Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ an toàn đường đến trường và về nhà

10:09, 30/09/2022

Vậy là sau buổi tan trường chiều 28-9, con đường đến trường của nam sinh 16 tuổi ở xã Bình Minh, H.Trảng Bom đã mãi mãi khép lại.

Vậy là sau buổi tan trường chiều 28-9, con đường đến trường của nam sinh 16 tuổi ở xã Bình Minh, H.Trảng Bom đã mãi mãi khép lại.

Nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa vào giờ đưa đón học sinh thường xảy ra tình trạng giao thông ùn ứ
Nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa vào giờ đưa đón học sinh thường xảy ra tình trạng giao thông ùn ứ

Nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua H.Trảng Bom giữa xe tải và xe máy khiến nam sinh trên đường đi học về tử vong tại chỗ đang được ngành chức năng làm rõ, song cuối cùng thì hậu quả và nỗi đau không gì bù đắp nổi đó chính là chấm dứt ước mơ, hoài bão của một mầm xanh đang lớn; cướp đi của gia đình một người con, người cháu mà họ đã sinh thành, dưỡng dục với tất cả yêu thương, tâm huyết.

Vụ việc đau lòng diễn ra trong những ngày cuối tháng 9 - Tháng An toàn giao thông, càng khiến vấn đề an toàn giao thông trở nên bức thiết, cần được quan tâm sát sao hơn nữa.

Cách đây 25 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 718/TTg ngày 1-9-1997 quy định lấy tháng 9 hằng năm làm Tháng An toàn giao thông. Không phải ngẫu nhiên mà Tháng An toàn giao thông lại rơi vào thời điểm học sinh trong cả nước tựu trường - bước vào năm học mới. Bởi lẽ, an toàn giao thông trên những con đường đến trường và trở về nhà là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Dù đã có nhiều năm tuyên truyền, với rất nhiều đợt ra quân, nhưng năm nào cũng vậy, vấn đề an toàn giao thông trong và ngoài trường học vẫn còn nhiều điều phải bàn, phải lo.

Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng trẻ chưa được trang bị kỹ năng lái xe an toàn, kiến thức cơ bản về pháp luật giao thông đường bộ mà vẫn được cha mẹ đồng ý cho điều khiển xe hai bánh trên đường. Dù chỉ là xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối với vận tốc di chuyển không quá lớn, người điều khiển những phương tiện này không bắt buộc phải có giấy phép lái xe, nhưng nếu lưu thông kiểu phóng nhanh, vượt ẩu; đi hàng đôi, hàng ba; tai đeo tai nghe; qua giao lộ không chú ý quan sát; hoặc bất ngờ “tạt ngang” đầu xe ô tô, xe tải ben… thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường.

Hay những sự việc tưởng chừng như đơn giản đến từ học sinh lẫn phụ huynh học sinh như: không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy định khi ngồi trên xe gắn máy đang lưu thông; mở cửa xe ô tô không chú ý quan sát ngay trước khu vực có đông người qua lại; lưu thông bát nháo trước cổng trường… cũng là những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

“An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà” và những nguy cơ về mất an toàn giao thông hầu như ai ai cũng nhận thức được và thực hành một cách đơn giản. Vì vậy, để không còn phải nhắc đến hai từ “giá như…” mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông, bản thân trẻ và gia đình không phải gánh những hậu quả nặng nề do tai nạn giao thông đem lại, thì chính mỗi gia đình và bản thân các em học sinh nói riêng, cũng như những người tham gia giao thông nói chung phải nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông; chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Việc nhà trường, cùng với các ngành chức năng ra quân tuyên truyền, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát…, không thể và không chỉ là biện pháp duy nhất bảo vệ “hạnh phúc của mọi nhà”, mà biện pháp căn cơ bảo vệ an toàn đường đến trường và về nhà của học sinh cũng như của mọi người, thiết nghĩ phải xuất phát từ ý thức và văn hóa tham gia giao thông, tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông đường bộ của mỗi người.

Lâm Viên

Tin xem nhiều