Báo Đồng Nai điện tử
En

IMF, WB và WTO nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu

07:06, 05/06/2021

Tiêm chủng cho người dân trên toàn thế giới là giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Đây là đánh giá được Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 1-6.

Tiêm chủng cho người dân trên toàn thế giới là giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Đây là đánh giá được Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 1-6.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc Georgieva cho biết các nhà lãnh đạo và người dân trên khắp thế giới ngày càng nhận thức được rằng thế giới sẽ chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra một khi dịch bệnh nguy hiểm này bị đẩy lùi hoàn toàn. Bà lưu ý rằng các quốc gia có năng lực tài chính mạnh và tốc độ tiêm chủng nhanh đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhanh hơn. Tuy nhiên, những quốc gia, đặc biệt những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đang bị tụt lại phía sau và “điều đó nguy hiểm cho tất cả mọi người vì điều nó sẽ kìm hãm sự phục hồi toàn cầu”.

Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế, qua đó mang lại cho nền kinh tế thế giới số tiền tương đương khoảng 9 ngàn tỷ USD vào năm 2025. Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh điều quan trọng là phải nhận thức được rằng 60% trong số 9 ngàn tỷ USD này sẽ dành cho các thị trường mới nổi ở các nước đang phát triển và 40% còn lại là dành cho các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, bà kêu gọi thế giới cùng nỗ lực vì lợi ích của tất cả.

Người đứng đầu IMF cũng lưu ý rằng dựa trên hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức khác, đội ngũ của IMF đã đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch. Theo kế hoạch này, ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm 2021 và tỷ lệ này tăng lên mức ít nhất 60% vào nửa đầu năm 2022; cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho chương trình COVAX - chiến dịch quốc tế do WHO dẫn đầu nhằm phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới; đảm bảo năng lực ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn như các biến thể mới của virus SARS-CoV-2…

Lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã đưa ra những lời gọi trên trong bối cảnh gia tăng lo ngại tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước giàu và nghèo đang kéo dài cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,5 triệu người trên toàn cầu. Tháng 4 vừa qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh tới tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, đồng thời kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine với nước nghèo hơn  để có thể sớm chấm dứt đại dịch.

TTXVN

Tin xem nhiều