Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện người tìm ra "công thức" ủ chua thức ăn cho dê

08:09, 10/09/2022

Xuất phát từ thực tiễn, vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang và anh Vòng Ti Sáng (ngụ ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) đã tự mày mò tìm ra "công thức" ủ chua thức ăn dự trữ cho dê bằng rỉ mật đường.

Xuất phát từ thực tiễn, vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang và anh Vòng Ti Sáng (ngụ ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) đã tự mày mò tìm ra “công thức” ủ chua thức ăn dự trữ cho dê bằng rỉ mật đường.

Vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang và anh Vòng Ti Sáng tại trang trại dê của gia đình ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Ảnh: T.Nhân
Vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang và anh Vòng Ti Sáng tại trang trại dê của gia đình ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Ảnh: T.Nhân

Vợ chồng chị Trang, anh Sáng là người đầu tiên ở TP.Long Khánh đã tìm ra phương pháp mới để nuôi dê. Với cách làm này đã giúp gia đình nuôi dê thuận lợi hơn như: giảm chi phí đầu tư, lợi nhân công chăm sóc, đảm bảo dưỡng chất cho đàn dê khỏe mạnh, đặc biệt có thể phát triển đàn từ vài trăm đến cả ngàn con mà không lo thiếu thức ăn.

* Từ cái khó “ló” ra ý tưởng

Cuối tháng 8-2022, chúng tôi có dịp ghé tham quan mô hình nuôi dê của gia đình chị Trang. Phía sau căn nhà khang trang là khu chăn nuôi rộng hơn 300m2 được đầu tư kiên cố, thông thoáng. Nhờ áp dụng phương pháp chăm sóc mới, đàn dê hơn 100 con lớn nhỏ của gia đình đều phát triển khỏe mạnh. Mỗi năm 2 vợ chồng chị đã xuất bán ra thị trường hàng trăm dê con giống, dê thương phẩm và đem về cho gia đình lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng. Để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng chị đã nỗ lực rất nhiều trên con đường khởi nghiệp.

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, anh Sáng kể, năm 2014, anh chị lập gia đình và được cha mẹ cho 3 sào đất vườn để làm ăn. Với diện tích đất này, vợ chồng anh mới bàn tính đến việc chọn mô hình phù hợp để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, hiệu quả.

Mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao

Để nuôi dê với số lượng lớn từ hàng trăm con đến hàng ngàn con, việc chuẩn bị thức ăn cho dê là vấn đề nan giải với người chăn nuôi. Nhưng với phương pháp ủ chua thức ăn bằng rỉ mật của vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang, anh Vòng Ti Sáng (ngụ ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh), người chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động được nguồn thức ăn cho dê, đặc biệt hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Lúc bấy giờ, phong trào nuôi dê tại địa phương đang phát triển, nhiều hộ trong vùng đầu tư làm ăn có hiệu quả. Thấy mô hình phù hợp với diện tích đất cũng như điều kiện kinh tế gia đình, vợ chồng chị Trang quyết định đầu tư chuồng trại nuôi dê với hy vọng cuộc sống khấm khá hơn.

Thời gian đầu, việc chăn nuôi dê diễn ra thuận lợi, quanh vùng có nhiều vườn rẫy, cỏ cây xanh tốt nên nguồn thức ăn cho dê luôn dồi dào. Tuy nhiên, việc chăn nuôi sau đó gặp nhiều khó khăn khi phong trào nuôi dê tại địa phương phát triển mạnh, trong khi nguồn thức ăn tươi ở ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm.

“Vợ chồng tôi hằng ngày phải bỏ nhiều thời gian đi hái lá cây cho dê ăn, quá cực khổ mà nguồn thức ăn lại không ổn định; mùa nắng thì thức ăn ít ỏi, còn mùa mưa thì thức ăn ẩm ướt khiến con dê không chịu ăn. Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ có thể nuôi cầm chừng từ 5-10 con dê chứ không dám tăng thêm đàn” - anh Sáng nhớ lại.

Trong lúc trăn trở tìm hướng đi mới cho đàn dê thì may mắn đã đến với gia đình chị Trang. Đầu năm 2021, vợ chồng chị tình cờ xem chương trình trên tivi và biết được một số hộ nông dân ở miền Bắc làm mô hình ủ chua thức ăn cho gia súc bằng rỉ mật đường, công việc vừa nhàn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hai vợ chồng chị bắt đầu tìm hiểu thông tin trên mạng và học cách làm theo. Dù trải qua không ít lần thất bại nhưng anh chị không nản mà quyết tâm theo đuổi để làm bằng được.

“Lúc đầu sản phẩm làm ra thường hay bị mốc, hôi nên dê không ăn. Mình mới suy nghĩ là người ta làm được thì mình cũng làm được. Từ đó, mình càng quyết tâm hơn và cứ mỗi lần thất bại thì tiếp tục làm lại chứ không bỏ cuộc. Nhờ vậy đã giúp mình rút ra nhiều kinh nghiệm và cuối cùng cũng thành công” - chị Trang chia sẻ.

Khi đã tìm ra “công thức” ủ chua thức ăn dự trữ bằng rỉ mật đường, vợ chồng chị Trang, anh Sáng đã áp dụng ngay vào mô hình nuôi dê của gia đình và duy trì ổn định từ đó đến nay. Hai vợ chồng đã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương, như: cỏ, cây bắp, cây đậu phộng… dùng ủ chua làm thức ăn cho đàn dê. Nhờ vậy, chi phí đầu tư rẻ, nguồn thức ăn dự trữ dồi dào, giúp cho đàn dê ăn uống khỏe mạnh, phát triển tốt.

* Chia sẻ cách làm hay

Qua 2 năm áp dụng phương pháp chăn nuôi mới, vợ chồng chị Trang đã mở rộng quy mô trang trại và phát triển đàn dê, từ vài con ban đầu đến nay đã tăng lên hơn 100 con dê sinh sản. Mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường hàng trăm con giống, dê thương phẩm các loại. Giá dê hiện đang ổn định, từ 120-130 ngàn đồng/kg đối với dê thương phẩm và từ 130-200 ngàn đồng/kg đối với dê giống. Mô hình mới đã giúp kinh tế gia đình chị Trang ngày càng khấm khá.

Không chỉ làm lợi cho gia đình, thời gian qua, vợ chồng chị Trang còn tận tình chia sẻ cách làm hay cho đông đảo bà con nông dân gần xa cùng áp dụng và phát triển kinh tế.

Từ công việc nhàn hạ của mô hình nuôi dê bằng thức ăn ủ chua đã giúp vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang, anh Vòng Ti Sáng có thời gian đầu tư trồng vườn hoa với đủ các loại để bán vào dịp lễ, Tết. Nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập, cuộc sống ngày càng đầy đủ, sung túc.

“Nuôi dê với phương pháp mới sẽ mang lại nhiều lợi ích như: giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, lợi công chăm sóc, thay vì một công chỉ nuôi được 5-10 con dê trước đây thì bây giờ một công có thể nuôi cả trăm con, mình sẽ lấy cái lợi đó làm nguồn thu lời cho gia đình” - chị Trang bộc bạch.

Theo kinh nghiệm của chị Trang, phương pháp ủ chua thức ăn bằng rỉ mật đường rất đơn giản và chỉ cần hướng dẫn qua một vài lần là ai cũng có thể làm được. Đầu tiên, cây bắp hay cây đậu phộng sau khi xay nhỏ đem cho vào các thùng phi (loại thể tích 120 lít) và nén thật chặt. Bước tiếp theo, dùng rỉ mật đường pha với nước theo tỷ lệ 1-3. Cứ 2 lít hỗn hợp này thì thêm 1 lạng muối. Sau đó quấy đều và đem tưới vào thùng phuy nguyên liệu rồi đậy kín lại. Sau khi ủ từ 7-10 ngày, thành phẩm sẽ lên men, tạo mùi thơm, màu sắc đẹp và có thể đem cho dê ăn. Cách làm này có thể bảo quản “sản phẩm” từ 3-6 tháng mà không có hiện tượng bị mốc thối, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ trong thời gian dài với số lượng lớn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang Trần Thị Lệ Như cho biết, hiện toàn xã có hơn 500 hộ chăn nuôi dê nhưng đa số nuôi nhỏ lẻ với số lượng trung bình từ 20-30 con. Việc cung cấp thức ăn chủ yếu được các hộ tận dụng nguồn lá, cỏ tươi sẵn có trong các vườn rẫy, nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi, phương pháp ủ chua thức ăn của gia đình chị Trang, anh Sáng mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng ra các hộ khác cùng áp dụng làm.

 “Nuôi dê bằng thức ăn ủ chua của vợ chồng chị Trang, anh Sáng là một mô hình mới, thiết thực và mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, chúng tôi hiện đang tham mưu các ngành chức năng để tổ chức hội thảo, đồng thời phối hợp với gia đình thống nhất nhân rộng mô hình này đến với bà con trong xã trong thời gian tới” - bà Như cho hay.

Thành Nhân

Tin xem nhiều