Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo ẩm thực Tây đô

10:05, 14/05/2022

Cần Thơ còn được gọi là Tây đô vì được xem như là thủ phủ của miền sông nước Tây Nam bộ. Đây cũng là thành phố nổi tiếng về du lịch, không chỉ nhờ cảnh quan đẹp mà còn hội tụ nhiều nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây.

Cần Thơ còn được gọi là Tây đô vì được xem như là thủ phủ của miền sông nước Tây Nam bộ. Đây cũng là thành phố nổi tiếng về du lịch, không chỉ nhờ cảnh quan đẹp mà còn hội tụ nhiều nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây.

Màn trình diễn cá lóc bay độc đáo tại Vườn sinh thái cá lóc bay Tín Hòa tại cồn Sơn. Ảnh: Bình Nguyên
Màn trình diễn cá lóc bay độc đáo tại Vườn sinh thái cá lóc bay Tín Hòa tại cồn Sơn. Ảnh: Bình Nguyên

Là đô thị lớn nhất ở miền Tây nhưng một trong những nét nổi bật về ẩm thực của Cần Thơ lại là các món ăn miệt vườn khiến du khách một lần thưởng thức là khó quên.

* Cá lóc bay cồn Sơn

Cồn Sơn là ốc đảo nằm giữa sông Hậu, thuộc P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Những người thích trải nghiệm du lịch miệt vườn, tìm hiểu cuộc sống bình dị của người dân Nam bộ thường chọn Cồn Sơn làm điểm đến, nhất là ở vùng đất này còn có sản phẩm du lịch “không đụng hàng” là xem… cá lóc bay.

Ông Lê Trung Tín, chủ Vườn sinh thái cá lóc bay Tín Hòa là nông dân có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá lóc. Ông cũng là người đầu tiên đem mô hình cá lóc nuôi trong dèo về cồn Sơn. Năm 2017, ông mở dịch vụ du lịch vườn và mô hình cá lóc bay ra đời từ “cái khó ló cái khôn” khi ông tìm tòi để có đặc sản riêng phục vụ du khách. Dựa vào đặc tính của loài cá lóc thường “bay” lên mặt nước đớp mồi, ông Tín dày công huấn luyện để đàn cá đồng loạt bay lên mặt nước đớp mồi, đẹp mắt như tiết mục xiếc điêu luyện.

Món cá lóc bay nướng trui tại Vườn sinh thái cá lóc bay Tín Hòa tại cồn Sơn. Ảnh: Bình Nguyên
Món cá lóc bay nướng trui tại Vườn sinh thái cá lóc bay Tín Hòa tại cồn Sơn. Ảnh: Bình Nguyên

Tuy chỉ chia sẻ đơn giản về bí quyết chăm sóc, luyện tập đàn cá nhưng đã cho thấy sự dày công của người huấn luyện cá này. Theo ông Tín, ông bắt đầu huấn luyện từ những đàn cá lóc nhỏ khoảng 15 ngày tuổi đến khoảng từ 4-6 tháng tuổi sẽ có sức bay mạnh mẽ và thuần thục nhất. Huấn luyện giỏi là điều khiển được đàn cá bay theo ý mình, những dịp lễ, khách xếp hàng dài xem cá bay từ sáng đến chiều muộn, ông vẫn đảm bảo trăm lần như một đàn cá bay đúng tín hiệu của người huấn luyện.

Con cá ở đây được nuôi không chạy theo năng suất mà phải khỏe nhất để có thể “bay” được và ra chất lượng thịt ngon nhất để phục vụ thực khách. Ông Tín chia sẻ: “Có niềm vui nào bằng khi thành công của mình mang lại niềm vui cho nhiều người khác và được nhân lên. Cá lóc bay còn được chế biến thành những món đặc sản và dù bán với giá cao nhưng thực khách vẫn sẵn sàng mua vé vào khu du lịch để thưởng thức vì là món ngon không đụng hàng”.

Món ăn dân dã được khách ưa chuộng khi đến Cần Thơ. Ảnh: Bình Nguyên
Món ăn dân dã được khách ưa chuộng khi đến Cần Thơ. Ảnh: Bình Nguyên

Ở đây còn có các đặc sản khô cá như: khô cá lóc bay, khô cá phèn, cá lưỡi trâu nước ngọt. Bà Võ Thị Mỹ Hòa, vợ ông Tín vui vẻ cho biết: “Tôi mua bán nhưng trọng cái tình. Khách vừa đến vườn là được mời nước trà lá sen nấu đường phèn mát lạnh và dĩa ổi vườn giòn ngọt, dĩa khô ăn sương sương cho vui. Khô cá lóc bay và các loại khô khác đều bán cao hơn hẳn mặt bằng trên thị trường nhưng giá rất xứng đáng vì là hàng sạch. Khách ăn con cá lóc tươi, ăn thử khô rồi mới tin tưởng đặt mua về làm quà biếu mới biết con khô ngon cỡ nào”.

* Mê đắm với những món ăn dân dã

Nét đặc sắc của ẩm thực Cần Thơ là ngay trong lòng đô thị vẫn không thiếu những món ẩm thực đậm đà chất quê. Bánh xèo miền Tây với đặc trưng chiếc bánh được tráng mỏng, vỏ bánh giòn rụm, màu bánh vàng ươm, nhân bánh rất đa dạng mang đặc trưng của sông nước miền Tây như: tép, tôm sông, thịt vịt, cổ hũ dừa…

Cơm cháy kho quẹt, món ăn đường phố thu hút đông đảo giới trẻ ở Cần Thơ. Ảnh: Bình Nguyên
Cơm cháy kho quẹt, món ăn đường phố thu hút đông đảo giới trẻ ở Cần Thơ. Ảnh: Bình Nguyên

Cần Thơ có nhiều điểm bán bánh xèo ngon để chọn lựa nhưng nức tiếng nhất phải kể đến bánh xèo Mười Xiềm. Bà Mười Xiềm từng được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian, gánh bánh xèo của bà từng đại diện Việt Nam tham gia lễ hội đời sống dân gian tại Mỹ.

Người viết từng có dịp được gặp phỏng vấn bà mẹ miền Tây này, được thưởng thức món bánh xèo ngon nức tiếng tại một lễ hội văn hóa, ẩm thực ở TP.Biên Hòa từ nhiều năm trước. Bà Mười Xiềm từng chia sẻ, để làm được món bánh xèo nức tiếng gần xa, người làm bánh không chỉ cần tài mà cần cả tâm. Chính vì vậy, bao năm qua, bánh xèo Mười Xiềm luôn giữ cách làm thủ công để giữ trọn hương vị truyền thống. Mọi công đoạn đều được chuẩn bị tỉ mỉ từ khâu xay bột bằng cối đá đến chọn nguyên liệu làm nhân bánh từ con tép bạc, con tôm sông tươi rói, rau ăn kèm là cá loại rau mọc hoang dại ở miệt đồng...

Những món ăn dân dã của Cần Thơ nói riêng, miền Tây nói chung như: bánh tằm bì, cá lóc nướng trui, lẩu cá linh bông điên điển, lẩu mắm… thu hút khách nhờ vẫn giữ được đặc trưng của món quê. Không chỉ những quán ăn có tiếng mà tình cờ ghé ăn ở một quán bình dân, thực khách vẫn hài lòng vì được thưởng thức đúng chất đồng quê. Ấn tượng nhất với món lẩu mắm không chỉ ở nước lẩu đậm đà vị mắm, nấu với cá sông, lươn đồng mà có khoảng 20 loại rau, hoa ăn kèm như: điên điển, so đũa, kèo nèo, rau đắng, cọng súng…

Khô cá phèn sông Hậu, món đặc sản được nhiều du khách mua về làm quà khi đến cồn Sơn. Ảnh: Bình Nguyên
Khô cá phèn sông Hậu, món đặc sản được nhiều du khách mua về làm quà khi đến cồn Sơn. Ảnh: Bình Nguyên

Ẩm thực là nét đặc sắc được nhiều khu du lịch miệt vườn ở Cần Thơ khai thác. Đến vui chơi, khách được trải nghiệm học cách xay bột, làm các loại bánh lá mít, bánh khọt, bánh tét… Khách tự ra vườn hái lá mít, rau, ớt, thử hấp bánh bằng bếp củi và thưởng thức ngay món bánh do chính tay mình làm mới ra lò còn nóng hổi.

Bà Võ Thị Mỹ Hòa chia sẻ: “Những món ngon phục vụ khách tại đây đều là sản phẩm nhà vườn, cá, cua, ốc bắt từ ao; rau hái trong vườn, không đủ thì lấy lại của những nhà vườn trong xóm, đều được trồng tự nhiên, tươi tốt nhờ sự màu mỡ của đất phù sa. Vườn ổi để khách đến thăm quan, thưởng thức không hề sử dụng phân, thuốc nên xấu hơn so với ổi chợ nhưng rất giòn, ngọt”.

Các món đặc sản khô, mắm ngon còn nhờ những người phụ nữ phúc hậu miền Tây chế biến thủ công tỉ mỉ từ nguyên liệu tươi sống. Bà Mỹ Hòa chia sẻ bí quyết để làm ra món đặc sản khô cá phèn sông Hậu “bắt mồi”: “Người làm phải chọn cá phèn nước ngọt vừa được đánh bắt từ sông Hậu lên còn tươi rói mua trực tiếp từ ghe cào. Làm cá khô phải chọn con cá loại nhỏ, tỉ mỉ cắt từng chiếc vây, đánh sạch lớp vảy trước khi ướp gia vị cho thấm; phơi 2 con nắng thì con khô mới cho ra màu đẹp, mùi vị thơm ngon”.

Theo bà võ thị MỸ HÒA: “Người dân ở đây chân thật lắm, làm du lịch vườn chúng tôi không trông chờ lãi khủng, mình bỏ công, bán sản phẩm nuôi, trồng tại chỗ trực tiếp cho người ăn. Ngay cả thời điểm khu du lịch không có khách vì ảnh hưởng dịch Covid-19 thì vẫn có nguồn thu từ nuôi cá, chăm cây ăn trái. Các món ăn phục vụ khách cũng do tự tay mình nuôi, trồng, chế biến mới dám bảo đảm về chất lượng với khách”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều