Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng thương hiệu nông sản chưa xứng với tiềm năng

01:03, 26/03/2022

Những năm qua, Đồng Nai chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu. Cùng với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều nhãn hàng nông sản, đặc sản địa phương đã được thị trường nhận diện.

Những năm qua, Đồng Nai chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu. Cùng với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều nhãn hàng nông sản, đặc sản địa phương đã được thị trường nhận diện.

Sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá thương hiệu tại một số khu du lịch trên địa bàn. Ảnh: N.Liên
Sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá thương hiệu tại một số khu du lịch trên địa bàn. Ảnh: N.Liên

Tuy doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân đã quan tâm đầu tư cho khâu xây dựng thương hiệu nông sản nhưng chủ yếu vẫn theo kiểu truyền thống, hữu xạ tự nhiên hương. Việc đầu tư cho bao bì, nhãn hiệu đến đầu tư khâu quảng bá, phát triển thị trường vẫn chưa xứng tầm nên ngay cả sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh vẫn chưa có thương hiệu hoặc có nhưng còn khá mờ nhạt trên thị trường.

* Nhiều chương trình hỗ trợ

Đầu tư cho nhãn hiệu hàng hóa có ý nghĩa quan trọng tạo nên thương hiệu cho nông sản. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở để các DN, HTX bảo vệ, nâng cao thương hiệu hàng hóa trên thị trường. Nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến.

Từ nhiều năm qua, Đồng Nai rất quan tâm đến các chương trình hỗ trợ DN, HTX, nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Theo báo cáo của Sở KH-CN, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 225 đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, có 95 nhãn hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp như: xoài Phú Lý (H.Vĩnh Cửu); sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa (H.Xuân Lộc); khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh); sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch)… Toàn tỉnh có 2 sản phẩm được xác lập chỉ dẫn địa lý là bưởi Tân Triều và chôm chôm Long Khánh. Trong năm 2020, Sở KH-CN đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm càng xanh Trà Cổ (H.Tân Phú). Mục tiêu trong năm 2022, sẽ có 2 nhãn hiệu nông sản được chứng nhận là bưởi da xanh Vĩnh Cửu và bánh sữa Long Thành.

Với tổng diện tích gần 70 ngàn ha cây ăn trái, Đồng Nai có nhiều mặt hàng trái cây thuộc tốp đầu cả nước về diện tích như: chôm chôm, xoài, chuối, sầu riêng... Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Thực tế, những mặt hàng trái cây, nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có được những thương hiệu lớn vì đa số nông dân, thương lái vẫn xuất khẩu các mặt hàng trên dưới dạng nguyên liệu, các nhà buôn nước ngoài mua về dán thương hiệu của họ lên và bán ra thị trường.

Đặc biệt, chương trình OCOP được triển khai sâu rộng, hỗ trợ DN, HTX, nông dân xây dựng thương hiệu cho nông sản trên địa bàn tỉnh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. 99% sản phẩm OCOP đều đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các chủ thể đã có sự quan tâm đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ trong quá xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa trên thị trường.

Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm, người sáng lập HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, HTX mới thành lập, sản phẩm cũng chưa được thị trường biết đến nhiều nhưng nhờ chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ từ trực tiếp đến thương mại điện tử, đặc biệt là tiếp cận được nhiều kênh truyền thông, báo chí nên sản phẩm được người tiêu dùng biết tiếng.

“Điều này rất quan trọng với những HTX mới thành lập như chúng tôi vì chương trình OCOP được triển khai trên khắp các tỉnh, thành và nhờ chương trình này mà chỉ trong một thời gian ngắn, HTX mở được thêm nhiều đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành” - bà Kim Anh nói.

* Thiếu thương hiệu lớn

Hiện Đồng Nai đã có một số thương hiệu lớn có sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được người tiêu dùng biết tiếng như: đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lothamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), GCFood (Công ty CP Thực phẩm G.C)… Tuy nhiên, việc phát triển những thương hiệu nông sản lớn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.  

