Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ violin Trần Anh Tú: Trong âm nhạc, khán giả luôn là người thân, tình thân của tôi

08:04, 02/04/2022

Được gọi bằng những mỹ từ như "Phù thủy violin", "Quái kiệt violin", nghệ sĩ Anh Tú (Trần Anh Tú) gắn bó với cây đàn violin từ lúc 3-4 tuổi. Khổ luyện nghệ thuật lâu dài hơn 30 năm qua đã đưa anh vào hàng đặc biệt trong các nghệ sĩ violin tại Việt Nam khi có thể chơi được nhiều thể loại nhạc khác nhau bằng cây đàn này.

Được gọi bằng những mỹ từ như “Phù thủy violin”, “Quái kiệt violin”, nghệ sĩ Anh Tú (Trần Anh Tú) gắn bó với cây đàn violin từ lúc 3-4 tuổi. Khổ luyện nghệ thuật lâu dài hơn 30 năm qua đã đưa anh vào hàng đặc biệt trong các nghệ sĩ violin tại Việt Nam khi có thể chơi được nhiều thể loại nhạc khác nhau bằng cây đàn này.

Nghệ sĩ violin Anh Tú
Nghệ sĩ violin Anh Tú

Với Anh Tú, nghệ thuật âm nhạc là con đường khổ luyện, đầy nhọc nhằn và cũng lắm vinh quang, tất cả đều là để phục vụ khán giả, “tình thân” trong âm nhạc của mình.

* Violin với tôi như hơi thở hằng ngày

* Cơ duyên nào để Anh Tú đi theo con đường học và biểu diễn nghệ thuật violin từ khi còn rất nhỏ?

- Về cơ duyên, tôi vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Máu nghệ thuật thấm vào người như là di truyền, vì thế tôi đã theo học đàn từ rất nhỏ, mới được vài tuổi. Dần dần, violin trở thành đam mê và con đường tôi theo đuổi từ đó đến nay.

 So với các nhạc cụ khác, violin có gì đặc trưng, thôi thúc anh đam mê đến thế?

- Một khi đã đam mê, thì khó tìm ra lý do thực sự. Giống như khi yêu một người, yêu là yêu, chứ không phải yêu là vì nhan sắc, tiền bạc, danh vọng, hay chức vị…

Từ khi sinh ra, không giống như những đứa trẻ khác, nghe bà hay mẹ ru để ngủ, mà tôi phải nghe thanh âm của violin mới có thể đi vào giấc ngủ. Những bản violin phát trên radio, cassette, trên đĩa than là người bạn đồng hành lớn lên cùng tôi từ khi lọt lòng cho đến khi chính thức theo học chuyên nghiệp. Cây đàn violin lúc ấy là người bạn tri âm, tri kỷ trong cuộc sống của tôi, cho đến tận bây giờ và chắc chắn là mãi về sau.

* Anh thích mọi người gọi mình là Tú Xỉn. Biệt danh này có ý nghĩa như thế nào, thưa anh?

- Đó là câu chuyện vừa vui nhưng cũng vừa buồn cười. Kỷ niệm gắn với biệt danh Tú Xỉn là khi còn là học sinh năm đầu học sơ cấp 1, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Vào một đêm, tôi cùng với các bạn rủ nhau ra bãi cỏ phía trước Nhạc viện, mang tất cả các nhạc cụ của từng bộ môn mình học ra để tập, từ nhạc phương Đông rồi đến phương Tây, náo động một phương. Điều này khiến cho các giảng viên chú ý và đi kiểm tra. Khi ấy nhiều bạn sợ nên đã lần lượt kéo nhau về vì sợ. Riêng tôi vì lượt chơi nhạc là cuối nên “ấm ức” vì chưa được chơi nhạc nên quyết bám trụ và kéo đàn chơi tới cùng.

Trong lúc đam mê chơi nhạc, tôi quên mất là thầy cô đang đứng xung quanh, còn bạn bè hầu như đã về hết. Thế giới xung quanh chỉ còn có âm nhạc. Có lẽ sự say sưa ấy đã cuốn hút các thầy cô đến nỗi tôi được đặt biệt danh là… Tú Xỉn vì quá “say” âm nhạc. Tôi đã không bị thầy cô quở trách mà từ đó còn được yêu mến hơn. Tú Xỉn giống như là định mệnh. Tôi rất thích biệt danh này, và bạn cũng hãy cứ gọi tôi là Tú Xỉn nhé (cười)!

* Là nghệ sĩ violin hiếm hoi ở Việt Nam có thể biểu diễn nhiều thể loại như: trữ tình, pop, ballad, rock, dance, cổ điển, chắc chắn anh phải rất khổ luyện mới có thể đa tài như vậy?

- Chắc chắn một điều rằng chỉ có khổ luyện mới có thể thành tài được. Nếu yêu thích, đam mê, chơi thử, thấy thích thú, hay hay thôi là chưa đủ. Tôi học bộ môn này chính thức từ khi còn rất nhỏ, mỗi ngày dành rất nhiều thời gian để tập luyện. Có thể nói, tuổi thơ của tôi có cây đàn violin làm bạn mà như quên đi những trò chơi khác xung quanh mình.

Trên sân khấu, mọi người thấy các nghệ sĩ “phiêu” theo âm nhạc, nhận được nhiều hưởng ứng nhưng đằng sau ấy là một sự nỗ lực rất lớn. Hằng ngày, chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian để tập luyện. Từ khi còn nhỏ, tôi và đàn làm bạn cùng nhau, gửi gắm niềm tâm sự, ước mơ, khát vọng và hứa cùng nhau nỗ lực, cố gắng. Tập luyện, tập luyện và tập luyện, sau gian khổ mới có thành công được. 

