Báo Đồng Nai điện tử
En

Thư viện số đầu tiên trong trường học

07:04, 02/04/2022

Cuối năm 2021, UBND H.Vĩnh Cửu đã ưu tiên đầu tư cho Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú) xây dựng thư viện số. Thư viện đã bắt đầu đưa vào sử dụng từ cuối tháng 3-2022. Có thể nói, đây chính là "thư viện số" trong trường học đầu tiên của tỉnh.

Cuối năm 2021, UBND H.Vĩnh Cửu đã ưu tiên đầu tư cho Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú) xây dựng thư viện số. Thư viện đã bắt đầu đưa vào sử dụng từ cuối tháng 3-2022. Có thể nói, đây chính là “thư viện số” trong trường học đầu tiên của tỉnh.

Giáo viên Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính bảng để đọc sách, học tiếng Anh. Ảnh: Hải Yến
Giáo viên Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính bảng để đọc sách, học tiếng Anh. Ảnh: Hải Yến

Tuy nhiên, những gì mà thư viện này có được mới chỉ là nền tảng ban đầu để xây dựng “thư viện số”. Vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách mà nhà trường cần khắc phục để đưa thư viện này hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí

* Khang trang, hiện đại

Thư viện số mà Trường THCS Thạnh Phú được trang bị có diện tích hơn 100m2 với nhiều trang thiết bị hiện đại: hệ thống máy tính phục vụ tra cứu sách; màn hình tương tác giúp thư viện có thể kết nối được với các đơn vị bên ngoài; 30 máy tính bảng được tích hợp phần mềm đọc sách, phần mềm học tiếng Anh; phần mềm quản lý của thủ thư; máy quét mã QR, hệ thống camera… Tổng kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng.

Thư viện được trang bị hơn 550 đầu sách hoàn toàn mới. Các sách trong thư viện đều được mã hóa. Nếu giáo viên, học sinh chưa hoàn tất thủ tục mượn sách mà cầm ra khỏi thư viện thì cổng check in của thư viện sẽ phát ra âm thanh cảnh báo. Bên cạnh đó, với hệ thống phần mềm được tích hợp sẵn trong máy tính của thư viện, học sinh có thể chủ động trong các khâu: tìm sách, mượn sách, trả sách… Được sự hỗ trợ của phần mềm quản lý thư viện nên thủ thư cũng sẽ bớt vất vả, công việc hiệu quả, khoa học hơn.

Ngoài ra, với thiết kế linh hoạt, khi cần, nhà trường có thể đẩy các kệ sách gọn lại để tạo thành một hội trường nhỏ, với đầy đủ trang thiết bị có thể kết nối trong các cuộc họp online.

Sau khi tiếp nhận, Trường THCS Thạnh Phú đã phát động trang trí thư viện xanh. Theo đó, các lớp góp cây xanh để vừa trang trí cho thư viện đẹp mắt, vừa tạo thêm không gian xanh mát, thân thiện cho thư viện.

Với trang thiết bị hiện đại, không gian thoáng đãng, khang trang, sạch sẽ, bước đầu thư viện đã tạo được sức lôi cuốn đối với học sinh.

* Cần nhiều nỗ lực

Được đầu tư thư viện khang trang, hiện đại, Ban giám hiệu Trường THCS Thạnh Phú vừa mừng, vừa lo. Học sinh, giáo viên nhà trường sẽ được cung cấp nhiều tiện ích giúp cho việc đọc sách trở nên dễ dàng, không bị rào cản không gian, thời gian. Nhờ đó, nhà trường dần xây dựng được văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em mở rộng hiểu biết… Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ chỉ là lý thuyết nếu nhà trường không điều hành, sử dụng thư viện một cách hiệu quả. Khi đó, việc trang bị thư viện số sẽ trở nên lãng phí.

Học sinh Trường THCS Thạnh Phú đọc sách tại thư viện. Ảnh: Hải Yến
Học sinh Trường THCS Thạnh Phú đọc sách tại thư viện. Ảnh: Hải Yến

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Phú Nguyễn Phúc Nguyên, ngay từ khi được bàn giao thư viện, nhà trường đã xây dựng kế hoạch sử dụng thư viện, tuyên truyền đến giáo viên, học sinh về việc sử dụng thư viện, cung cấp đường link đọc sách cho cán bộ, giáo viên, học sinh…

“Để tránh lãng phí, bên cạnh việc khuyến khích tinh thần tự giác, ham học, ham đọc của giáo viên, học sinh, nhà trường cũng sẽ đưa ra yêu cầu đọc sách bắt buộc đối với giáo viên, học sinh. Chẳng hạn, trong 1 năm, giáo viên phải đọc bao nhiêu cuốn sách, học sinh phải đọc bao nhiêu cuốn sách. Giáo viên sẽ là người nêu gương cho học sinh…” - thầy Nguyên cho hay.

Tính đến nay, thư viện số này đi vào sử dụng chưa được 1 tháng và cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cần khắc phục. Chẳng hạn, hệ thống phần mềm hỗ trợ mượn, trả sách chưa hoạt động trơn tru; thủ thư chưa quen thao tác sử dụng các phần mềm liên quan; 30 máy tính bảng được trang bị nhưng đa phần thời gian vẫn “trùm mền”, học sinh chưa thực sự được tiếp cận và sử dụng…

Bên cạnh đó, để thực sự trở thành thư viện số, thư viện cần cập nhật thêm các tài liệu, ebook, số hóa sách hiện có và cung cấp app để học sinh có thể đọc trực tuyến mọi lúc, mọi nơi (khi được nhà trường cấp tài khoản thư viện)… Để làm được điều này, nhà trường cần có sự hỗ trợ của đơn vị cung cấp, xây dựng thư viện đồng thời xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu công nghệ thông tin.

Việc xây dựng một thư viện số là quá trình đòi hỏi phải có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện nguồn tài liệu số. Điều này khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Cần có “thủ thư số”

Được trang bị thư viện hiện đại, đòi hỏi khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và nghiệp vụ thư viện tốt, tuy nhiên Trường THCS Thạnh Phú chưa có thủ thư chuyên trách. Hiện nay, cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm. Vì vậy, nhà trường đã có văn bản trình Phòng GD-ĐT, UBND huyện để được tuyển dụng cán bộ thư viện có năng lực, đáp ứng yêu cầu của thư viện số.

Hải Yến

Tin xem nhiều