Theo Phó giám đốc Sở Công thương THÁI THANH PHONG, 2 năm vừa qua, công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nông sản triển khai gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.  Trong năm 2022, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh, đặc biệt là kết nối sản phẩm vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất). Sở cũng đã xây dựng sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng trang thương mại; tập huấn cho DN, HTX, nông dân về mua bán, kinh doanh thương mại điện tử vì hiện đây là kênh hiệu quả hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường nông sản.
Sản phẩm OCOP của Đồng Nai tham gia trưng bày, quảng bá thương hiệu tại một số khu du lịch trên địa bàn . Ảnh: NGỌC LIÊN

Ông Võ Kim Điền, chủ vựa thu mua xoài tại xã La Ngà (H.Định Quán) chuyên xuất khẩu chia sẻ, tuy nhiều thị trường khó tính đã mở cửa cho trái xoài Đồng Nai nhưng thực tế, chỉ có một số đơn hàng nhỏ lẻ xuất khẩu được vào các thị trường này. Hiện xoài Đồng Nai chủ yếu vẫn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, được dán nhãn, mã vạch của Trung Quốc nên khi đến tay người tiêu dùng không mấy ai biết đây là trái xoài của Đồng Nai.

Điều đáng buồn là rất khó để xây dựng được một thương hiệu uy tín cho mặt hàng trái cây nhưng rồi bị mai một. Tiêu biểu như thương hiệu sầu riêng Dona của Công ty Phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (TP.Long Khánh) từng nổi tiếng khi xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ. Nhưng hiện nay, thương hiệu này chỉ còn trong hoài niệm vì để mất vùng nguyên liệu do liên kết giữa DN và nông dân bị phá vỡ.

Ngay cả những thương hiệu trái cây nổi tiếng lâu năm của Đồng Nai là trái bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh đã được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng những sản phẩm này vẫn chưa là thương hiệu lớn, thật sự mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Bình Lộc (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Trái chôm chôm java từng có đơn đặt hàng xuất khẩu đi Pháp sau khi được kiểm tra chặt chẽ từ mẫu đất, nước, hàm lượng dinh dưỡng... đều đạt chuẩn. Họ cũng đặt bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp với sản lượng lớn, nhưng HTX không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm này. Diện tích chôm chôm này ngày càng thu hẹp vì lợi nhuận thu về thấp hơn so với nhiều mô hình đầu tư khác”.

Vùng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) từ lâu có tiếng thơm trên thị trường với đặc sản bưởi đường lá cam. Nhiều năm trước, nông dân vùng bưởi Tân Triều đã thực hành sản xuất theo chuẩn Global GAP hướng đến thị trường xuất khẩu. Nhưng rồi thương hiệu nông sản có tiếng lâu đời này lại lỡ mất cơ hội vượt khỏi lũy tre làng vì không đáp ứng về sản lượng để tham gia thị trường xuất khẩu.

Chương trình OCOP với nhiều nông sản được đầu tư nhãn hàng, được quan tâm quảng bá qua đó từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Một số sản phẩm đã tạo được tiếng vang trên thị trường. Tuy nhiên, đa số các DN, HTX vẫn ở quy mô sản xuất nhỏ, mới chỉ ở giai đoạn bước đầu trên hành trình lâu dài trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Suốt nhiều năm qua, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) xuất khẩu tốt sản phẩm múi sầu riêng cấp đông đi nhiều thị trường và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan… Năm 2022, DN đang mở rộng thị trường xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Canada, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, DN chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu nên sản phẩm sầu riêng Đồng Nai chưa được người tiêu dùng thế giới nhận diện.

Ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng cho hay, tuy DN đầu tư vào lĩnh vực làm sản phẩm sầu riêng cấp đông từ nhiều năm qua, nhưng thương hiệu chưa mạnh vì chủ yếu xuất dưới dạng nguyên liệu. Năm 2020, DN mới hướng đến mở rộng kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đây cũng là nguyên nhân để DN tham gia chương trình OCOP, đầu tư nhãn hàng, thương hiệu quảng bá đến người tiêu dùng trong nước.

Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương nhận xét, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra với thị trường nông sản. Trong bối cảnh nhiều sản phẩm nông nghiệp rớt giá vì không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc như hiện nay, các địa phương cần rà soát lại các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn, quan tâm các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, nhất là quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản để nông sản có đầu ra ổn định hơn.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương THÁI THANH PHONG, 2 năm vừa qua, công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nông sản triển khai gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2022, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh, đặc biệt là kết nối sản phẩm vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất). Sở cũng đã xây dựng sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng trang thương mại; tập huấn cho DN, HTX, nông dân về mua bán, kinh doanh thương mại điện tử vì hiện đây là kênh hiệu quả hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường nông sản.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều