Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình đến ngã ba Đông Dương

09:05, 14/05/2022

Trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây nguyên vào những ngày cuối tháng 4-2022, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai đã có dịp đến tham quan địa điểm khá ấn tượng đó là cột mốc biên giới giữa 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia (thường gọi là ngã ba Đông Dương). Nơi đây được mệnh danh là nơi "một con gà gáy ba nước đều nghe".

Trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây nguyên vào những ngày cuối tháng 4-2022, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai đã có dịp đến tham quan địa điểm khá ấn tượng đó là cột mốc biên giới giữa 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia (thường gọi là ngã ba Đông Dương). Nơi đây được mệnh danh là nơi “một con gà gáy ba nước đều nghe”.

Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601 bên quốc lộ 14, thuộc địa phận H.Đăk Hà (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Danh
Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601 bên quốc lộ 14, thuộc địa phận H.Đăk Hà (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Danh

Từ trung tâm TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình đến ngã ba Đông Dương tham quan cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia với sự hướng dẫn của anh Trần Tú - một đồng nghiệp công tác lâu năm tại Báo Kon Tum.

* Những di tích lịch sử dọc đường đến ngã ba Đông Dương

Tuyến đường từ TP.Kon Tum đến ngã ba Đông Dương thuộc xã Pờ Y, H.Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) có chiều dài hơn 90km đi qua 3 huyện: Đăk Hà, Đăk Tô và Ngọc Hồi. Từ TP.Kon Tum đi theo quốc lộ 14 về hướng Tây Bắc khoảng hơn 60km thì rẽ vào quốc lộ 40 đi gần 30km là đến nơi.

Theo ghi nhận, hiện các tuyến đường này đều đã được đầu tư nâng cấp nên việc di chuyển rất thuận tiện. Tuy nhiên, khi đến Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (cách cột mốc biên giới khoảng 9km), mọi người phải di chuyển trên tuyến đường bê tông nhỏ, hẹp, có nhiều khúc quanh cua nguy hiểm. Theo giới thiệu, đây là tuyến đường chiến lược đi dọc tuyến biên giới để phục vụ công tác an ninh, quốc phòng.

Phải mất hàng giờ đi từ TP.Kon Tum đoàn chúng tôi mới đến được ngã ba Đông Dương. Thế nhưng, những câu chuyện của đồng nghiệp đi cùng về cuộc chiến tranh khốc liệt mà quân và dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vùng đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc khiến quãng đường di chuyển dường như ngắn lại.

Một trong những điểm dừng chân ấn tượng đó là di tích lịch sử Điểm cao 601 nằm bên quốc lộ 14, thuộc địa phận H.Đăk Hà. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là một trong những hệ thống cứ điểm phòng ngự quân sự mạnh, quan trọng của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở Tây nguyên.

Người bạn đồng nghiệp đồng hành với chúng tôi kể rằng, Điểm cao 601 nằm trên đỉnh con dốc của tuyến đường 14. Nơi đây, mọi người vẫn thường gọi là “Dốc đầu lâu”. Sở dĩ gọi bằng một tên rợn người như vậy là bởi cuộc giao tranh giữa ta và địch nơi đây đã diễn ra rất ác liệt, không biết bao nhiêu sinh mạng đã phải nằm xuống ở cứ điểm quân sự này.

Do nhận rõ ví trị chiến lược của Điểm cao 601 nên quân đội ta đã quyết tâm đánh chiếm, còn địch cũng bằng mọi cách cố thủ. Sau nhiều trận đánh quyết liệt, tổn thất lực lượng của hai bên cũng rất lớn, đến ngày 11-4-1972, ta đã làm chủ Điểm cao 601.

Ngoài địa điểm trên, hành trình dọc tuyến quốc lộ 14 đến ngã ba Đông Dương, chúng tôi còn được đến thăm di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (thuộc TT.Đăk Tô và xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô). May mắn, dịp chúng tôi đến thăm lại trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24-4-1972 - 24-4-2022) nên đã chứng kiến nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về sự kiện lịch sử này.

Trong khuôn viên tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, có 2 chiếc xe tăng của Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp đã tham gia trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh được lưu giữ tại đây.

Điều thú vị mà người bạn đồng nghiệp đồng hành với chúng tôi chia sẻ, chiếc xe tăng mang số hiệu 377 thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 297 nay là Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 là nguyên mẫu để nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác bài thơ Trên một chiếc xe tăng vào năm 1970, sau đó được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng - ca khúc cách mạng nổi tiếng mà dường như ai cũng đã một lần hát bài hát này.

* Cột mốc biên giới đặc biệt

Đi hết chặng đường dài hơn 90km, đoàn chúng tôi cũng đặt chân đến khu vực biên giới nơi có cột mốc biên giới đặc biệt giữa 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia. Tại đây, đoàn chúng tôi may mắn được đại úy Nguyễn Văn Hiền, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y kể về lịch sử hình thành cột mốc biên giới này.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai chụp hình lưu niệm tại cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Danh
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai chụp hình lưu niệm tại cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Danh

Giới thiệu với đoàn, đại úy Hiền cho biết, cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.086m so với mực nước biển. Vị trí cột mốc là điểm tiếp giáp thuộc 3 tỉnh: Kon Tum (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) và Attapư (Lào). Ở phía Việt Nam, địa điểm này thuộc xã Pờ Y, H.Ngọc Hồi. Người dân địa phương và du khách trên khắp cả nước khi đến tham quan địa điểm này vẫn thường gọi là ngã ba Đông Dương.

Kể về quá trình xây dựng cột mốc này, đại úy Hiền cho biết, sau những cuộc đàm phán giữa Bộ Quốc phòng của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đi đến thống nhất, các bên quyết định xây dựng cột mốc này để xác định điểm ranh giới giữa các bên. Ngày 29-11-2007, cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia được khởi công xây dựng, đến ngày 18-1-2008, công trình được hoàn thành. Cột mốc có hình trụ tam giác được làm bằng đá hoa cương, xung quanh 3 mặt của cột mốc hướng về 3 nước có gắn Quốc huy và tên 3 nước. Cột mốc ngã ba biên giới  này là điểm cuối cùng của đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Lào dài 2.067km và là điểm đầu tiên của đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài 1.137km.

Cũng theo đại úy Hiền, cột mốc ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia là cột mốc thứ 2 có điểm tiếp giáp giữa 3 nước. Một cột mốc khác có điểm tiếp giáp giữa 3 nước: Việt Nam - Trung Quốc - Lào thuộc tỉnh Điện Biên (Báo Đồng Nai cuối tuần số ngày 8-5-2022 đã có bài viết).

Sau khi cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia được bàn giao trên thực địa, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành thường xuyên tổ chức tuần tra để kiểm soát, bảo vệ nguyên trạng đường biên cũng như cột mốc biên giới.

Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng Việt Nam phối hợp với lực lượng biên phòng của Lào và Campuchia tổ chức tuần tra và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, các loại đối tượng trên khu vực biên giới, nhằm xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển...

Đến với cột mốc biên giới ở ngã ba Đông Dương, người dân và du khách còn được chứng kiến một bia đá, đặt gần chân cột mốc (ở phía Việt Nam), trên đó có ghi bằng 3 thứ tiếng: Việt Nam, Lào và Campuchia với dòng chữ: “Cây hữu nghị”.

Theo đại úy Hiền, tháng 10-2018, giữa 3 nước có tổ chức giao lưu hữu nghị lần thứ nhất biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau đợt giao lưu đó, ngày 3-11-2018, lãnh đạo của 3 tỉnh là: Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) có trồng cây lưu niệm (cây lộc vừng) tại khu vực này và gọi đó là Cây hữu nghị.

Trần Danh

Tin xem nhiều