức. Ảnh minh họa: P.Liễu

Đã có nhiều thắc mắc, kiến nghị của PH xoay quanh quỹ hội. Đa phần các ý kiến cho rằng, trong tình hình khó khăn chung của các trường công lập, việc đóng góp quỹ hội PH học sinh để ủng hộ các hoạt động của nhà trường là cần thiết, nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, minh bạch và công khai.

* Góp quỹ hội PH học sinh là cần thiết

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, nhiều trường công lập trên địa bàn gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ dạy và học, cũng như kinh phí tổ chức các buổi học ngoại khóa, học kỹ năng. Mỗi năm dù được ngân sách cấp một khoản chi thường xuyên, nhưng so với khối lượng hoạt động thực tế thì khoản ngân sách cấp về chưa thực sự đủ để có thể cân đối chi tiêu trong hoạt động của nhà trường. Bởi thế, nguồn quỹ hội PH học sinh đóng góp trên tinh thần tự nguyện cũng hỗ trợ một phần các khoản chi phục vụ cho việc học của học sinh. Đây là một việc rất cần thiết, nên làm. 

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) nhiều năm nay ở “rốn lũ”, mỗi khi mưa, nước từ nhiều nơi đổ về tràn vào trường, có khi nước ngập lên gần 1m. Lúc nước rút đi thì để lại bùn đất, cỏ rác khiến không chỉ làm hư hỏng sân nền, lớp học, bàn ghế mà còn ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy và trò.

Điều 10, Điều lệ Ban Đại diện CMHS ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định, việc thu, chi kinh phí của ban đại diện CMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể CMHS lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện CMHS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các CMHS.

Ông Nguyễn Huy Như (ngụ KP.1, P.Long Bình Tân) cho biết, dù khó khăn vậy nhưng các thầy cô trong trường vẫn nỗ lực vượt khó mà không kêu gọi, vận động PH đóng tiền để hỗ trợ việc sửa chữa hạ tầng vì biết phần lớn học sinh của trường đều là con em gia đình lao động nghèo.

Trong buổi họp PH đầu năm học mới 2022-2023, Ban Đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh có kêu gọi, vận động PH đóng quỹ nhưng chỉ để hỗ trợ những hoạt động ngoại khóa, trao thưởng cuối năm cho học sinh giỏi, chứ không dùng quỹ này vào việc sửa chữa hay mua sắm cơ sở vật chất cho trường. Ông Như thấy hợp lý nên cũng tình nguyện đóng 300 ngàn đồng vào quỹ hội.

Một số PH có con học tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, việc thu quỹ hội PH được giao cho ban đại diện CMHS từng lớp đứng ra vận động. Các PH có thể đóng góp tùy theo khả năng của mình, chứ không đưa ra mức đóng cố định.

Bà Nguyễn Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, việc thu quỹ hội PH học sinh thực hiện rất sát theo quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban Đại diện CMHS. Tất cả trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc PH phải đóng các khoản thu. Trường cũng yêu cầu ban đại diện CMHS trường và lớp bàn bạc về việc trích quỹ hội cho lớp hoạt động để lớp không thu thêm quỹ.

“Ngoài ra, trường cũng từ chối việc quỹ hội PH học sinh thu phí để lắp thêm đèn, quạt trần, thay rèm cửa, khăn bàn, màn hình máy chiếu… vì sẽ làm nặng gánh cho PH. Đồng thời luôn có sự giám sát việc thu chi quỹ, yêu cầu phải công khai, minh bạch khoản quỹ này của ban đại diện CMHS” - bà Sâm cho biết.

* Cần có cách làm thuyết phục, hợp lý

Hiện một số trường thu quá nhiều khoản khiến không ít PH  thắc mắc nhưng không dám nói, miễn cưỡng chấp hành việc nộp quỹ vì lo ngại ảnh hưởng đến việc học tập của con. Do đó, vấn đề nhiều PH quan tâm hiện nay là cách thu và chi quỹ hội PH học sinh làm sao cho thuyết phục và hợp lý.

Một PH có con học tại một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, đầu năm học 2022-2023, ngoài các khoản thu bắt buộc như học phí chính khóa, bảo hiểm y tế, PH còn phải đóng nhiều khoản khác để thuê bảo vệ, lao công 200 ngàn đồng/năm; phục vụ học tập 72 ngàn đồng/năm; nước uống 120 ngàn đồng/năm. Điều bất hợp lý, quỹ hội PH học sinh còn bao gồm cả quỹ tài trợ phát triển giáo dục 300 ngàn đồng/học kỳ...

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Viên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết:  “Tôi đồng thuận việc PH hỗ trợ một phần hoạt động của nhà trường, nhưng không đồng thuận việc gì của trường cũng đều dùng quỹ hội PH học sinh để trang trải, nhất là việc liên quan đến trang bị máy móc, sửa chữa hạ tầng, vì hằng năm nhà trường đều được cấp ngân sách để duy tu, sửa chữa, trang bị dụng cụ dạy và học. Không có lý do gì thu quỹ hội để chi cho những hoạt động liên quan đến sửa chữa, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị của trường”.

 “Bản chất của quỹ hội PH học sinh là tình nguyện, nên PH có nộp quỹ hay không, nộp nhiều hay ít là tùy. Nếu có PH vì hoàn cảnh khó khăn không nộp quỹ cũng không nên cho rằng PH đó không có trách nhiệm với nhà trường” -  ông Viên nói thêm.

Cũng theo nhiều PH, việc công khai, minh bạch thu, chi quỹ hội PH cũng cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Bởi có những trường có từ 1-2 ngàn học sinh, số tiền PH đóng góp từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, thì việc công khai các khoản thu, chi một cách chi tiết không chỉ bảo đảm tiền PH nộp vào được chi đúng mục đích, phục vụ đúng đối tượng, đem lại hiệu quả mà còn tránh được lãng phí, thậm chí thất thoát.

Nói về sự minh bạch quỹ hội PH, ông Trần Hữu Hải (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) có 2 con đang học THCS và THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, ban đại diện CMHS cũng cần phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Ban hỗ trợ trường, nhưng cần phải hoạt động đúng theo điều lệ. Những khoản thu chi vào được phép chi mới chi, chứ không phải trường “nhờ” hỗ trợ thì ban đại diện CMHS thu và “hồn nhiên” chi theo kế hoạch dự toán kinh phí của trường.

Theo nhiều PH, đóng góp để chia sẻ những khó khăn của trường, của lớp là việc nên làm, nhưng cần tránh lạm dụng sự “tự nguyện” của PH. Bởi không phải PH  nào cũng có điều kiện để “cõng” hết những khoản chi của trường thông qua quỹ hội PH học sinh. Hãy để những buổi họp đầu năm, PH hào hứng cùng bàn bạc, góp ý cho việc học và dạy ngày càng nâng cao chất lượng, chứ không phải để họp xong PH ra về với nỗi lòng nặng trĩu, ưu tư chuyện tiền bạc…        


Phó giám đốc Sở GĐ-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Không được thu những khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện

Đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường và ban đại diện CMHS không được quyên góp, thu những khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không thu các khoản đóng góp cho việc bảo vệ cơ sở vật chất,  bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh trường lớp, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên; sửa chữa, nâng cao, xây mới các công trình của nhà trường.

Sở yêu cầu ban giám hiệu các trường phải hướng dẫn và giám sát hoạt động thu chi của quỹ PH trường, lớp, đảm bảo đúng tinh thần đóng góp tự nguyện; thu chi có kế hoạch, tránh lạm dụng, dẫn đến chi sai, thậm chí là thất thoát.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa VÕ VĂN MINH: Phải công khai những khoản thu nào là tự nguyện

Ngay khi năm học 2022-2023 bắt đầu, Phòng đã yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu khác theo quy định của  Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Trong cuộc họp công tác hiệu trưởng với các trường vào sáng 4-10, Phòng tiếp tục yêu cầu các trường phải tách biệt rõ ràng các khoản, khoản nào là bắt buộc, khoản nào là tự nguyện. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình sẽ có sự đóng góp khác nhau, nghiêm cấm việc chia bình quân đầu học sinh để thu quỹ trường, quỹ lớp.

Đặc biệt, ban đại diện CMHS không được yêu cầu PH nộp tiền để mua sắm trang thiết bị hay sửa chữa hạ tầng trường lớp. Ngay cả các khoản phí bắt buộc cũng nên chia ra đóng làm nhiều lần để giảm bớt khó khăn cho PH. Vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều gia đình cũng rất khó khăn, việc thu những khoản quỹ trường, quỹ lớp không phù hợp sẽ gây thêm áp lực cho các PH.    

An Nhiên (ghi)


  Phương Liễu

Tin xem nhiều