 Khổ luyện lâu dài sẽ mang lại trái ngọt không chỉ trong âm nhạc mà với tất cả mọi lĩnh vực. Với Anh Tú, sau những thành công, điều gì khiến anh cảm thấy hài lòng với bản thân mình?

- Với tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy hài lòng với bản thân. Có lẽ có quá nhiều tham vọng cần chinh phục, nên kể cả đến hiện tại, vẫn luôn thực hiện kim chỉ nam “Học, học nữa, học mãi”.

Suy cho cùng, thành công bao gồm: năng khiếu chỉ 1%, sự khổ luyện là 99%, nên cần khổ luyện cả cuộc đời để đạt được những tham vọng mà mình đã đặt ra.

* Khán giả luôn là tình thân trong âm nhạc

* Phải chăng đằng sau những thành công của anh luôn có hình ảnh của người vợ mình, một người cũng đang theo con đường nghệ thuật?

- Chơi nhạc với tôi là niềm đam mê bất tận, lắm lúc “quên cả lối về” và tôi may mắn được vợ luôn ủng hộ. Cô ấy cũng là người theo nghệ thuật dòng Opera. Sự hy sinh thầm lặng, lùi lại quan tâm, cũng như đứng ra tổ chức các đêm diễn đã giúp tôi “cháy” theo nhạc. Vợ tôi thích nghe đàn violin. Tôi rất yêu vợ, nên cũng sẽ luôn giữ mãi niềm đam mê chung ấy của cả hai.

Nghệ sĩ violin Anh Tú Nghệ sĩ violin Anh Tú biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật. Ảnh nhân vật cung cấp
Nghệ sĩ violin Anh Tú Nghệ sĩ violin Anh Tú biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật. Ảnh nhân vật cung cấp

* Khán giả có vai trò như thế nào đối với anh, với các chương trình biểu diễn nói riêng cũng như con đường mà anh đang theo đuổi?

- Điều tôi trăn trở nhất gói gọn trong chuyên môn, tôi mong tiếng đàn của mình có thể giúp tất cả khán giả đều mỉm cười hạnh phúc, nghe xong là mọi người có thể buông sạch mọi buồn phiền. Tôi luôn mong muốn những tâm tư, tình cảm của khán giả sẽ được cùng sẻ chia và từ đó khi chơi đàn được thăng hoa hơn. Khán giả chính là tình thân trong gia đình nhỏ âm nhạc của mình. Chơi violin và là nhạc không lời và để khán giả cùng “cháy”, cảm nhận tiếng đàn cũng không dễ chút nào.

Ngay từ khi còn bé xíu, mỗi khi cầm cây đàn, tôi đã xác định mục tiêu là phải làm thế nào để khán giả buồn nhất khi đến nghe tôi, sẽ nở nụ cười khi ra về. Và chặng đường hơn 30 năm qua, tôi vẫn luôn lầm lũi, gắng hết sức đi trên con đường ấy để tới đích của cuộc đời nghệ thuật: Không còn khán giả nào của tôi phải buồn, phải khổ trong tâm tư.

* Là nghệ sĩ trẻ được công chúng biết đến rộng rãi và được đi lưu diễn nhiều nơi ở trong nước lẫn nước ngoài, đây có phải là áp lực để anh luôn phải nỗ lực?

- Áp lực không phải là vấn đề lớn. Được biết đến càng nhiều thì đó càng là niềm vui lớn. Tôi luôn coi tất cả là động lực mạnh mẽ để bản thân tiếp tục trau dồi, cống hiến hết mình.

* Việc đi biểu diễn nhiều nơi cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, văn hóa, âm nhạc và con người Việt Nam. Anh nghĩ sao về điều này?

- Mỗi khi đi lưu diễn nước ngoài hoặc diễn cho các khán giả quốc tế, ngoài sự chỉn chu, trang trọng, lịch lãm từ con người đến âm nhạc thì một nhiệm vụ nữa là quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước. Từ những chuyến đi, tôi có thêm bạn bè thân thiết, yêu mến nước Việt và ngược lại tôi cũng cơ hội được khám phá nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia, học hỏi được rất nhiều điều, không chỉ trong âm nhạc, nghệ thuật, mà còn cả trong văn hóa, xã hội, chính trị...

Bất cứ một cơ hội nhỏ nào để đưa hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam ra thế giới cũng cần được trân trọng. Hồn thiêng của văn hóa Việt Nam; sự thân thiện của con người Việt Nam và vẻ đẹp trong âm nhạc Việt Nam sẽ làm lay động và cảm mến bạn bè quốc tế.

* Xin cảm ơn anh!

Nghệ sĩ violin Anh Tú hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, từng học violin từ năm 4 tuổi. Lên 6 tuổi, anh theo học Khoa Dây, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 2011, anh tốt nghiệp cao học ngành biểu diễn violin với điểm 10 - điểm cao nhất. Nghệ sĩ cũng từng theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Moscow (Liên bang Nga); cao học Nghệ thuật Australia.

Nghệ sĩ Anh Tú từng lưu diễn qua nhiều thủ đô, đất nước lớn nhỏ, giữ vai trò độc tấu, chỉ huy dàn nhạc biểu diễn cho nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước.

 

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích