Báo Đồng Nai điện tử
En

Để các quy định về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống

09:07, 23/07/2022

Sắp tới, nhiều quy định mới về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư… sẽ chính thức có hiệu lực.

Sắp tới, nhiều quy định mới về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư… sẽ chính thức có hiệu lực.

Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Rác vẫn được “đổ trộm” nhiều nơi dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Rác vẫn được “đổ trộm” nhiều nơi dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Các quy định mới về BVMT được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (gọi tắt Nghị định 45) có hiệu lực từ ngày 25-8 được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm về BVMT.

* Phạt cao để răn đe

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng Nghị định 45 với những quy định chặt chẽ về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cũng như bổ sung quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt… rất phù hợp với thực tế, đảm bảo tính răn đe, thống nhất, từng bước nâng cao ý thức BVMT của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định 45 quy định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo, phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

“Tôi nhất trí cao việc nâng mức xử phạt vi phạm về BVMT. Có người nhận định đây là mức phạt cao nhưng theo tôi phải phạt cao mới đủ sức răn đe. Vì mức phạt hiện nay còn thấp, dẫn đến trường hợp người vi phạm sẵn sàng nộp phạt sau đó tái phạm” - ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) bày tỏ.

Theo ông Phong, ngoài xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật… Đây là những quy định được bổ sung phù hợp với thực tế đảm bảo tính răn đe, thống nhất, từng bước nâng cao ý thức BVMT của người dân, doanh nghiệp trong BVMT.

Cùng quan điểm, một số BĐ đánh giá cao quy định các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; buộc phá dỡ công trình, thiết bị có liên quan đến việc vị phạm…; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính…

“Việc khắc phục hậu quả là yêu cầu cần thiết, tuy nhiên để không xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thì đơn vị chức năng cần phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc chấp hành đối với các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm” - BĐ Lê Minh Trí (xã sông Thao, H.Trảng Bom) kiến nghị.

* Bổ sung nhiều quy định về xử phạt

Để tăng cường tính răn đe, nhóm hành vi xả thải lén lút, xả trộm, xả thải không qua xử lý cũng bị áp dụng mức xử phạt cao hơn so với nghị định cũ. Theo đó, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước. Vi phạm các quy định về BVMT tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề sẽ bị xử phạt từ 1,5-150 triệu đồng (tùy theo hành vi, mức độ vi phạm)…

Đáng chú ý, Nghị định 45 bổ sung quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Cụ thể, Khoản 1, Điều 26, Nghị định 45 quy định phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định.

Nhất trí với nội dung quy định về xử phạt đối với hành vi không phân loại CTRSH, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, việc phân loại CTRSH tại nguồn là cần thiết. Việc phân loại nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp… Thế nhưng hiện tại, các chương trình phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ tại địa phương. Thực tế còn nhiều hộ gia đình chưa được nắm rõ quy trình, cách thức thực hiện nên cần được tuyên truyền, hướng dẫn thêm.

“Trước khi triển khai xử phạt theo cá nhân, hộ gia đình không phân loại CTRSH theo Nghị định 45, ngành chức năng nên thực hiện tuyên truyền hướng dẫn để người dân nắm rõ, chấp hành theo đúng quy định. Việc xử phạt xử phạt vi phạm thời gian đầu chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp cố tình không chấp hành” - bà Phạm Thị Nga (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đề xuất.

Các hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính về BVMT nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (phạt tiền từ 100-150 ngàn đồng);  vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định (phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng); vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông (phạt tiền từ 2-4 triệu đồng)...

Kim Liễu

Tin xem nhiều