Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm ngày độc lập, nhớ di chúc Bác Hồ

08:09, 03/09/2022

Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến rồi. Ngày này cả nước mừng kỷ niệm nước nhà độc lập, tự do, không thể quên di chúc của Bác Hồ.

Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến rồi. Ngày này cả nước mừng kỷ niệm nước nhà độc lập, tự do, không thể quên di chúc của Bác Hồ.

Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Theo GS Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ nghĩ đến và khởi thảo di chúc từ rất sớm. Bản thảo đầu tiên được Bác đánh máy trong nhiều ngày, ghi ngày kết thúc 10-5-1965, dài 3 trang, có chữ ký xác nhận của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn. Bác giao Thư ký là Vũ Kỳ giữ, bí mật. Từ đó, năm, vào dịp sinh nhật, thường vào lúc 9 giờ sáng (giờ sinh học minh mẫn của Bác) Bác Hồ đọc lại, sửa, lại cất giữ bí mật. Bản thứ hai, Bác viết tay ghi tháng 5-1968. Bản này được Bác sửa bằng mực đỏ, bổ sung thành 6 trang, trong đó viết lại đoạn mở đầu và thêm một số đoạn. Bản thứ ba ghi ngày 10-5-1969, cũng viết tay, sửa bằng mực đỏ, viết lại toàn bộ lời mở đầu. Nghiên cứu những chỗ sửa của Bác trong di chúc, sẽ thấy Bác trăn trở, cẩn trọng với di chúc ở từng dòng, từng chữ.

Sau khi Bác Hồ qua đời, chiều 3-9-1969, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị bất thường giao Bộ Chính trị công bố di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa vào bản 1965, trong đó đoạn mở đầu lấy nguyên văn bản 1969. Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới giữ nguyên văn bản 1965.

Sở VH-TTDL phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn vở cải lương Nợ nước non - phần 1 trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần mang tên Nước non vạn dặm tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua.

Vở diễn Nợ nước non của tác giả PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, do NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt. Vở diễn khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trong không gian văn hóa vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Trong ảnh: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tặng hoa, chúc mừng các nghệ sĩ, diễn viên trong đêm công diễn vở cải lương Nợ nước non.          

Ảnh: My Ny

Trước hết nói về việc Đảng. Nói về việc Đảng trước hết Bác dặn dò về đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác còn dặn: Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Trong 57 chữ nói về Đảng cầm quyền, 4 lần Bác nhấn mạnh chữ thật hoặc thực sự: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đúng là Bác Hồ đã dự cảm, lo lắng cho những việc làm đã triển khai nhưng còn nhiều gian dối, chưa đến nơi đến chốn, chưa thật lòng thật dạ.

Về việc nước, nhiệm vụ trọng tâm là kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác có niềm tin mãnh liệt sẽ chiến thắng, dù phải hy sinh gian khổ kéo dài “Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Về việc dân, Bác nhận xét: Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng; và yêu cầu “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Về phong trào quốc tế cộng sản, Bác bày tỏ lòng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nhưng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em. Bác hy vọng: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Bác để lại tình cảm thương yêu cho toàn dân, đặc biệt là đối với đoàn viên thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa ”hồng” vừa ”chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Di chúc của Bác Hồ nói về việc Đảng, việc nước, việc dân, việc quốc tế cộng sản, sau cùng mới nói đến việc riêng; nhưng việc riêng của Bác: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Ấy cũng là việc lo cho lợi ích của dân, không có gì cho riêng Bác.

Vậy là, di chúc của Bác Hồ đã được nung nấu, trăn trở nhiều ngày, chăm chút từng dòng, từng chữ, toàn tâm toàn ý chỉ dành cho Đảng, cho Nước, cho Dân và cho phong trào quốc tế vô sản, không có gì dành riêng cho mình. Ý nghĩa đặc biệt ở Di chúc của Bác Hồ đã được Chính phủ quyết định là Bảo vật quốc gia ngày 1-10-2012.

Bởi vậy, trong niềm vui mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh, có câu hỏi tự vấn: Thắng giặc Mỹ rồi, ta đã thực hiện Di chúc của Bác Hồ như thế nào? Đã làm được gì? Những gì chưa làm được? Có điều gì xấu hổ hay chưa an lòng trong việc xây dựng Đảng hay không? Sâu thẳm trong lòng người sẽ có câu trả lời riêng cho mỗi người.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều