Báo Đồng Nai điện tử
En

Để ngành dịch vụ có thể "sống chung" với dịch

10:11, 12/11/2021

Đến lúc này, dù vaccine Covid-19 đã phủ rộng hầu hết các tỉnh, thành phía Nam và các địa phương khác trên cả nước vẫn ráo riết tiêm vaccine cho toàn bộ dân số nhằm sớm quay lại trạng thái "bình thường mới" mọi hoạt động kinh tế - xã hội, song giới kinh doanh ngành dịch vụ vẫn rất... phập phồng.

Đến lúc này, dù vaccine Covid-19 đã phủ rộng hầu hết các tỉnh, thành phía Nam và các địa phương khác trên cả nước vẫn ráo riết tiêm vaccine cho toàn bộ dân số nhằm sớm quay lại trạng thái “bình thường mới” mọi hoạt động kinh tế - xã hội, song giới kinh doanh ngành dịch vụ vẫn rất... phập phồng.

Không giống như sản xuất, nhiều ngành dịch vụ muốn hoạt động bình thường (có lợi nhuận) thì buộc phải kinh doanh kiểu “mặt đối mặt” với khách hàng một cách trực tiếp chứ khó chuyển đổi sang hình thức “từ xa”. Thực tế qua nhiều đợt giãn cách chống dịch trong 2 năm nay cho thấy, dù khó khăn là khó khăn chung nhưng đối với nhóm ngành dịch vụ như: ăn uống, mua bán hàng hóa thì việc chuyển đổi phương thức kinh doanh tương đối dễ dàng hơn, khi họ chỉ cần lo xử lý tốt 2 việc căn bản là giao hàng và thanh toán.

Riêng các dịch vụ đặc thù đòi hỏi khách hàng trải nghiệm trực tiếp (ví dụ du lịch, spa, cắt tóc, massage, karaoke, thể thao trong nhà, làm đẹp, giáo dục tư nhân, phục hồi sức khỏe…) thì lại gặp muôn vàn khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi cách thức kinh doanh từ “trực tiếp” sang “từ xa”.

Lý do thì dễ thấy: làm sao có thể cắt tóc, nhuộm tóc, trang điểm, làm đẹp cho khách hàng theo kiểu từ xa? Cũng như làm sao các dịch vụ như massage hay karaoke hay quán bar có thể hoạt động nếu không có khách hàng trực tiếp? Thực sự đến lúc này, việc “chuyển đổi số” cũng chỉ có thể áp dụng được một phần rất nhỏ trong nhóm ngành này, chẳng hạn một số phòng tập yoga hay gym “bán” các khóa học online tại nhà, nhưng số lượng khá ít ỏi vì đa số các cơ sở nhỏ lẻ không đủ trình độ và nguồn lực để chuyển hẳn từ việc hướng dẫn học viên trực tiếp sang sản xuất và bán các khóa học từ xa.

Vậy nên câu hỏi là có hướng đi, giải pháp nào vực dậy và phục hồi các ngành dịch vụ đặc thù này không? Câu trả lời có lẽ lệ thuộc vào khả năng “chống chọi” của cả xã hội với dịch bệnh Covid-19 vì nói một cách thẳng thắn, không phải ngành nghề nào cũng có thể tồn tại và phát triển với trạng thái “bình thường mới” khi điều kiện để họ duy trì và phát triển kinh doanh là thu hút khách hàng đến trải nghiệm trực tiếp.

Dù vẫn lo lắng trước tình trạng ca nhiễm ở một số tỉnh, thành vẫn tiếp tục tăng, song những giải pháp đang dần chứng minh được hiệu quả định hướng “sống chung với dịch” cũng đem lại nhiều kỳ vọng cho ngành nghề đặc thù này. Hy vọng trong thời gian tới, ngành dịch vụ này sẽ sớm quay lại hoạt động một cách tự tin, thoải mái chứ không phải ở trạng thái “phập phồng” như hiện nay.       

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều