Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn kết học sinh, lan tỏa lòng nhân ái

11:05, 20/05/2022

Thông qua những hoạt động: làm công tác tư tưởng cho học sinh và phụ huynh khi lần đầu để con em mình tham gia hiến máu tình nguyện khi vừa đủ 18 tuổi hay đứng ra gắn kết học sinh, giáo viên chung tay trợ giúp bạn học, thầy cô giáo không may gặp tai nạn, bệnh tật bất ngờ…, Hội chữ thập đỏ trong trường học đã phát huy vai trò là địa chỉ nhân đạo gần gũi với những người trẻ.

Thông qua những hoạt động: làm công tác tư tưởng cho học sinh và phụ huynh khi lần đầu để con em mình tham gia hiến máu tình nguyện khi vừa đủ 18 tuổi hay đứng ra gắn kết học sinh, giáo viên chung tay trợ giúp bạn học, thầy cô giáo không may gặp tai nạn, bệnh tật bất ngờ…, Hội chữ thập đỏ trong trường học đã phát huy vai trò là địa chỉ nhân đạo gần gũi với những người trẻ.

Học sinh Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: S.Thao
Học sinh Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: S.Thao

Tổ chức Hội chữ thập đỏ trong trường học đã góp phần gắn kết học sinh, phát huy tình thương, lòng nhân đạo trong mỗi người.

* Giúp học sinh an tâm hiến máu

Thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho thấy, mỗi năm, lượng máu tình nguyện tiếp nhận ở các trường học chiếm đến gần 1/3 số đơn vị máu hiến tình nguyện của toàn tỉnh. Đây là số lượng rất lớn đối với một địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận hằng năm lên đến 37 ngàn đơn vị máu loại 350ml/đơn vị.

Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, có được kết quả này, ngoài sự tự nguyện hiến máu của từng học sinh thì vai trò của thành viên Hội chữ thập đỏ trong trường học là rất quan trọng. Bởi hiến máu tình nguyện là việc làm tự nguyện của mỗi người và không có gì ràng buộc. Trong khi đó, để thuyết phục được những thanh niên vừa đủ 18 tuổi mạnh dạn tham gia hiến máu lần đầu hay phụ huynh đồng ý cho con em hiến máu tình nguyện là điều không hề đơn giản. Qua đó, có thể thấy nỗ lực và vai trò kết nối của tổ chức Hội chữ thập đỏ trong trường học.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng (TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) Thái Mạnh Cường cho hay, do lần đầu được tiếp cận với thông tin hiến máu tình nguyện nên các em còn rất rụt rè khi tham gia. Nhiều em dù đã đăng ký nhưng lúc đến nơi thấy hình ảnh lấy máu của những bạn khác thì mồ hôi vã ra như tắm. Ngoài ra, khi con em về xin ý kiến phụ huynh chấp thuận cho hiến máu tình nguyện thì không phải ai cũng đồng ý...

Từ thực tế này, các giáo viên phụ trách Hội chữ thập đỏ ở trường phải chủ động thực hiện nhiều phần việc liên quan, trong đó có ổn định tâm lý để học sinh an tâm hiến máu, nhất là những học sinh nữ. Để làm được điều này, trong quá trình chuẩn bị cho hiến máu tình nguyện, tên các thầy cô luôn có trong danh sách. Tiếp đó là vận động sự tham gia của các giáo viên, nhân viên nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt ngoại khóa, đều có thông tin đến học sinh ý nghĩa của hiến máu cứu người, lợi ích mà hiến máu mang lại; các phần quà, được khen thưởng khi có số lượng lần hiến máu nhiều… Công tác thông tin theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” giúp học sinh tự tin làm việc tốt cứu người theo khả năng của bản thân ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Em Nguyễn Hoàng Gia Hân (lớp 12A7, Trường THPT Thống Nhất, H.Thống Nhất) nói: “Em vừa là một trong 169 học sinh của trường tham gia hiến máu tình nguyện. Ban đầu khi thông tin khuyến khích học sinh lớp 12 tham gia hiến máu tình nguyện, em có nhiều do dự. Nhưng qua các buổi sinh hoạt do Đoàn trường, Hội Chữ thập đỏ trường tổ chức, em biết được nếu mỗi người cùng tham gia hiến máu thì cơ hội cứu sống người bị nạn sẽ tăng lên. Vậy nên em đã mạnh dạn tham gia”.

* Gắn kết học sinh thực hiện công tác nhân đạo

Tổ chức Hội chữ thập đỏ trong trường học còn là cầu nối gắn kết học sinh, giáo viên trong thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo. Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, rất nhiều hoạt động trợ giúp nhân đạo đã được Hội chữ thập đỏ trong nhà trường triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt. Những mặt tích cực đem lại không chỉ nằm ở giá trị vật chất tiếp nhận mà quan trọng là khơi dậy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng trong mỗi học sinh cũng như gia đình các em.

Thầy Kiều Thanh Vinh,  Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trường THPT Thống Nhất cho hay, năm học 2019-2020, một học sinh nữ của trường bị tai nạn giao thông trong tình trạng nặng và cần số tiền lớn để điều trị. Sau khi tiếp nhận thông tin và đến thăm hỏi gia đình, Hội Chữ thập đỏ đề xuất và được chi bộ, ban giám hiệu nhà trường chấp thuận thực hiện phát động đóng góp trong toàn thể nhà trường, vận động thêm phụ huynh chung tay hỗ trợ cho nữ sinh này. Ngay lần đầu quyên góp đã có 30 triệu đồng được tiếp nhận và lần thứ hai tiếp tục nhận được gần 20 triệu đồng. Số tiền này sau đó được chuyển đến cho gia đình nữ sinh. Thật may mắn là sau thời gian dài điều trị, em học sinh này đã có thể quay lại trường học.

Cũng theo thầy Vinh, thông qua các nguồn đóng góp Hội Chữ thập đỏ trường cùng Hội Khuyến học nhà trường còn duy trì hỗ trợ 20kg gạo/tháng cho 2 học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hay mỗi năm có từ 20-30 phần quà được vận động để trao cho học sinh vượt khó học tốt, học sinh gia đình nghèo. Ngoài đóng góp của học sinh, giáo viên, không ít phụ huynh sau khi nghe con em mình kể về hoạt động quyên góp của Hội Chữ thập đỏ trường cũng chủ động liên hệ để tham gia.

Em Phan Trịnh Phương Uyên (học sinh Trường THPT Thống Nhất) chia sẻ: “Khả năng đóng góp giúp đỡ bạn bè của em cũng như nhiều bạn học khác có giới hạn. Song thông qua Hội Chữ thập đỏ của trường đã tập hợp mọi người cùng tham gia “của ít lòng nhiều”, “góp gió thành bão” hay kể cho cha mẹ nghe để nhờ cha mẹ cùng tham gia ủng hộ thì việc giúp cho bạn bè gặp khó khăn tốt hơn rất nhiều”.

Còn thầy Thái Mạnh Cường cho biết thêm, cùng với các hoạt động trợ giúp đột xuất, Hội Chữ thập đỏ nhà trường còn duy trì việc thăm hỏi học sinh, giáo viên không may phải điều trị ở bệnh viện. Khi lớp học nào có học sinh điều trị nội trú, Hội Chữ thập đỏ, tập thể lớp kết hợp đến thăm, trao tặng quà động viên bản thân học sinh, gia đình. Điều này thể hiện sự quan tâm của tập thể đối với cá nhân từng học sinh, người lao động đang gắn bó với nhà trường, góp phần lan tỏa tình thương, lòng nhân ái trong xã hội.


Bà ĐỖ THỊ PHƯỚC THIỆN, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Hội chữ thập đỏ trong trường học - Địa chỉ nhân đạo gần gũi

Hội chữ thập đỏ trong trường học là địa chỉ nhân đạo gần gũi đối với những người trẻ. Qua những hoạt động về hiến máu tình nguyện, quyên góp trợ giúp bạn học, thầy cô giáo gặp tai nạn bất ngờ, gắn kết phụ huynh cùng chung tay thực hiện hoạt động thiện nguyện trong nhà trường…, Hội chữ thập đỏ trong trường học đã phát huy có hiệu quả vai trò cầu nối nhân đạo của tổ chức hội.

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ dành thêm nhiều sự quan tâm, chú trọng đến việc củng cố tổ chức cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Hội chữ thập đỏ trong trường học trở thành địa chỉ nhân đạo gần gũi với học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Anh NGUYỄN CÔNG QUÝ (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, ngụ xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc): Vui vì được hiến máu cứu người

Lần đầu đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện, tôi có chút lo lắng. Song được sự vận động, hướng dẫn của Hội chữ thập đỏ trường học, tôi có hiến máu tình nguyện đầu tiên suôn sẻ khi vừa bước qua tuổi 18. Từ đó đến nay, cứ đều đặn từ 3-4 tháng/lần và sức khỏe cho phép là tôi tham gia hiến máu tình nguyện. Khi nghĩ đến việc có thể tham gia vào hoạt động cứu người ngay lúc còn ngồi ghế nhà trường bằng hình thức hiến máu tình nguyện, tôi cảm thấy rất vui.

Mỗi năm, các trường THPT được phối hợp tổ chức 1 đợt tiếp nhận hiến máu tình nguyện. Trung bình số lượng náu tiếp nhận dao động từ 140-200 đơn vị máu, góp phần nâng cao hiệu quả, đảm bảo số lượng hiến máu tình nguyện đề ra qua mỗi lần tổ chức tiếp nhận máu.


Sông Thao

Tin xem nhiều