Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn đến trường

08:10, 15/10/2022

Hiện nay, rất dễ bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe máy trên 50 phân khối đến trường, nhiều em còn chạy xe với tốc độ cao, chở ba, không đội mũ bảo hiểm… gây mất an toàn giao thông (ATGT) cho chính bản thân và những người xung quanh.

Hiện nay, rất dễ bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe máy trên 50 phân khối đến trường, nhiều em còn chạy xe với tốc độ cao, chở ba, không đội mũ bảo hiểm… gây mất an toàn giao thông (ATGT) cho chính bản thân và những người xung quanh.

Học sinh điều khiển xe trên 50 phân khối trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng
Học sinh điều khiển xe trên 50 phân khối trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên, Báo Đồng Nai cuối tuần, ghi nhận ý kiến từ phụ huynh, nhà trường và cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này.

* BS CK.II PHAN ĐÔNG ĐOÀI, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: Tai nạn giao thông chiếm phần lớn các vụ tai nạn thương tích ở trẻ

Trong số tai nạn thương tích mà trẻ thường gặp thì tai nạn giao thông chiếm phần lớn. Trung bình mỗi ngày phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận từ 20-30 trường hợp trẻ em bị tai nạn giao thông, trong đó có 5-10 ca chấn thương nặng phải nhập viện điều trị. Nhiều ca chấn thương rất nặng chủ yếu là chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy chân tay… tập trung nhiều ở lứa tuổi 13-16 tuổi. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do các em điều khiển xe máy trên 50 phân khối, không làm chủ tốc độ nên tự gây ra tai nạn cho chính mình như:  tự té, tông vào trụ, cột, tường…

Trẻ ở lứa tuổi 6-10, hầu hết bị tai nạn khi tham gia giao thông cùng người lớn. Trẻ bị chấn thương nặng do không đảm bảo các yếu tố về an toàn như: ngồi phía trước, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây đai an toàn… Đối với những trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn thì tai nạn thường gặp là bị kẹt gót, khi đi xe 2 bánh, hậu quả tai nạn để lại những di chứng ở bàn chân, phải phẫu thuật nhiều lần rất phức tạp. Để phòng ngừa phụ huynh cần lưu ý gắn thêm dè chắn, mang giày cho con khi cho trẻ ngồi phía sau xe.

Cần sự quan tâm, sâu sát hơn của người lớn

“Trẻ cần sự quan tâm, sâu sát hơn của người lớn, đừng để đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra, phụ huynh lại hối hận nói ước gì, giá như…” - BS CK.II PHAN ĐÔNG ĐOÀI, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Thực tế, có nhiều phụ huynh quan tâm đến yếu tố thuận tiện hơn là an toàn, để con sử dụng xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp không phù hợp với độ tuổi, không hướng dẫn cách sử dụng an toàn, các quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nên rất dễ xảy ra tai nạn.

* Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh: Nghiêm khắc kỷ luật các trường hợp vi phạm

Trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy trên 50 phân khối, tôi nghĩ trước tiên là vai trò của phụ huynh, tuyệt đối không cho con sử dụng phương tiện xe máy trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi. Kế đến là nhà trường, thầy cô là người thường xuyên gần gũi với học sinh nên chỉ cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, nghiêm khắc kỷ luật các trường hợp vi phạm sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm. Song song đó, cần thường xuyên vận động, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để giáo dục ý thức chấp hành, bảo đảm ATGT cho học sinh; tăng cường kiểm tra, xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm sẽ góp phần hạn chế  tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh.

* Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh BÙI VĂN TUẤN: Cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng

Để giảm thiểu số ca tai nạn giao thông, nhất là tai nạn đối với học sinh, trước hết phải nâng cao nhận thức không chỉ cho học sinh mà cả phụ huynh. Điều này cần có sự kết hợp của cả “gia đình - nhà trường - xã hội”. Về phía nhà trường cần tích cực tổ chức các lớp học ATGT, hướng dẫn học sinh các điều luật đảm bảo an toàn, cách điều khiển phương tiện đúng quy định về ATGT.

Về phía gia đình, phụ huynh phải là tấm gương cho con mình trong việc chấp hành các quy định pháp luật về ATGT. Phụ huynh cần có trách nhiệm với con em mình hơn thể hiện qua việc chọn phương tiện di chuyển phù hợp với lứa tuổi, điều kiện và an toàn để cho con đến trường. Trường hợp cần thiết phải giao xe cho trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn cách chạy đúng tốc độ, đúng phần đường dành cho xe 2 bánh, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chấp hành các biển báo, đèn tín hiệu giao thông… Ngoài việc dạy trẻ phải tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2018, còn nhắc nhở các em biết quý trọng sức khỏe, tính mạng bản thân và người khác.

 Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở và có biện pháp xử phạt nghiêm khi phát hiện học sinh vi phạm Luật Giao thông. Chính sự chung tay của gia đình, nhà trường và cộng đồng sẽ giúp học sinh có ý thức tuân thủ chấp hành các quy định về ATGT. Từ đó giúp giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn, giúp học sinh an toàn khi đến trường.

* Cô VÕ THỊ BÍCH THỦY, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Tân 1 (TP.Biên Hòa): Phụ huynh là chốt chặn quan trọng

Đầu năm học 2022-2023, nhà trường đều tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành các quy định về ATGT, tổ chức khuyến khích các học sinh tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi liên quan đến ATGT. Nhà trường phân công các đoàn viên, giáo viên tham gia giám sát các bãi giữ xe xung quanh khu vực trường, khi phát hiện học sinh đi xe máy sẽ yêu cầu các em mang xe vào trường, nhắc nhở, lập biên bản mời giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh lên làm việc và ký cam kết không để con em điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.

Mọi nỗ lực của lực lượng chức năng, nhà trường trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ không hiệu quả nếu cha mẹ nuông chiều con không đúng cách. Có thể nói phụ huynh chính là “chốt chặn” quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông. Vì vậy, ngoài tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ hiện hành cho học sinh, nhà trường cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh về vấn đề này để có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa gia đình, nhà trường trong thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT cho học sinh.

* Ông LÊ MINH TRÍ (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất): Xe máy không phải là công cụ để thể hiện

Rất dễ bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe máy trên 50 phân khối, hoặc đi xe máy điện đến trường. Đáng lo nhất là việc các em không chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển các phương tiện này. Không những chạy xe với tốc độ nhanh, một số còn đi hàng 2, hàng 3; lạng lách, rồ ga gây bất an cho người đi đường, nhất là nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển xe.

Mỗi lần thấy cảnh này tôi rất sốt ruột không biết phụ huynh của các em có biết không, việc “vô tư” giao xe máy cho con đi học mà không có sự quản lý, kiểm soát rất dễ dẫn đến những tai nạn đau lòng. Đây là việc không nên, để đảm bảo an toàn cho con phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, không cho con điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi quy định, chưa am hiểu về cách sử dụng, Luật Giao thông đường bộ vì như vậy là gián tiếp hại con mình và những người tham gia giao thông khác.

Phải dạy con ý thức rằng, xe máy là phương tiện phục vụ việc đi lại, không phải là công cụ để thể hiện. Để không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các em chấp hành tốt các quy định về ATGT.

Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh: “Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe máy từ 50 phân khối trở lên. Trường hợp vi phạm không chỉ người điều khiển phương tiện bị xử phạt hành chính phạt mà người giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển cũng bị xử phạt. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh.

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều