Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân và nỗi lo trước ngày khai giảng

07:08, 23/08/2022

Một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất đang khiến nhiều người lao động (NLĐ) trong tỉnh giảm việc làm và thu nhập. Trong khi đó, năm học mới 2022-2023 đang cận kề, nhiều công nhân lo lắng vì vẫn chưa thể lo tươm tất cho con chuẩn bị tới trường.

Một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất đang khiến nhiều người lao động (NLĐ) trong tỉnh giảm việc làm và thu nhập. Trong khi đó, năm học mới 2022-2023 đang cận kề, nhiều công nhân lo lắng vì vẫn chưa thể lo tươm tất cho con chuẩn bị tới trường.

Nhiều lao động đang chuẩn bị cho con vào năm học mới. Trong ảnh: Con công nhân Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) tham gia Ngày hội Mẹ và bé do Công đoàn tổ chức tháng 7-2022. Ảnh: L.Mai
Nhiều lao động đang chuẩn bị cho con vào năm học mới. Trong ảnh: Con công nhân Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) tham gia Ngày hội Mẹ và bé do Công đoàn tổ chức tháng 7-2022. Ảnh: L.Mai

Anh Nguyễn Văn Công, làm việc tại Công ty TNHH San lim Furniture Việt Nam (H.Trảng Bom), cho hay gia đình anh có 3 con chuẩn bị bước vào năm học mới. Trước đây, cả hai vợ chồng thu nhập ổn định nên lo cho con đầy đủ trước ngày khai giảng. Năm nay, việc làm ít, thu nhập chủ yếu từ lương cơ bản nên anh đang rất lo lắng cho việc đến trường của các con.

* Công nhân “gồng mình”

“Thời điểm này các năm trước, gia đình tôi đã chở các con đi mua sách vở, ba lô và quần áo mới để chuẩn bị đến trường. Năm nay, 2 vợ chồng đều giảm thu nhập do ít việc nên chỉ đủ điều kiện mua sách, vở cho con. Còn ba lô và quần áo tận dụng lại đồ cũ để các con dùng tạm. Dù biết các con không vui nhưng trong hoàn cảnh này đành phải chấp nhận” - anh Công nói.

Nữ công nhân Lê Thị Luyến, làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) cũng chung hoàn cảnh. Gần 6 năm làm công nhân nhưng thu nhập của chị Luyến chưa tăng ca hiện được hơn 5 triệu đồng/tháng. Công việc của chồng chị Luyến là chạy xe công nghệ nên thu nhập khá bấp bênh. Vì vậy, mọi chi phí, sinh hoạt phụ thuộc vào đồng lương của chị Luyến.

Để động viên con công nhân lao động nỗ lực học tập, từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tuyên dương hơn 90 ngàn con công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu học giỏi, sống tốt. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động hè để các em được tham gia học tập và rèn luyện kỹ năng sống.

Chị Luyến cho biết, tháng nào có thêm tiền tăng ca hoặc tiền thưởng chị mới tiết kiệm được một ít để bù cho tháng thiếu. Cả gia đình gồm 4 người đang phải chắt bóp hết mức mới đủ trang trải, lo cho các con.

Còn với công nhân Nguyễn Thị Thu, làm việc tại Công ty TNHH Timber Industries (doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu tại TP.Biên Hòa), hơn 3 tháng qua thu nhập giảm do công ty không nhận được đơn hàng. Trước đây, chị tăng ca mỗi ngày 1,5 giờ, thu nhập cũng gần 7 triệu đồng/tháng. Nay không tăng ca, nhiều hôm công ty cho công nhân nghỉ sớm vì thiếu hàng nên thu nhập giảm sút. “Chúng tôi mong công việc nhiều hơn để có thu nhập ổn định lo cho các con chuẩn bị vào năm học mới với đủ khoản phải chi” - chị Thu trải lòng.

* Tằn tiện, chi tiêu tiết kiệm

Thời gian qua, hiểu được khó khăn của NLĐ trong việc tìm trường gửi con đi học, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trường mầm non hỗ trợ công nhân giữ trẻ. Tuy nhiên, hiện mô hình này còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu gửi trẻ của NLĐ rất đông. Nhiều người do không xin cho con học các trường công lập được đành gửi con ở các cơ sở gửi trẻ tư nhân với chi phí cao nhưng việc chăm sóc, giáo dục trẻ không đảm bảo. Đó là điều trăn trở của những lao động xa quê.

Công nhân lao động tranh thủ dạy học cho con tại phòng trọ sau giờ tan ca
Công nhân lao động tranh thủ dạy học cho con tại phòng trọ sau giờ tan ca

Chị Mai, quê tỉnh Nghệ An, cho hay năm nay con trai nhỏ của chị đã tròn 4 tuổi nên chị quyết định gửi con để đi làm. Chị cho biết, mới đi hỏi một cơ sở giữ trẻ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa), chủ cơ sở báo tiền đầu năm đóng 2 triệu đồng gồm: học phí, tiền đồng phục, bảo hiểm và cơ sở vật chất. Trong khi đó, lương công nhân của chồng chị chỉ được 5 triệu đồng/tháng, chị đang làm hồ sơ xin việc làm thời vụ tại một công ty may. Chi phí đầu năm học của con mất gần nửa tháng lương khiến vợ chồng chị không biết xoay xở ra sao để đủ trả tiền thuê trọ và chi phí sinh hoạt.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Biên Hòa Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay, NLĐ vừa trải qua thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, vừa bị giảm việc làm cùng với giá cả leo thang đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đặc biệt là những lao động có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, bước vào năm học mới, nhiều NLĐ đang phải cân nhắc chi tiêu mới đủ tiền lo cho con đến trường. Để chia sẻ với khó khăn của NLĐ, Liên đoàn Lao động thành phố và các Công đoàn cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động để chăm lo, hỗ trợ NLĐ và con em của họ. Bằng những phần quà, tập, sách hay chiếc xe đạp đã góp phần động viên các cháu, song vẫn cần nhiều thêm sự hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với NLĐ.

Lan Mai

Tin xem nhiều