Báo Đồng Nai điện tử
En

70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam: Hành trình và hướng đến

08:10, 08/10/2022

Kể từ Sắc lệnh số 122/SL ngày 10-10-1952 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Xuất bản, in, phát hành sách đã có hành trình 70 năm tuổi, cột mốc kỷ niệm ngành được xác định từ đây.

Kể từ Sắc lệnh số 122/SL ngày 10-10-1952 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Xuất bản, in, phát hành sách đã có hành trình 70 năm tuổi, cột mốc kỷ niệm ngành được xác định từ đây.

Thư viện tỉnh phục vụ lưu động bạn đọc tại TP.Long Khánh. Ảnh: My Ny
Thư viện tỉnh phục vụ lưu động bạn đọc tại TP.Long Khánh. Ảnh: My Ny

Thực ra, truyền thống cách mạng của ngành Xuất bản, in phát hành đã bắt đầu từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với nhiều cuốn sách khởi đầu, làm vũ khí tư tưởng:  Ngày quốc tế đỏ mồng một tháng Tám,  Lịch sử nước ta, Ba năm ở Nga Xô Viết, Ngục Kon Tum, Vượt ngục, Tự chỉ trích, Xã hội tư bản, Nghiệp đoàn lao động…

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, kỷ nguyên mới mở ra, nhiều NXB được thành lập: Lao động, Sự thật, Văn hóa Cứu quốc, Quân du kích, Vệ quốc quân… Sách xuất bản kịp thời phục vụ kháng chiến, kiến quốc phổ cập tri thức trong quân dân; dễ đọc, dễ hiểu, thiết thực.

Đến năm 1952, thực tế yêu cầu cần có tổ chức thống nhất điều hành hoạt động in, xuất bản phát hành sách báo. Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Lần đầu tiên, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, in và phát hành ra đời.

Giai đoạn 1952-1975 là chặng đường vẻ vang của ngành Xuất bản, in, phát hành; vũ khí tinh thần sắc bén phụng sự công cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc. Để mài sắc vũ khí này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ký Sắc lệnh số 282 ngày
11-12-1956 về quyền tự do ngôn luận, xuất bản sách báo; Ban Bí thư có Chỉ thị số 172-CT/TW ngày 23-11-1959 xác định vị trí, tính chất, nhiệm vụ của 3 ngành: Xuất bản, In và Phát hành. Giai đoạn 1965-1975, là thời kỳ cả nước tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, 20  NXB ở miền Bắc đã ấn hành hàng chục triệu bản sách phục vụ quân dân cả hai miền; riêng năm 1975, đã phát hành trên 2.900 đầu sách gồm 40 triệu bản.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (tháng 4-1975), ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng trăm triệu bản sách  chuyển vào miền Nam; từ 21 NXB trước năm 1975, đến năm 1985 đã lên đến 40 NXB; nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục cho toàn xã hội. Các phong trào “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, đọc “sách người tốt, việc tốt” được phát động, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Ở giai đoạn đổi mới tư duy kinh tế (từ năm 1986) các NXB, in, phát hành từ giã cơ chế bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh, gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, xuất hiện nhiều tiêu cực và nguy cơ “thương mại hóa”. Để tăng cường lãnh đạo và khắc phục tồn tại, hạn chế, ngày 31-3-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản. Sau đó, nhiều văn bản lãnh đạo, quản lý của Trung ương chăm chút cho sự nghiệp xuất bản, in, phát hành cùng với hoạt động báo chí. Rõ nhất là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Từ đó, nhiều NXB, in, phát hành vượt khó, vươn lên, có bước đi đúng hướng; nhiều mô hình, sản phẩm mới ra đời, xuất hiện loại hình xuất bản phẩm điện tử.

Cột mốc quan trọng của hoạt động xuất bản, in, phát hành là được luật hóa. Năm 2004, Quốc hội khóa XI ban hành Luật xuất bản số 30/2004/QH11. Năm 2008, Quốc hội khóa XII sửa đổi, bổ sung thành Luật Xuất bản 12/2008/QH12. Luật Xuất bản hiện hành (số 19/2012/QH13) gồm 6 chương, 54 điều.

Từ năm 2014, ngày 21-4 hằng năm được xác định là “Ngày hội Sách Việt Nam” theo Quyết định số 284/QĐ-TTg, ngày 24-2-2014 Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, hành trình 70 năm của ngành Xuất bản, in, phát hành ở Việt Nam đã gắn liền với các bước phát triển của dân tộc, là vũ khí tinh thần hiệu lực ở mọi lĩnh vực, được chăm chút trong lãnh đạo và quản lý, trưởng thành cả chất và lượng, xã hội tôn vinh và kỳ vọng.

Hành trình 70 năm của ngành Xuất bản, in, phát hành thật đáng trân trọng, hết sức tự hào. Nhưng hướng về đích đến, còn nhiều bài toán nan giải. Ngành Xuất bản, in, phát hành là bộ phận quan trọng trong hệ thống “công nghiệp văn hóa”, cần phải vươn đến mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 33/TW: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Muốn vươn đến mục tiêu của Nghị quyết 33/TW và Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ, ngành Xuất bản, in, phát hành phải vượt qua nhiều thách thức. Về số lượng sách bình quân đầu người, 4,2 bản sách/năm là rất thấp, bao giờ mới đến
10-20 đầu sách/năm? Nhiều ý kiến cho rằng: Sách đã nhiều nhưng vẫn thiếu, phân bổ chưa đều; cơ cấu chưa hợp lý; chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới; chưa nhiều sách hàm lượng khoa học cao; tâm lý “ngắm sách” nhiều hơn “đọc sách”. Có số liệu cho thấy: Mỗi năm, bình quân một người Việt Nam chi 2 USD để mua sách (trong khi ở các nước phát triển là 200 USD/người); doanh thu từ xuất bản, in ấn, phát hành còn mỏng manh, thiếu ổn định, thuộc dạng doanh nghiệp nhỏ “tí xíu”.

Còn rất nhiều điều mong đợi ở phía trước. Từ các cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia rứt ruột chia sẻ, hiến kế, kỳ vọng: Hình thành, phổ biến các tủ sách kiến thức; mở rộng mô hình sách “ebook” để quảng bá và hội nhập toàn cầu; thực hiện chuyển đổi số thời đại cách mạng 4.0; áp dụng công nghệ tiên tiến trong in ấn và phát hành; đạt chuẩn và kết nối hệ thống phát hành quốc tế; giúp bạn đọc tiếp cận và sử dụng thành thạo sách điện tử.

Nhằm động viên và truyền lửa cho toàn hệ thống xuất bản, in ấn, phát hành nhân kỷ niệm 70 năm, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2022, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức: hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển; triển lãm chuyên đề Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển; lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V-2022; tổ chức giới thiệu, trưng bày các ấn phẩm về chuyển đổi số; Hội sách Hà Nội lần thứ VII-2022; phát hành bộ sách Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển (3 cuốn).

Điểm nhấn của toàn bộ các hoạt động là lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2022) do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào ngày 10-10.

Đóng góp trong hành trình 70 năm của ngành Xuất bản Việt Nam, NXB Đồng Nai là đơn vị làm công tác xuất bản tổng hợp ở địa phương có truyền thống hơn 40 năm,  kết nối với hoạt động xuất bản toàn quốc, chung ý chí, nỗi niềm và nhịp bước cùng đồng nghiệp vượt khó khăn, hướng đến mục tiêu chung. Trong đội hình người làm công tác xuất bản tiêu biểu được tôn vinh, có tên ông Huỳnh Văn Tới - nguyên Giám đốc  NXB Đồng Nai, người đã gắn kết với sự nghiệp xuất bản ở Đồng Nai hơn 30 năm thăng trầm và vững chãi.        

Ong Mật

Tin xem nhiều