Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng của một nông dân sản xuất giỏi

07:10, 15/10/2022

Trong nhiều năm liền, ông Lê Văn Một (ngụ ấp 4, xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào mô hình trồng bưởi và đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Trong nhiều năm liền, ông Lê Văn Một (ngụ ấp 4, xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào mô hình trồng bưởi và đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Nhiều nông dân trong vùng đã đến tham quan học hỏi mô hình trồng bưởi hiệu quả của ông Lê Văn Một (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.Nhân
Nhiều nông dân trong vùng đã đến tham quan học hỏi mô hình trồng bưởi hiệu quả của ông Lê Văn Một (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.Nhân

Không những làm kinh tế giỏi, ông Một còn tích cực làm việc thiện giúp người khó khăn; đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

* Vươn lên làm giàu từ cây bưởi

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Bình Lợi, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng bưởi da xanh, bưởi đường lá cam theo chuẩn VietGAP của gia đình ông Một. Sau khi xuất bán đợt trái vào dịp Tết Trung thu và ngày Rằm tháng 8 âm lịch, hiện gia đình ông Một đang ra sức phát dọn cỏ, chăm sóc phục hồi vườn; tỉa cành tạo tán cho cây, bón phân, tưới tiêu đều đặn để chuẩn bị cho mùa bưởi tới.

Điều ông LÊ VĂN MỘT trăn trở là bưởi hiện là cây trồng chủ lực ở xã Bình Lợi, sản phẩm bưởi da xanh đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2021. Tuy nhiên, sản phẩm bưởi hiện đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra, giá cả bấp bênh. Do đó ông mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, định hướng để những nông dân tâm huyết như ông tiếp tục giữ “lửa” với nghề trồng bưởi.

Ông Một cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra của sản phẩm bưởi đường lá cam và bưởi da xanh gặp khó khăn ít nhiều. Giá bưởi thấp, bà con nông dân làm ăn không có lời, thậm chí phải chấp nhận bù lỗ. Dù trải qua những lúc thăng trầm nhưng ông Một vẫn tâm huyết với cây bưởi và luôn cố gắng tìm mọi cách để duy trì, vì đây là mô hình đã giúp ông vượt khó vươn lên khấm khá. Hiện ông đang áp dụng kỹ thuật làm phân hữu cơ IMO để bón cho vườn bưởi nhằm giảm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Ông Một tâm sự: “Qua tìm hiểu cho thấy, mùa bưởi Tết Nguyên đán năm 2023 vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, có thể còn xảy ra tình trạng cung cao hơn cầu, giá bưởi thấp. Do vậy, tôi quyết định đầu tư chăm sóc vườn bưởi muộn hơn so với những năm trước để có bưởi bán sau Tết, vì lúc đó nhiều lễ, hội diễn ra, hy vọng sẽ bán được bưởi với giá cao hơn”.

Ông Một là người sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bình Lợi anh hùng. Sau khi xuất ngũ trở về quê, ông đã chọn nghề nông và kế thừa cha mẹ già tiếp tục làm ruộng, vườn nuôi gia đình. Ông Một kể, trước đây, kinh kế của gia đình phụ thuộc vào việc sản xuất nông nghiệp ngắn ngày, như: trồng mía, lúa nước... Tuy nhiên, việc sản xuất phụ thuộc vào thời tiết nắng, mưa cho nên kinh kế gặp nhiều khó khăn, mức thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không có dư.

Trong lúc ông Một đang nghĩ cách tìm hướng đi mới thì cơ hội làm ăn đã đến với ông khi được Hội Nông dân xã Bình Lợi vận động chuyển từ cây mía, lúa không hiệu quả sang trồng cây bưởi. Qua tìm hiểu thấy mô hình này đang phát triển và có nhiều triển vọng nên ông quyết định chuyển sang trồng bưởi da xanh, bưởi đường lá cam và duy trì ổn định mô hình từ đó đến nay đã 21 năm.

“Bắt đầu năm 2000, khi thấy thị trường tiêu thụ bưởi rộng mở, giá cả cao, ổn định, người nông dân hưởng lợi lớn thì tôi quyết định hạ cây mía ra khỏi đất, đưa cây bưởi vào vườn. Tôi đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu với mô hình mới do chưa nắm bắt ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng tìm hiểu thông tin trên sách, báo, tivi, rồi chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyên về mô hình trồng bưởi do địa phương tổ chức để học tập, đúc kết kinh nghiệm. Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng đã giúp tôi thành công” - ông Một chia sẻ.

Hiện ông Một đang sở hữu vườn bưởi da xanh, bưởi đường lá cam rộng 5ha và cho thu hoạch trung bình từ 30-35 tấn/mùa/ha. Mô hình này đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông trên 1 tỷ đồng/năm, thậm chí có năm “được mùa, được giá” thì mức lời tăng 1,5 tỷ đồng. Nhờ đó, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương Bình Lợi.

* Tận tình giúp đỡ người khác

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Một còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cây giống cho những gia đình khó khăn trong vùng để cùng nhau làm ăn và cùng vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Tấn Tài (ngụ ấp 1, xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây, anh từng làm việc cho một công ty ở trong Khu công nghiệp Thạnh Phú, tuy nhiên mức thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ không có dư. Trong khi, cha mẹ cho anh một khu đất rộng khoảng 6 ngàn m2 chỉ để cỏ mọc um tùm chứ không trồng gì. Biết được chuyện của anh Tài, ông Một đã sẵn sàng hỗ trợ cây giống và tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc vườn bưởi. Nhờ đó, vườn bưởi của anh Tài ngày càng phát triển tươi tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Một (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: T.Nhân
Ông Lê Văn Một (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: T.Nhân

“Được sự tận tình chỉ dẫn của chú Một, tôi mới tự tin đầu tư trồng vườn bưởi và duy trì ổn định từ năm 2012 cho đến nay. Thời điểm bưởi được giá, gia đình cũng kiếm lời được từ 150-200 triệu đồng/năm, so với đi làm công nhân thì thu nhập từ bưởi cao hơn” - anh Tài tâm sự.

Thời gian qua, gia đình ông Một đã tích cực tham gia các hoạt động do Hội Nông dân, chính quyền xã Bình Lợi phát động trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, gia đình ông đã hiến khoảng 400m2 đất và đóng góp 80 triệu đồng để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa phương. Gia đình ông còn hỗ trợ tặng trên 600 suất quà trị giá hơn 140 triệu đồng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trong vùng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”. Ngoài ra, ông Một còn tặng học bổng, sách, vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã với trị giá hàng chục triệu đồng.

“Gia đình tôi từ cuộc sống nghèo khó đã cố gắng làm ăn vươn lên nên rất thấu hiểu và chia sẻ nỗi lòng với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Do vậy, tôi mới bàn với vợ và các con là mỗi năm trích ra một phần dư trong thu nhập của gia đình để giúp đỡ cho người dân, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Qua đó muốn động viên, khích lệ cho bà con cố gắng vươn lên trong cuộc sống” -  ông Một bộc bạch.

Gương nông dân điển hình ở địa phương

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) NGUYỄN TRUNG HIẾU nhận xét, ông Lê Văn Một là một trong những nông dân sớm nhận ra việc trồng mía, lúa không còn hiệu quả và đã nhạy bén trong việc chuyển sang kinh tế vườn thành công. Ông Một thường hay giúp đỡ người khác, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thành Nhân

Tin xem nhiều