Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy - trò trường huyện 'vượt vũ môn'

07:03, 05/03/2022

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) tỉnh vừa qua, Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) đoạt 3 giải nhất, 5 giải nhì, 11 giải ba và 18 giải khuyến khích. Trong bối cảnh đa số thời gian phải học trực tuyến, đây thực sự là thành tích đáng tự hào của thầy và trò nhà trường.

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) tỉnh vừa qua, Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) đoạt 3 giải nhất, 5 giải nhì, 11 giải ba và 18 giải khuyến khích. Trong bối cảnh đa số thời gian phải học trực tuyến, đây thực sự là thành tích đáng tự hào của thầy và trò nhà trường.

Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc Kiều Mạnh Hà động viên tinh thần đội tuyển học sinh giỏi tỉnh của trường. Ảnh: Hải Yến
Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc Kiều Mạnh Hà động viên tinh thần đội tuyển học sinh giỏi tỉnh của trường. Ảnh: Hải Yến

Đáng chú ý, đội tuyển dự thi môn Tin học và Sinh học có 100% học sinh đoạt giải với thành tích khá cao (môn Tin học: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 1 giải khuyến khích; môn Sinh học: 2 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích).

* Cùng nhau vượt khó

Năm nay, đội tuyển HSG môn Tin học của Trường THPT Xuân Lộc có 6 học sinh đi thi và cả 6 em đều đoạt giải. Theo thầy Hồ Đức Nghỉ, giáo viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển thì đây là thành tích tốt nhất của trường trong nhiều năm trở lại đây. Để đạt được kết quả này, cả thầy và trò đã phải vượt qua không ít khó khăn.

“Do dịch bệnh nên việc ôn thi phải tiến hành online. Hình thức này chắc chắn không thể bằng trực tiếp. Đơn cử như khi giao 1 bài tập, nếu là ôn thi trực tiếp, các em bắt buộc phải tự suy nghĩ tìm hướng giải quyết và thực hành. Điều này rất có lợi cho việc phát triển tư duy của học sinh. Trong khi đó, nếu ôn online, các em có thể sẽ lạm dụng việc tham khảo cách làm trên mạng mà chưa hẳn đó đã là cách làm hay nhất” - thầy Nghỉ chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất trong việc bồi dưỡng HSG môn Tin học chính là thiếu nguồn học sinh cho đội tuyển. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do phụ huynh, học sinh vẫn xem Tin học là “môn phụ”, ít được đầu tư.

Thầy Nghỉ tâm sự: “Giáo viên phải động viên rất nhiều mới thuyết phục được học sinh tham gia đội tuyển. Tuy nhiên, số lượng học sinh vào đội tuyển hằng năm đều ít hơn chỉ tiêu được phép (8 học sinh). Chẳng hạn, năm nay ban đầu có 10 em đăng ký nhưng chỉ có 6 em theo đuổi đến cùng. Có em học rất khá nhưng vẫn quyết định nghỉ nhằm tập trung cho các môn thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học”.

Để giải quyết những khó khăn trên, Tổ Tin học đã chủ động tạo nguồn và bồi dưỡng HSG từ sớm. Theo đó, 2 giáo viên bồi dưỡng HSG môn Tin học đã cung cấp tài liệu cho học sinh từ cuối năm học trước, tuyển HSG lớp 10 từ đầu năm học; phối hợp cùng gia đình khuyến khích, động viên học sinh tham gia học bồi dưỡng…

Giống như môn Tin học, việc bồi dưỡng HSG môn Lịch sử cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn. Lý giải nguyên nhân, cô Phan Thị Hồng, giáo viên tham gia bồi dưỡng môn Lịch sử cho rằng: “So với các môn học khác, môn Lịch sử vẫn được cho là khá khô khan, có nhiều dữ liệu phải ghi nhớ nên có rất ít học sinh thực sự đam mê và theo đuổi môn học này. Vì vậy, khi có học sinh tham gia đội tuyển, giáo viên rất vui và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em trong quá trình ôn”.

Theo đó, cô Hồng và đồng nghiệp đã phân chia mảng (lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới), sắp xếp thời gian phù hợp với lịch học của học sinh để có thể hướng dẫn tốt nhất cho các em.

* Động lực để tiếp tục phấn đấu

Trong khi đa phần học sinh đều “sợ” môn Lịch sử thì Trần Trung Nghĩa (lớp 12C13) lại rất đam mê môn học này. Mặc dù xác định theo đuổi khối A để thi vào ngành Điện - điện tử hoặc Quản lý công nghiệp nhưng Nghĩa vẫn dành rất nhiều thời gian cho môn Lịch sử. Em đã 2 lần tham gia thi HSG tỉnh, trong đó năm ngoái em đoạt giải ba, năm nay đoạt giải nhất.

Nghĩa tâm sự: “Em bắt đầu yêu thích môn Lịch sử từ năm lớp 9 và đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi HSG cấp huyện. Em thường xem sách báo, tư liệu, phim về các cuộc chiến tranh vệ quốc của nước ta. Qua đó, em tiếp thu được nhiều bài học quý giá, tìm thấy được sự đồng cảm sâu sắc với các câu chuyện lịch sử”.

Để ghi nhớ tốt, khi học các sự kiện lịch sử, Nghĩa thường liên tưởng tới các sự kiện hoặc các kiến thức khác có liên quan. “Em thấy môn Lịch sử không những không khô khan mà còn giúp ích cho mình rất nhiều, việc đọc nhiều giúp em cải thiện lối hành văn, khi viết cũng chừng mực hơn. Em cũng phát triển được kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp xã hội khi tham gia học bồi dưỡng HSG môn này” - Nghĩa cho hay.

Để đoạt được giải nhì môn Ngữ văn trong kỳ thi này, Nguyễn Thanh Ngân (lớp 12C2) đã vô cùng nỗ lực. Năm ngoái, vì hồi hộp và chưa có kinh nghiệm nên khi vào phòng thi, Ngân đã không biết cách để xác định đề nên không hoàn thành tốt bài thi. Tuy vậy, em không buồn mà lấy đó làm kinh nghiệm, động lực để phấn đấu tốt hơn. Quyết tâm thi HSG, trong hè, Ngân tự “săn” đề thi HSG trên mạng để tự giải, tự rèn cách viết bài theo barem điểm của giám khảo. Mỗi ngày, em bắt đầu đọc, học, viết văn từ 7 giờ 30 tối đến 12 giờ đêm. Nỗ lực của Ngân đã được đền đáp xứng đáng.

Khác với Ngân, việc ôn thi HSG của em Hà Gia Mẫn (lớp 12C9, đạt giải nhất môn Tiếng Anh) khá thảnh thơi. Em dành nhiều thời gian để xem phim bằng tiếng Anh. “Em nghe người bản xứ nói chuyện để vận dụng tốt cho các bài nghe, các câu ngữ pháp hoặc các cụm từ lạ mà người bản xứ hay dùng. Em dùng chính ngôn ngữ đã tiếp thu được trong quá trình giải trí đó để áp dụng vào bài viết” - Mẫn chia sẻ.

Nhờ nền tảng có được trong quá trình bồi dưỡng HSG, hiện nay Mẫn khá tự tin cho môn thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học. Vì vậy, em chủ yếu tập trung thời gian cho môn Toán và Ngữ văn. Riêng các môn học còn lại, Mẫn cố gắng chú ý nghe giảng, ghi nhớ kiến thức ngay trong giờ học để không mất nhiều thời gian học bài ở nhà.

Với Trần Ngọc Anh Thư (lớp 11B7, giải nhì môn Ngữ văn) và Đào Quốc Huy (lớp 10A1, giải nhì môn Tin học), việc dự thi và đoạt giải trong kỳ thi HSG tỉnh năm nay chính là động lực và là cơ sở để các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu được tham dự kỳ thi HSG quốc gia trong năm sau.

Kỳ thi chọn HSG tỉnh năm học 2021-2022 tổ chức ngày 18-2 với 3.073 thí sinh dự thi. Trong đó, có 1.637 thí sinh đoạt giải, gồm: 71 giải nhất, 285 giải nhì, 578 giải ba và 703 giải khuyến khích.

Trường THPT Xuân Lộc có 58 thí sinh dự thi, trong đó có 37 thí sinh đoạt giải, gồm: 3 giải nhất, 5 giải nhì, 11 giải ba và 18 giải khuyến khích.

Hải Yến

Tin xem nhiều