Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư, vay tiền "ảo": Ngon ngọt "dụ mồi" trên các nền tảng số

10:06, 03/06/2022

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng lưới ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh (smartphone), mạng xã hội… ngày càng có nhiều ứng dụng vay tiền online, ứng dụng "đào tiền", đầu tư tiền ảo với chiêu thức "mời gọi" tinh vi.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng lưới ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh (smartphone), mạng xã hội… ngày càng có nhiều ứng dụng vay tiền online, ứng dụng “đào tiền”, đầu tư tiền ảo với chiêu thức “mời gọi” tinh vi.

Các ứng dụng (app) cho vay tiền online ngày càng xuất hiện nhiều với cách thức vay vốn khá dễ dàng. Ảnh: Hải Hà
Các ứng dụng (app) cho vay tiền online ngày càng xuất hiện nhiều với cách thức vay vốn khá dễ dàng. Ảnh: Hải Hà

Nếu không cảnh giác, người dùng sẽ sa lầy, thậm chí gánh nợ, gặp các vấn đề về pháp lý đối với các hình thức này…

* Vay “nóng” qua mạng và hệ lụy khó lường

Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các dịch vụ cho vay trên mạng xã hội, các app giao dịch, cho vay, các website cho vay ngang hàng (P2P Lending)… Các ứng dụng, website cho vay tiền online tiếp cận, chào mời người vay tiền qua điện thoại, mạng xã hội, internet trở nên phổ biến.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay có rất nhiều app cho vay như: Dong247, Cash24, Tamo, Vamo, MoneyCat, Senmo, DoctorDong… Những ai có nhu cầu chỉ cần ngồi nhà cũng có thể vay tiền thông qua vài thao tác trên điện thoại. Phần lớn các app này được quảng cáo khá nhiều trên internet về cho vay trực tuyến và cho vay số tiền ở mức giá nhỏ, từ 1-20 triệu đồng.

Hiện nay, việc vay và cho vay tiền qua app rất đơn giản, tiện lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được giải ngân chỉ với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính, điện thoại như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp chứng minh nhân dân và phải đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân, sao lưu danh bạ…

Với nền tảng công nghệ số phát triển như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu “vay nóng” của khách hàng, bất kỳ khách hàng nào sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh đều có thể làm thủ tục vay tiền. Các giao dịch này được thực hiện trên môi trường mạng trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên smartphone.

Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của các thuật toán công nghệ, AI (trí tuệ nhân tạo), nhiều app cho vay đã tự ý mua bán data (dữ liệu) người dùng, biến tướng, núp bóng dưới dạng “tín dụng đen” với mức lãi suất, phí dịch vụ “cắt cổ”, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ trước khi quyết định vay tiền qua app, tránh nuốt phải “trái đắng”...

Ông L.T.T. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, công việc bấp bênh nên ông “đánh liều” tìm hiểu thông tin cho vay tiền trên mạng. Khi ông vừa điền số điện thoại thì lập tức họ đưa ra rất nhiều app để lựa chọn từ một công ty vay online tại TP.HCM. Đặc điểm chung của các app này là thời gian vay ngắn, lãi suất và phí dịch vụ siêu cao, vay 2 triệu đồng có thời hạn từ 90 ngày, phí từ 1,3-1,5 triệu đồng/90 ngày, vay càng nhiều thì phí dịch vụ càng nhân lên theo. Lúc đó vì quá túng thiếu, ông đành bấm bụng vay tạm 10 triệu đồng. Do thời gian trả nợ ngắn, phí dịch vụ cao nên sau 90 ngày ông chưa thể thanh toán khoản vay đó. Hệ thống cho vay liên tục cho người gọi điện thoại chửi bới và đe dọa sẽ phát tán thông tin của ông lên mạng xã hội để bêu xấu đòi nợ.

“Khoảng thời gian đó, hằng ngày tôi nhận được hơn chục cuộc điện thoại khiến tôi căng thẳng, lo sợ. Không chỉ tôi mà người thân của tôi cũng bị vạ lây. Do vậy, tôi đành thú thật với gia đình tìm cách xoay xở trả cho họ. Phải nói là tôi ám ảnh đến già vì số tiền nợ chỉ sau 3 tháng không chỉ tăng gấp đôi mà còn bị khủng bố tinh thần đến mệt mỏi” - ông L.T.T. giãi bày.

Còn bà N.H., công nhân một công ty ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, khoảng hơn 1 năm trước, do gia đình dưới quê cần tiền gấp nên bà có vay 5 triệu đồng của một app trên mạng để tránh hồ sơ thủ tục rắc rối và được giải ngân nhanh vì bà nghĩ vài ngày nữa khi có lương sẽ trả ngay. Tuy nhiên, sau khi bà đã trả xong khoản vay thì hệ thống các app cho vay vẫn liên tục quấy rầy gọi điện, nhắn tin, thậm chí còn tự động giải ngân vào thẻ ngân hàng của bà nhằm tính thêm lãi suất cao. “Tôi đành phải đổi số điện thoại, xóa tất cả tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook và cả số tài khoản ngân hàng vì quá sợ hãi” - bà N.H. nói.

Vừa qua, trên cả nước liên tục xảy ra các trường hợp người vay tiền qua app bị khủng bố tin nhắn, bêu rếu hình ảnh trên mạng xã hội, thậm chí có cả trường hợp là những người thân, đồng nghiệp với người vay cũng bị hù dọa, bêu rếu tên tuổi dù không vay tiền.

Mới đây nhất, vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua có trường hợp hàng chục giáo viên của một trường mẫu giáo ở xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất) đã bị một số người khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình hình ảnh lên mạng xã hội rồi vu khống, bêu rếu, xúc phạm danh dự vì một cô giáo trong trường vay tiền qua app online nhưng chưa trả nợ.

* Đầu tư tiền ảo, tiền điện tử: Nhiều rủi ro

Cùng với đó, hiện có rất nhiều loại tiền ảo, tiền điện tử xuất hiện trên các kênh, sàn đầu tư tài chính trực tuyến. Mặc dù tài sản ảo, tiền ảo đang được giao dịch phổ biến, nhiều người tham gia nhưng chủ yếu mang tính chất đầu cơ, thậm chí xuất hiện nhiều tổ chức cá nhân lập cả các “máy đào” tiền ảo.

Mặc dù được khuyến cáo rằng tương lai tiền số khá bấp bênh vì các loại tiền này sản sinh mới hằng ngày, đồng thời những dự án tiền số núp dưới bóng kinh doanh đa cấp cũng rộ lên. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là dự án đó, đồng tiền đó hoạt động thế nào để trả lãi thì nhà đầu tư không quan tâm mà chỉ tập trung đến lợi nhuận là bao nhiêu...

Một trong những nguy cơ “tiền mất tật mang” đối với các loại tiền ảo là khi giao dịch để đổi từ tiền ảo sang tiền thật thường thông qua một số sàn trung gian đổi tiền hoặc diễn đàn về tiền ảo. Rủi ro của các giao dịch này sẽ càng tăng thêm nếu như người chơi “rao bán” trên các sàn giao dịch ảo ít uy tín hay trên mạng xã hội… Bên cạnh đó, giá nhiều loại tiền ảo cũng liên tục trồi sụt khiến nhiều người đầu tư, nhất là đầu tư dạng “lướt sóng”, những người mới “tập chơi” đứng ngồi không yên…

Anh T.H., một người “chơi” Bitcoin ở TP.Biên Hòa chia sẻ, chơi tiền ảo nói chung hay Bitcoin nói riêng nên dùng tiền nhàn rỗi, không nên vay mượn, cầm cố tiền để chơi vì thị trường tiền ảo khá nhạy cảm, thường xuyên thay đổi liên tục, chỉ cần xuất hiện những thông tin xấu hay một số coin thuộc loại “top” được nhiều người mua bất ngờ xuống giá mạnh thì giá trị các loại tiền ảo khác cũng bị tác động theo. Đơn cử, riêng trong tháng 5 vừa qua, giá Bitcoin liên tục trồi sụt, giảm từ 40 ngàn USD/bitcoin xuống còn khoảng 31 ngàn USD/bitcoin như hiện nay, thậm chí có thời điểm trượt giá mạnh khi hạ xuống mức 27 ngàn USD/bitcoin.

Theo nhiều chuyên gia, việc “đào” tiền ảo chưa biết hiệu quả đối với người “đào” ra sao nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật như: bị thu thập, đánh cắp các thông tin riêng tư, nhạy cảm. Hơn thế nữa, các loại tiền ảo hiện không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, thị trường tài chính thời gian qua còn có nhiều loại hình, trào lưu khác dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến, trong đó phải kể tới các hoạt động như: đầu tư Forex (ngoại hối), chứng khoán trực tuyến...

Hải Hà

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích