Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi công chức, viên chức bán hàng online

09:06, 25/06/2022

Bán hàng online đang nở rộ. Các mặt hàng bán qua mạng cũng rất đa dạng, từ quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng, đến các loại thực phẩm, đồ ăn tươi sống… Đáng chú ý, tham gia bán hàng online giờ đây không chỉ là những người kinh doanh tự do mà còn thu hút một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức (CC-VC) nhà nước…

Bán hàng online đang nở rộ. Các mặt hàng bán qua mạng cũng rất đa dạng, từ quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng, đến các loại thực phẩm, đồ ăn tươi sống… Đáng chú ý, tham gia bán hàng online giờ đây không chỉ là những người kinh doanh tự do mà còn thu hút một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức (CC-VC) nhà nước…

Vì lương thấp nên một công chức UBND một phường ở TP.Biên Hòa làm thêm ngoài giờ bằng việc bán thực phẩm online. Ảnh: Phương Liễu
Vì lương thấp nên một công chức UBND một phường ở TP.Biên Hòa làm thêm ngoài giờ bằng việc bán thực phẩm online. Ảnh: Phương Liễu

Làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình là nhu cầu chính đáng của nhiều CC-VC khi đồng lương còn hạn chế. Tuy nhiên để vừa bán hàng online, vừa giao hàng, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, các CC-VC này phải làm việc khá vất vả.

* Cải thiện thu nhập

Là viên chức một đơn vị trực thuộc ngành Y tế, thu nhập của chị P.T.T. chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ở nhà trọ, nuôi 2 con nhỏ và phải lo cho cha mẹ già ở miền Trung nên cuộc sống gia đình chị T. thường thiếu trước hụt sau.

Có người nhà ở quê kinh doanh hải sản, chị T. đã lấy hàng vào rồi rao bán online, đến nay nó gần như trở thành nguồn thu nhập chính của chị. Do công việc cơ quan được khoán và có thể làm việc tại nhà nên chị T. đã kết hợp vừa làm việc vừa bán hàng online. Chị thường làm việc buổi sáng, còn buổi chiều nhận đơn, chốt đơn, gói hàng và đi giao luôn nếu gần, xa hơn thì chiều tối chồng chị về giao hàng. Vất vả nhưng nhờ chịu khó nên cuộc sống của gia đình chị T. đã bớt lo toan hơn trước.

Bán hàng online đang trở thành một xu hướng giúp CC-VC tăng thu nhập bằng việc dùng công sức, sự chăm chỉ của mình để cải thiện kinh tế gia đình. Đây là một nhu cầu chính đáng trong điều kiện thu nhập của phần lớn CC-VC còn hạn chế, chưa đảm bảo nhu cầu đời sống.

Kiếm thêm thu nhập bằng “nghề” bán hàng online nhiều người chỉ bán một loại mặt hàng, nhưng với chị T.N.L., giáo viên một trường tiểu học ở Biên Hòa lại bán rất nhiều mặt hàng: từ thực phẩm khô đến đồ ăn sẵn, từ đồ gia dụng, mỹ phẩm đến  làm cả “cò” bất động sản. Chị L. chia sẻ: “Dạy tiểu học rất cực nhưng lương lại thấp. Nếu không xoay xở làm thêm thì khó có thể trang trải đủ để lo cho gia đình 6 người”.

Do bán đa dạng mặt hàng, nguồn hàng chất lượng, “sạp” hàng online của chị L. được nhiều khách “ghé” thăm nên có khá nhiều đơn đặt hàng. Nói là bán hàng nhưng thực ra chị L. chỉ là đầu mối nhận đơn rồi đi lấy hàng về giao cho khách lấy công làm lời, chứ “sạp” của chị hầu như không có sẵn bất kỳ loại hàng hóa nào. Nhờ kinh doanh online ngoài giờ mà thu nhập của chị L. cũng tăng lên so với trước, đời sống cải thiện nhiều. 

Hiện nay, bên cạnh một số CC-VC vì thu nhập hạn chế nên chọn làm thêm bằng việc bán hàng online, nhưng cũng có không ít người bán hàng online vì muốn trải nghiệm và tập tành kinh doanh.

Chị Đ.T.T., công chức của một cơ quan cấp sở, có 3 năm bán mặt hàng hoa tươi, cây kiểng, hạt giống và bình gốm nghệ  thuật trên mạng. Hiện chị T. cùng chồng mở tiệm kinh doanh đồ gốm mỹ nghệ trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa).  Chị T. cho biết: “Suốt mấy năm vừa làm chuyên môn, vừa làm thêm, vừa tập tành bán hàng đến nay tôi đã có lượng khách hàng kha khá. Từ chỗ chỉ nhận đơn đặt hàng trên mạng rồi lấy hàng về ship cho khách, nay tôi đã có cửa tiệm thực tế vừa để trưng bày và bán online, bán trực tiếp. Từ các mối quen biết trong công sở mà tôi có khá nhiều khách hàng thân thiết”.

* Nỗ lực vượt khó

Thực tế cho thấy, để một CC-VC đảm bảo công việc chuyên môn lẫn việc kinh doanh online cùng lúc, họ khá vất vả. Vì hiện nay, các cơ quan nhà nước thực hiện chủ trương tinh gọn biên chế, người ít hơn nên công việc chuyên môn khá vất vả. Phần lớn CC-VC phải tranh thủ giờ nghỉ trưa, buổi tối và những ngày cuối tuần để bán online.

Chị N.T.V.A., công chức của một đơn vị hành chính ở TP.Biên Hòa kể, trong cơ quan chị có một đồng nghiệp, chồng cô ấy qua đời vì tai nạn giao thông, một mình nuôi 2 con nhỏ. Để có thêm thu nhập, 2 năm nay cô ấy xoay ra kinh doanh thực phẩm trên mạng. Cô ấy không nghỉ trưa mà tranh thủ vừa kiểm tra tin nhắn, tư vấn khách hàng, chốt đơn, giới thiệu sản phẩm..., rồi sau giờ tan làm, ngày nghỉ lại tất tả đi giao hàng. Có như vậy mới đủ nuôi 2 con nhỏ ăn học.

Hay như chị T.A., điều dưỡng của một bệnh viện tuyến tỉnh. Ngoài giờ làm ở bệnh viện, chị còn buôn bán đủ mặt hàng tạp hóa online để kiếm thêm thu nhập. Thu nhập từ lương và các khoản hỗ trợ khác từ bệnh viện của một điều dưỡng có hơn 10 năm công tác của chị chưa đến 9 triệu đồng. Để có tiền nuôi 2 con và chi trả các chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ, hơn 3 năm nay chị buôn bán online cũng kiếm được vài triệu đồng/tháng, có đồng ra đồng vào lo cho gia đình nhưng rất vất vả.

“Công việc một ngày trực ở bệnh viện đã rất mệt, về đến nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, cực chẳng đã mới phải làm thêm. Tôi chỉ mong thời gian tới, các ngành chức năng quan tâm điều chỉnh tăng lương, tăng thu nhập cho nhân viên ngành y, nhất là điều dưỡng, kỹ thuật viên sao cho đủ trang trải các chi phí tối thiểu trong cuộc sống để đỡ phải lo cơm áo gạo tiền mà chuyên tâm làm việc và có thời gian tái tạo sức lao động” - chị T.A. kiến nghị.

Hiện nay, có không ít CB-CC thực sự gắn bó với công việc, biết cân đối thời gian để hoàn thành tốt công việc chuyên môn và vẫn có thể làm thêm ngoài giờ như chị T.A. Tuy nhiên, cũng có tình trạng CC-VC tận dụng thời gian làm việc ở cơ quan để bán hàng online. Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc.

Mặt khác, kinh doanh online là việc riêng của CC-VC dù là làm ngoài giờ nhưng nếu CC-VC vừa làm việc của cơ quan, vừa bận rộn bán hàng online sẽ dẫn đến tình trạng bản thân họ không còn thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Ngoài ra, ở một góc độ khác, việc bán hàng online của CC-VC cũng cần khéo léo để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của CC-VC trong mắt người dân, tránh ảnh hưởng việc công, tư. Nhất là việc giáo viên kinh doanh online, tránh tình trạng phụ huynh vì cả nể mà mua hàng giúp giáo viên. Hoặc giáo viên lên lớp nhưng giảng dạy qua loa, cho học sinh làm hàng đống bài tập để rảnh tay bán hàng online…

Phó chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh (LĐLĐ tỉnh) Lê Thị Giang Thảo chia sẻ, thực tế thu nhập của đại bộ phận CC-VC nhà nước còn rất hạn chế, ngoài lương hầu như không có thêm thu nhập gì khác. Hiện chỉ có cán bộ đoàn thể thì được thêm 55% phụ cấp, công vụ được 30%, tổ chức chính trị xã hội thì thêm 25% lương, nhưng phần thêm này cũng không thấm vào đâu so với giá cả thị trường tăng cao mỗi ngày. Thu nhập không đủ trang trải, buộc nhiều cán bộ, CC-VC phải kiếm công việc làm thêm để tăng thu nhập.

 “Một vấn đề mà tôi trăn trở, đó là nhiều người vì quá mải làm thêm mà không dành thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, không dành thời gian để nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao chất lượng công việc chuyên môn… sẽ dẫn đến sút giảm sức khỏe, gián tiếp ảnh hưởng đến công việc  chuyên môn. Đồng thời, đề  xuất nhà nước có cơ chế tiền lương cho CC-VC nhà nước hợp lý, đủ để họ trang trải những nhu cầu thiết yếu cơ bản của cuộc sống và quản lý giá cả chặt chẽ, tránh tình trạng giá cả bị đẩy lên, trong khi thu nhập của người lao động không tăng” - bà Thảo nói.

Theo Điều 19, Luật Viên chức năm 2010, kinh doanh hàng online không thuộc 6 việc viên chức không được làm thì việc giáo viên hoặc nhân viên các đơn vị sự nghiệp công lập... hoàn toàn có thể bán hàng online. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, tại Chỉ thị Số: 26/CT-TTg ngày 5-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, viên chức không được sử dụng thời giờ làm việc chuyên môn để làm việc riêng.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích