Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nhập phải bắt đầu ngay tại sân nhà

09:05, 07/05/2022

Trong xu thế hội nhập hiện nay, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia sẽ "đổ bộ" vào thị trường trong nước ngày càng nhiều hơn.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia sẽ “đổ bộ” vào thị trường trong nước ngày càng nhiều hơn. Lúc đó, nhiều nhóm ngành hàng vốn từng được xem là thế mạnh của hàng Việt có nguy cơ dần mất thị phần và lợi thế cạnh tranh.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm địa phương tại gian hàng sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm địa phương tại gian hàng sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

[links()]Vì vậy, trong giai đoạn này, nếu các doanh nghiệp (DN) Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn cứ chậm chân trong việc đổi mới công nghệ, bảo hộ thương hiệu, phát triển các kênh phân phối, tiếp thị theo hướng chuyên nghiệp, “có lớp có lang” thì… nguy cơ bị mất thị phần sân nhà sẽ ngày càng hiện hữu.

* Đừng để “sân nhà đãi bạn”

Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, các thương hiệu Việt tuy đã có nhiều tiến bộ về chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở một số thương hiệu lớn, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển.

Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn khoảng 90% số lượng DN trong nước còn tồn tại nhiều điểm cần được khắc phục như: nguồn vốn hạn chế, nhiều thương hiệu non trẻ; chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn; phát triển còn manh mún “bóc ngắn cắn dài”, thiếu kinh nghiệm về dự báo, tiếp cận thị trường; hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm còn yếu… Cùng với đó, hiện nhiều sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên còn thụ động khi đối mặt với những rủi ro về thị trường, tình huống bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 vừa qua, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng giá thành, hạ giá bán sản phẩm…

Nhiều DN trong tỉnh thừa nhận, muốn đầu tư, đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất thì đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, kỹ thuật hiện đại. Đây được xem là một trong những khó khăn lớn nhất của DN nhỏ và vừa, dễ thấy nhất là sau những tác động từ đại dịch Covid-19, khả năng xoay vòng vốn của DN gặp nhiều khó khăn.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là vấn đề được “nhắc đi nhắc lại” nhưng sẽ không bao giờ cũ. Thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là “tài sản vô hình” của DN, khi chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu, DN dễ có nguy cơ bị mất hoặc bị làm giả thương hiệu, nhất là khi DN đó ngày càng phát triển, sản phẩm được ưa chuộng.

Theo nhiều chuyên gia, những năm gần đây, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đang ngày càng được quan tâm hơn từ phía cộng đồng DN. Nhiều DN nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu công nghiệp nên số lượt thông qua đăng ký xác lập nhãn hiệu ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, chưa hiểu được ý nghĩa đầy đủ về sở hữu công nghiệp nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, hiện tượng gian lận, lẩn tránh phòng vệ thương mại hay giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn mới và tinh vi hơn gây ra nhiều ảnh hưởng cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, các vụ việc vi phạm liên quan đến phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ có nguy cơ cản trở xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở địa phương nói riêng. Đặc biệt, các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN nội địa, đồng thời tác động không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với các nhóm hàng Việt.

Khi bước vào “sân chơi” hội nhập, sự góp mặt của các thương hiệu, hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc các DN trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.

* Củng cố nội lực, tăng cường kết nối giao thương

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn thì yếu tố về chất lượng, giá cả, mẫu mã, độ phủ của thương hiệu, mức độ minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng, các tiêu chí về bảo vệ môi trường xanh, sạch, có những giá trị riêng về văn hóa, nhân văn… đóng vai trò quyết định độ thành bại của sản phẩm trên kệ hàng. Vì vậy, để DN Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, thì việc củng cố, nâng cao nội lực nhằm chuẩn hóa sản phẩm phù hợp với các yêu cầu, tiêu chí chọn lựa của người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết.

Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) chia sẻ, chất lượng chính là từ khóa giúp DN phát triển tốt hơn, từ đó hướng tới cải tiến sản phẩm để đem lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, sự cạnh tranh với các thương hiệu ngoại sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, đồng thời cũng là cơ hội để các DN trong nước nhìn lại mình và không ngừng cải tiến, thay đổi, học hỏi để phát triển, ngày càng chăm sóc tốt hơn cho khách hàng khi đứng trước áp lực cạnh tranh. Triết lý kinh doanh “Nâng niu bàn chân Việt” luôn là kim chỉ nam để Biti’s vươn mình và phát triển thương hiệu trong suốt thời gian qua.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng một trong những điểm yếu mà lâu nay DN Việt vẫn còn mắc phải đó là thiếu tính liên kết để cùng nhau phát triển, mà thay vào đó là phát triển mang tính đơn lẻ. Điều này sẽ gặp khó khi cạnh trạnh với các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia trong bối cảnh như hiện nay.

Do đó, để nâng cao vị thế hàng Việt trên sân nhà, các DN trong nước cần tăng cường liên kết, mở rộng kết nối giao thương, tìm cách kết nối thành những mạng lưới sản xuất, cung ứng trên thị trường nội địa để chủ động hướng ra biển lớn một cách bền vững hơn.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ, hiện nay thị phần trong nước chiếm khoảng 70% doanh số của công ty. Thời gian qua, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cập nhật các sản phẩm, công ty còn chú trọng công tác truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, mở rộng các kênh bán hàng, cũng như tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để tăng độ nhận diện thương hiệu của công ty đến với người tiêu dùng, đối tác… 

         Hải Quân


Ông NGUYỄN HỮU NAM, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp
Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM:

Qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các DN ở địa phương, DN nhỏ và vừa là những DN dễ bị tổn thương nhất. Lý do là các DN này có quy mô vốn nhỏ, chiến lược kinh doanh ngắn hạn, không có kế hoạch dài hạn và đặc biệt không có hoặc không quan tâm đến kế hoạch, chính sách ứng phó với các tình huống rủi ro tiềm ẩn như: biến đổi khí hậu, thị trường khủng hoảng hay đại dịch Covid-19 như thời gian qua.

Ông CHÂU MINH NGUYỆN, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai:

Trên thực tế, nhiều DN dù đã xác định được chiến lược phát triển nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn để phát triển thương hiệu, đầu tư đổi mới công nghệ… Thời gian qua, các DN ở địa phương đã nỗ lực để phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng do tiềm lực của DN còn hạn chế nên nhiều DN trong số này cũng chỉ cố gắng được trong điều kiện, giới hạn nhất định. Do đó, để DN nhỏ và vừa, DN địa phương tiếp tục vươn lên và nâng cao sức cạnh tranh trên sân nhà thì bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN, rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19...

Lam Phương (ghi)


 

Tin xem nhiều