Báo Đồng Nai điện tử
En

Tường trình từ Hungary: Người Việt ở nơi "bi thảm" vì Covid-19

10:03, 26/03/2021

"Bi thảm" (tragikus) là từ mà truyền thông Hungary dùng nhiều lần để diễn tả tình trạng dịch bệnh Covid-19 những ngày cuối tháng 3-2021 ở quốc gia nằm gần trung tâm châu Âu này. Cộng đồng người Việt nơi đây cũng đang chống chọi với dịch bệnh bằng mọi cách có thể, theo tường trình của anh Nguyễn Hoàng Linh - Việt kiều đang sống ở Budapest.

“Bi thảm” (tragikus) là từ mà truyền thông Hungary dùng nhiều lần để diễn tả tình trạng dịch bệnh Covid-19 những ngày cuối tháng 3-2021 ở quốc gia nằm gần trung tâm châu Âu này. Cộng đồng người Việt nơi đây cũng đang chống chọi với dịch bệnh bằng mọi cách có thể, theo tường trình của anh Nguyễn Hoàng Linh - Việt kiều đang sống ở Budapest.

Chờ đợi tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Bajczy (Q.10, Budapest, Hungary). Ảnh: Hoàng Linh
Chờ đợi tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Bajczy (Q.10, Budapest, Hungary). Ảnh: Hoàng Linh

Anh Nguyễn Hoàng Linh - một dịch giả, thầy giáo và là nhà báo định cư tại thủ đô Budapest từ năm 1985 đến nay, cho hay: “Nhiều ngày liền quốc gia 9,75 triệu dân này oằn mình hứng dông tố Covid-19 đợt 3 với hơn 10 ngàn ca nhiễm mới và trên dưới 250 ca thiệt mạng trong vòng 24 giờ - đây là chỉ số tử vong vô cùng cao (Hungary trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính trên dân số thuộc hàng tốp 10 trên thế giới). Nguồn lực y tế nước này ngày càng cạn kiệt, các bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa cũng được huy động lâm trận”.

* Nhưng nói Hungary đang rơi vào “tragikus” - tình trạng bi thảm vì Covid-19, liệu có quá lời không, thưa anh?

- GS Merkely Béla, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Semmelweis (SOTE, Budapest) hôm 16-3 đã thốt lên: “Chúng ta đang đứng trước tuần lễ bi thảm nhất” và thừa nhận chua xót rằng: “Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không trừ một ai, mọi thứ đều rất nặng nề”.

Tình thế hiện nay nguy cấp đến mức Phòng Bác sĩ Hungary (MOK) - tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi của giới bác sĩ tại Hungary - phải ra thông cáo với lời lẽ rất bi kịch, yêu cầu chính quyền lập tức phải tiến hành các biện pháp thật ngặt nghèo để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện tại, khi các khoa ở bệnh viện đa phần đã trở thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, các khoa hồi sức tích cực quá tải nhiều lần, các phòng mổ ngừng hoạt động...

MOK khuyên người dân Hungary vào lễ Phục sinh tới hãy bỏ mọi chuyến đi có thể trì hoãn, tránh thăm bạn bè và người thân “để sang năm còn có cơ hội mà gặp mặt họ”. Với chính quyền, MOK đề nghị cấm gặp mặt trò chuyện trên 3 người ở nơi công cộng, đóng cửa các trung tâm thương mại và mua sắm, chỉ cho mở các tiệm thực phẩm và hiệu thuốc...

“Có một điểm sáng là dù khó khăn như thế, Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary và nhiều cá nhân Việt kiều đã có những hoạt động quyên góp, ủng hộ người dân và chính quyền sở tại rất nhiệt tình, hào hiệp, với hơn 8 triệu forint (gần 24 ngàn euro) tiền mặt được quyên góp trong cộng đồng, cùng nhiều mặt hàng như: khẩu trang, nước khử trùng, nhu yếu phẩm... mà có lúc Hungary rất khan hiếm.

Nỗ lực ấy đã được chính quyền Hungary tri ân, như lời Phó thị trưởng Budapest nói: “Sống ở đây, với nhau, bên cạnh nhau, cùng nhau cả trong gian khó” - anh Nguyễn Hoàng Linh cho hay.

* Vậy cộng đồng người Việt sống ở Hungary gặp khó khăn như thế nào từ dịch bệnh “bi thảm” này?

- Hơn 1 năm qua là khoảng thời gian hết sức khó khăn với kinh tế châu Âu nói chung, khi mỗi ngày đóng cửa (lockdown) khiến các nước mất hàng tỷ euro. Đương nhiên đây cũng là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với cộng đồng kiều bào Việt Nam (hiện có khoảng 7-8 ngàn người tại Hungary), vốn đa phần sống bằng nghề kinh doanh tại các khu chợ, trung tâm buôn bán. Các quy định phòng dịch bắt phải giãn cách xã hội, đóng cửa hàng, hạn chế đi lại, giới nghiêm... đã đặt ra những tình huống không thể ngờ cho bà con.

Với kiều bào đã sống lâu năm hoặc định cư tại Hungary, thì còn đỡ. Rất nhiều thanh niên qua Hungary theo diện xuất khẩu lao động thời gian vừa qua vốn từ bên nhà phải bỏ rất nhiều tiền để “mua suất đi”, qua đây lại sống vất vưởng vì đồng lương thấp, không như ý. Nhiều người thất nghiệp vì doanh nghiệp đóng cửa, mà đường quay về Việt Nam cũng vô cùng khó khăn vì không có các chuyến bay thương mại. Các chuyến bay “giải cứu” quá ít, và giá vé cũng rất cao so với khả năng của họ. Tình cảnh của nhiều bạn trẻ này rất khổ!

Nhiều bà con trong cộng đồng bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là thời gian gần đây. Đa phần họ phải tự cách ly và điều trị ở nhà. Với người không thạo tiếng Hungary thì mọi thủ tục y tế đều nhiêu khê. Không ít người vẫn cố đi làm khi có thể, nhưng vô hình trung có thể lây nhiễm cho người khác. Với người mới sang Hungary lao động, đa số gần như không nhận được bất cứ sự hỗ trợ gì của doanh nghiệp, rơi vào tình trạng ốm đau nữa thì rất tội nghiệp.

* Cá nhân anh và gia đình đã vượt khó qua thời Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh ra sao ở xứ người?

- Cá nhân tôi có mảng công việc thường xuyên cần đi lại (chủ yếu là nước ngoài), thì tròn 1 năm qua phải ngừng hoàn toàn. Còn công việc dịch thuật, làm báo và dạy học thì may mà có thể làm online (trực tuyến), nên vẫn tiến hành được. Dẫu sao vẫn thấy bức bách rất nhiều vì như bị mất đi một điều gì rất tự nhiên, bình thường không ai nghĩ đến nhưng khi bị “tước đoạt” thì thấy rất thiếu, đấy là cảm giác tự do. Có điều, mình phải biết chấp nhận thôi!

Cháu lớn nhà tôi đi học nước ngoài, tại Bruxelles (Bỉ), do dịch bệnh nên cũng 1,5 năm nay không về thăm nhà được. Vợ chồng tôi cũng lo cho cháu vì Bỉ là nơi tọa lạc “thủ đô của Liên minh châu Âu (EU)” nhưng luôn có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính trên đầu người rất cao. May là các thanh thiếu niên bên này, ngay từ những năm học THPT đã có kỹ năng và cách sống tự lập rất cao, nên dù lo lắng cho con, chúng tôi cũng có thể yên tâm được phần nào về cháu.

Một Việt kiều ở Hungary được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Hoàng Linh
Một Việt kiều ở Hungary được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Hoàng Linh

Còn cháu bé, hiện học lớp 6 và đang trong kỳ học “từ xa” thứ 2 của đại dịch này. Về mặt kỹ thuật, cháu đã quen học online, nhưng cảm giác thiếu vắng bạn bè, không có sự tiếp xúc và gặp mặt thầy cô là cản trở về mặt tâm lý cho cháu. Nếu tình hình này vẫn kéo dài thì có thể hậu quả sẽ tệ.

Bà xã tôi thì vẫn phải đi làm như thường lệ. Do tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều nên hết sức cẩn thận.

* Anh có thể cho biết về tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hungary?

- Đại kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 khởi đầu đồng loạt vào 27-12-2020, được coi là “khoảnh khắc cảm động của sự đoàn kết thống nhất châu Âu”. Hungary là quốc gia duy nhất trong EU chủ trương “bắt cá hai tay”: vừa tham gia dự án mua vaccine chung của EU hướng tới các loại thuốc được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức chuẩn thuận, vừa tự nhập các loại vaccine “phương Đông” (Nga, Trung Quốc...) với mục đích có vaccine thật nhiều và nhanh cho người dân. Chính sách “chân trong chân ngoài” này gây nên phản ứng không hài lòng từ EU.

Tuy nhiên, thực tế là cho tới giờ, Hungary đã chuẩn thuận và cho nhập 7 loại vaccine tiêm miễn phí cho người dân, trong khi EU mới cho phép 3 loại tại các nước thành viên. Tỷ lệ tiêm chủng ở Hungary hiện lên tới khoảng 16%, cao ở mức nhất, nhì EU, và chính quyền nước này đặt kỳ vọng sẽ mở cửa được sớm hơn “phần còn lại” của EU. Số người Hungary đồng ý tiêm chủng đã tăng từ 35% (tháng 11-2020) lên 69% hiện nay.

Gia đình tôi đã đăng ký chích ngừa từ ngày đầu. Ba mẹ tôi đã được tiêm xong vaccine Pfizer (được coi là loại “đầu bảng”), còn tôi đã tiêm AstraZeneca lần 1 cách đây 3 tuần, còn mũi thứ 2 sẽ tiêm sau 9 tuần nữa.

* Xin cảm ơn anh!

Long Khánh (thực hiện)

Tin xem nhiều