Báo Đồng Nai điện tử
En

Bi kịch từ khoảng cách thế hệ

09:08, 06/08/2022

Sự khác biệt thế hệ có thể tạo ra những khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và các con. Các bậc cha mẹ ít nhiều đều đặt kỳ vọng vào con. Điều này đặt lên vai các em những gánh nặng và lâu ngày sẽ trở thành "bức tường" tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con.

Sự khác biệt thế hệ có thể tạo ra những khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và các con. Các bậc cha mẹ ít nhiều đều đặt kỳ vọng vào con. Điều này đặt lên vai các em những gánh nặng và lâu ngày sẽ trở thành “bức tường” tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con.

Đã bao lâu các bậc phụ huynh chưa ôm con của mình? Ảnh minh họa: Bích Nhàn
Đã bao lâu các bậc phụ huynh chưa ôm con của mình? Ảnh minh họa: Bích Nhàn

* Khi con “đổi tính”

Suốt nhiều năm học liền, em Bảo San (học sinh lớp 10, ngụ  TP.Biên Hòa) luôn có lịch học dày đặc, vừa phải học ở trường, vừa học thêm ngoài giờ. Em là con trai duy nhất nên được cha mẹ chăm sóc, đầu tư kỹ lưỡng từ việc ăn đến việc học. Thậm chí, học gì, ở đâu cũng do ba mẹ sắp xếp.

“Nhiều lúc cháu cảm thấy áp lực trước việc học vì điểm số. Nếu điểm không cao, ba mẹ sẽ buồn. Do vậy, cháu luôn trong trạng thái phải cố gắng và gần như “quá tải” trong việc học, không có nhiều thời gian thư giãn hay chơi những trò chơi mà mình thích” - Bảo San tâm sự.

Cũng từ đó, việc kết nối, chia sẻ giữa em và cha mẹ giảm dần. Những trường hợp như em San không hề hiếm trong xã hội hiện nay. Như một điều tất yếu, các em sẽ dần dần “đổi tính” (như cách nói của các bậc phụ huynh - PV).

Chị Thanh Hương, ngụ TP.Biên Hòa chia sẻ, càng lớn, con trai chị càng ít nói chuyện hay ít tâm sự với ba mẹ. Ngoài ra, bé còn luôn tạo ra sự phản kháng, nhất định phải cãi lại, trái ý của ba mẹ. “Trong khi trước đây, tôi nói là con luôn nghe lời, học hành chăm chỉ, không cần người lớn phải nhắc nhở quá nhiều. Dù con tôi không thuộc diện bướng bỉnh, ngỗ nghịch nhưng bước vào độ tuổi mới lớn, tính cách của cháu đã có sự thay đổi lớn” - chị Hương nói.

Thời gian đầu, chị Hương rất khó chịu về sự “trái tính, trái nết” của con và luôn tự hỏi, tại sao con mình lại không nghe lời khi mà những điều mình đưa ra đều đúng và tốt cho con? Do sự bất đồng này nên 2 mẹ con chị cũng thường rơi vào cảnh, mẹ yêu cầu một đằng, con làm một nẻo. Chị Hương còn sốc hơn khi con bắt đầu có bạn gái nhưng giấu giếm, không nói cho cha mẹ biết. Chị Hương kể lại: “Năm lớp 7, cháu đã nhắn tin tán tỉnh và có tình cảm với bạn khác giới. Khi phát hiện, ba cháu còn bình tĩnh, còn tôi đã khóc rất nhiều vì không nghĩ con mình đã yêu sớm như vậy. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã chọn cách tin con và quen dần với sự thay đổi của con”.

Vợ chồng chị Hoàng Phương (H.Tân Phú) có 2 con gồm 1 trai, 1 gái. Con gái đầu học đại học năm 2, còn con trai đang học lớp 11. Từ khi con bước vào tuổi dậy thì, chị Phương khá đau đầu với sự thay đổi của cậu con trai.

“Mình không nghĩ con mình thay đổi nhiều như vậy, nhưng may mắn là vẫn còn trong tầm kiểm soát. Bắt đầu vào cấp 3, cháu bắt đầu muốn làm theo “chủ nghĩa cá nhân” và đi xăm hình nghệ thuật vì sở thích” - chị Phương nói.

* Hãy là bạn của con mình

Chuyên gia tâm lý Hồ Trường Giang (TP.Biên Hòa) cho rằng, khoảng cách giữa cha mẹ và con là quy luật của tự nhiên. Trước đây, nền văn minh lúa nước - nông nghiệp, cha mẹ có thời gian gắn bó với gia đình nhiều hơn. Còn thời đại công nghiệp hiện nay, thời gian cha mẹ bận rộn cho công việc, sự nghiệp riêng khá lớn nên thời gian dành cho con ít hơn. Do đó, khoảng cách giữa 2 thế hệ ngày càng nới rộng, sự tương tác cũng ngày càng ít hơn.

Các bậc phụ huynh cần dành thời gian chăm sóc, làm bạn với con để thu hẹp khoảng cách. Ảnh minh họa: Bích Nhàn
Các bậc phụ huynh cần dành thời gian chăm sóc, làm bạn với con để thu hẹp khoảng cách. Ảnh minh họa: Bích Nhàn

“Nguyên nhân trước hết là lỗi của các bậc cha mẹ. Chúng ta không sắp xếp thời gian để gần gũi con. Điều này có thể khắc phục được khi ba mẹ có thời khóa biểu rõ ràng trong ngày, thời gian nào làm việc, thời gian nào dành cho con… thì cuộc sống mới tốt hơn” - anh Hồ Trường Giang nhấn mạnh.

Điều đáng lo ngại là khoảng cách giữa những người thân trong gia đình càng lớn thì “bi kịch” sẽ càng nhiều, không chỉ dừng lại ở chuyện trẻ không ngoan, vô lễ…

Cụ thể như một trường hợp cả ba mẹ đều thành công trong sự nghiệp, thu nhập cao nhưng ly hôn vì cả 2 đều có mối quan hệ “ngoài luồng”. “Ngay khi nhận quyết định ly hôn, cặp vợ chồng này đã giao nhà, tài khoản riêng cho con. Nhưng bé đã tự tử ngay trong nhà. Từ đó cho thấy, ba mẹ nuôi con không chỉ lo cho con ăn học đầy đủ mà cần sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ.

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng áp đặt con làm những điều mà trẻ không có năng lực hay thiên phú. Mỗi trẻ sinh ra có một năng khiếu riêng nhưng các bậc phụ huynh lại luôn muốn con phát triển theo ý mình, có thể là bắt con thực hiện “giấc mơ” dang dở của bản thân khi còn trẻ, từ đó, tạo áp lực lớn lên con.

Theo anh Giang, chúng ta đang cần người có trách nhiệm (làm công tác xã hội hay người điều trị tâm lý) để chăm sóc tâm lý cho các em, nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra với trẻ. Việc truyền thông để thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh cũng rất quan trọng. Làm sao để cha mẹ và con thực sự thấu hiểu và “là những người bạn” cũng là chiến lược lâu dài.

Để thu dần khoảng cách, nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng tìm cách “làm bạn” với con. Thay vì cấm đoán con yêu sớm, chị Hương và chị Phương đều chọn cách để con có bạn gái hay tôn trọng sở thích của con hơn. Chị Phương bày tỏ, nhiều bậc phụ huynh quá bận rộn, không có thời gian quan tâm đến con thì khoảng cách ngày càng xa và có khả năng con “hư” lúc nào không hay. Do đó, bản thân chị Phương dành nhiều thời gian để nói chuyện với con nhiều hơn, tự kiểm điểm bản thân, lắng nghe nhiều hơn và không áp đặt mối quan hệ bạn bè của con. “Ba mẹ cách con hơn 20-30 năm nên có khoảng cách thế hệ là không tránh khỏi. Tuy cố gắng hiểu và gần con nhưng vợ chồng tôi vẫn tạo ra áp lực chuyện học hành của con, dù đây cũng là áp lực đối với cháu. Trước đây, tôi cũng hay so sánh con mình với con người khác nhưng giờ thì không vì sợ tạo cảm giác tự ti, ức chế cho con” - chị Phương cho hay.

Từ áp lực, bức xúc nhỏ, lâu dần tích tụ thành lớn và dẫn đến hậu quả không lường trước được. Các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi: “Đã bao lâu, bạn chưa ôm con của mình?”.

Trước những áp lực và xung đột về thế hệ, trẻ bị trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý, thậm chí chọn cách tự tử như một cách giải thoát. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 800 ngàn người chọn tự tử, trung bình cứ 40 giây lại có 1 người đang cố gắng tự lấy đi mạng sống của chính họ.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều