Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đà phát triển từ dự án kết nối giao thông

10:09, 30/09/2022

Giao thông tại quốc lộ 51 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang trong tình trạng quá tải. Lưu lượng xe tham gia giao thông trên các tuyến đường này đang tiếp tục tăng nhanh.

Giao thông tại quốc lộ 51 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang trong tình trạng quá tải. Lưu lượng xe tham gia giao thông trên các tuyến đường này đang tiếp tục tăng nhanh. Để giải bài toán giao thông ùn tắc, cơ quan chức năng các địa phương đã đưa ra nhiều phương án, trong đó có dự án Xây cầu Nhơn Trạch. Cây cầu này khi hoàn thành sẽ góp phần chia sẻ áp lực giao thông qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tạo thêm hướng kết nối sân bay quốc tế Long Thành trong nhiều năm tới.

Cầu Nhơn Trạch là một phần trong dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM. Theo thiết kế điểm đầu của dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (H.Nhơn Trạch) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (H.Bến Lức, tỉnh Long An). Công trình được thiết kế kết nối những tuyến giao thông xuyên tâm nhiều đường cao tốc, giải tỏa luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua khu trung tâm đông dân cư, tiết kiệm thời gian hành trình và chi phí vận tải.

Khi được xây dựng đường vành đai 3 sẽ có tổng chiều dài 76,34km (TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km) giúp kết nối các đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tây Ninh bằng trục đường bao quanh, tạo điều kiện phát triển chung cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tạo tiền đề cho các tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần điều tiết, phân bố dân cư giảm áp lực của khu vực nội đô TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Việc kết nối được đô thị liên vùng sẽ góp phần giảm chi phí logistics và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hơn hết, dự án kết nối giao thông này sẽ tạo đà cho sự phát triển chung của nhiều địa phương, tháo “điểm nghẽn” phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lâu nay là hạ tầng giao thông.

Gia An (tổng hợp)

Tin xem nhiều