Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận động viên Huỳnh Ngọc Phụng: Thể thao là cứu cánh của cuộc đời tôi

08:08, 20/08/2022

Sinh ra đã bị liệt 2 chân, anh HUỲNH NGỌC PHỤNG vẫn nỗ lực vươn lên hoàn thành hết chương trình học phổ thông. Phụng đến với môn cử tạ và ngày càng đam mê tập luyện. Thành quả đến với anh là nhiều giải thưởng được trao tặng, mới đây nhất, tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11-2022 được tổ chức ở Indonesia, Phụng đã giành 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cho đoàn thể thao Việt Nam.

Sinh ra đã bị liệt 2 chân, anh HUỲNH NGỌC PHỤNG (năm nay 22 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn nỗ lực vươn lên hoàn thành hết chương trình học phổ thông. Phụng đến với môn cử tạ và ngày càng đam mê tập luyện. Thành quả đến với anh là nhiều giải thưởng được trao tặng, mới đây nhất, tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11-2022 được tổ chức ở Indonesia, Phụng đã giành 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cho đoàn thể thao Việt Nam.

Huỳnh Ngọc Phụng rạng rỡ với tấm huy chương vàng. Ảnh: NVCC
Huỳnh Ngọc Phụng rạng rỡ với tấm huy chương vàng. Ảnh: NVCC

Với anh Phụng, cử tạ là đam mê nhưng cũng là nguồn sống để anh khẳng định mình, để vươn lên chứng tỏ bản thân vẫn là người hữu ích.

* Mẹ là bước chân nâng đỡ đến trường

* Là người sinh ra vốn bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng Phụng vẫn có thể hoàn thành được 12 năm học phổ thông, động lực nào để anh có thể làm điều ấy?

- Tôi vốn sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh, nhà chỉ có 2 anh em trai và tôi thì là út. Cuộc sống cũng hết sức khó khăn, lúc nhỏ, tôi không hiểu lắm nhưng cứ thấy tủi thân vì mình bị thiệt thòi hơn chúng bạn. Mặc dầu vậy, tôi đã cố gắng để có thể theo học hết các lớp học ở phổ thông. Tôi luôn nghĩ rằng nhà mình nghèo, bản thân lại thiệt thòi nên phải cố gắng. Dù sao đi nữa, tôi cũng còn có nhiều hạnh phúc vì còn có ba mẹ, có gia đình.

Và trong quãng thời gian đi học ấy, mẹ như là “đôi chân” để tôi đến trường hằng ngày. Mẹ đưa đón tôi đi học cho đến khi tôi học xong bậc THCS. Khi học THPT, năm học lớp 11, nhà trường biết hoàn cảnh của tôi và vận động tặng cho tôi chiếc xe máy điện 3 bánh và từ đó việc đi học được thuận lợi hơn.

Gia đình khó khăn, ba lo đi kiếm tiền để lo cho gia đình, còn mẹ ngoài làm việc còn phải lo chăm sóc tôi, đưa đón tôi đi học nên mọi người cùng ví von con đi học mẹ cũng đi học là như vậy.

* Vượt qua được các trở ngại nhưng có lúc nào anh cảm thấy chán nản trước những khó khăn mà mình gặp phải?

- Người ta thường nói lứa tuổi học sinh là lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, một thời thanh xuân với nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng với tôi, quãng thời gian đến trường đi học cũng có những lúc khiến tôi gần như gục ngã. Có những sự việc tưởng chừng đơn giản như giờ ra chơi, các bạn đều được ra ngoài vui đùa còn tôi phải ở lại lớp, lủi thủi một mình, không biết nói chuyện, giãi bày cùng ai. Lớp học giờ ra chơi thì buộc phải khóa cửa để tránh mất đồ, là người “đặc biệt”, chỉ có một mình trong căn phòng, lắm lúc tôi thực sự tủi thân.

Rồi những lúc đau ốm, cuộc sống gia đình khó khăn, nghĩ cảnh vất vả của ba mẹ mà tôi thấy bản thân vô dụng, bi lụy và tự ti lắm.

Lúc ấy tôi còn nhỏ, học sinh THCS nên cũng chưa suy nghĩ nhiều, chỉ biết là cố gắng học để cho tròn trách nhiệm, để ba mẹ vui thôi. Mãi sau này, lớn lên, vào đời và đi học trường bổ túc, rồi theo đuổi, tập luyện môn cử tạ, bản thân tôi mới thay đổi nhiều.

* Anh đến với môn cử tạ ra sao và tìm thấy gì ở đó?

- Cơ duyên đưa tôi đến cử tạ là năm 2016 tham gia Hội Khuyết tật ở Biên Hòa và được giới thiệu chơi thể thao vì lý do tôi hay nhút nhát và tự ti về bản thân. Nhờ cử tạ, tôi đã dần dần thay đổi. Giao tiếp với các anh chị, các huấn luyện viên và mọi người trong phòng tập, tính tình tôi trở nên hoạt bát hơn, tôi tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, từ đó mà dần dần đạt được các thành tích cao.

* Để thấy mình vẫn là người hữu ích

* Anh có bất ngờ khi tại giải đấu vừa qua, mình đạt được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cho đoàn thể thao Việt Nam?

- Thật sự không những tôi mà các thầy cô huấn luyện viên trong đoàn cũng bất ngờ, vì dù kỳ vọng tôi sẽ có huy chương nhưng không nghĩ là đạt thành tích cao như vậy. Ban đầu, mọi người chỉ kỳ vọng tôi có huy chương thôi. Tôi nghĩ kết quả đó một phần do sự nỗ lực của bản thân, một phần rất lớn khác là sự khích lệ động viên và việc đào tạo, huyện luyện của các huấn luyện viên.

* Phụng có bị áp lực khi tham gia giải lớn như vậy trước khi mình đạt thành tích cao?

- Kỳ thi vừa rồi là giải lớn, quốc tế đầu tiên mà tôi tham gia. Mặc dù đã đạt được một số kết quả ở giải cấp tỉnh, trong nước nhưng ra thi đấu quốc tế có cảm giác khác. Khi đi thi thì tôi cũng không quá đặt nặng thành tích cho mình, xác định học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho các lần sau. Việc đạt giải cao vừa là vinh dự vừa tiếp thêm cho tôi sức mạnh để theo đuổi môn thể thao mà mình đã chọn.

Anh Huỳnh Ngọc Phụng tập luyện dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của huấn luyện viên. Ảnh: Vương Thế
Anh Huỳnh Ngọc Phụng tập luyện dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của huấn luyện viên. Ảnh: Vương Thế

* Với cử tạ, phải chăng Phụng đã tìm thấy nguồn vui sống đích thực của mình?

- Quả thực là vậy, cử tạ giờ đây là niềm vui sống của tôi. Ngoài việc giúp tôi bớt tự ti hơn trong cuộc sống, có thể mang về những thành tích cao, việc tập luyện giúp sức khỏe tốt hơn thì cử tạ và là niềm vui sống, là nguồn sống của tôi.

Là vận động viên của tỉnh, tôi được nhận tiền lương, hỗ trợ để đỡ đần phần nào cho gia đình và quan trọng hơn, tôi vẫn cảm thấy mình là người có ích, không gục ngã sau thời gian dài biến cố.

Phụng cũng mong rằng những người không may bị khuyết tật hãy nỗ lực cố gắng. Cuộc đời vốn dĩ không lấy hết của mình tất cả, hãy luôn giữ nghị lực và nếu bạn tìm thấy niềm đam mê, thế mạnh của mình ở lĩnh vực nào đó thì cố gắng theo đuổi.

* Cái khó của bộ môn cử tạ là gì và đặc biệt là với một người khuyết tật như anh?

- Cử tạ là bộ môn đòi hỏi thể lực rất lớn bởi phải nâng vật nặng, do đó vận động viên, người tập luyện phải chú ý vấn đề sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý và có bài vở, giáo án luyện tập phù hợp mới có thể đạt thành tích cao.

Với người bình thường, cử tạ đã khó nhưng với người khuyết tật đôi chân như tôi, điều đó lại càng khó khăn gấp bội. Khi tập luyện buộc phải có người bên cạnh hỗ trợ bởi tôi không thể tự chuẩn bị dụng cụ cho mình, nâng tạ lên xà, thay tạ...

* Dự định sắp tới của Phụng là gì? Anh kỳ vọng thế nào với bản thân và mong muốn gì với các ngành chức năng để có điều kiện tập luyện tốt hơn?

- Hiện tại, tôi vẫn thường xuyên tập luyện để duy trì, mong muốn đẩy giới hạn của bản thân đi xa hơn. Nếu được vào đội tuyển quốc gia, tôi nghĩ mình có thể cố gắng cải thiện thành tích hơn nữa. Không chỉ tham gia các giải quốc gia, khu vực mà cũng có thể vươn tới giải châu lục, thế giới. Đó còn là cả chặng đường phấn đấu dài.

So với các môn thể thao thành tích cao, trọng điểm khác thì thể thao dành cho người khuyết tật còn rất nhiều thiếu thốn. Điều kiện tập luyện, cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư nhiều, do vậy tôi mong muốn các ban ngành quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện cho các vận động viên tập luyện, giữ sức khỏe và tham gia, đạt được các thành tích cao cho địa phương, đất nước.

* Xin cảm ơn vận động viên Huỳnh Ngọc Phụng!

Tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật ở Thái Nguyên vào cuối tháng 4-2022, Phụng được đề xuất tham gia thi đấu giải Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á với Hiệp hội Paralympic Việt Nam. Từ đó, Phụng được lên đội tuyển quốc gia tập tại TP.HCM cùng với các vận động viên giỏi như: vận động viên Lê Văn Công huy chương vàng Paralympic năm 2016, vận động viên Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan huy chương vàng châu Á...

Qua quá trình tập luyện gian khổ, ngày 2-8-2022, Huỳnh Ngọc Phụng đã thi đấu xuất sắc và dành được 1 huy chương vàng tổng cử của 3 lần đẩy 396kg và 1 huy chương bạc mức cử 140kg ở hạng cân 54kg cho đoàn thể thao Việt Nam.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều