Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần những địa chỉ bảo vệ tin cậy

09:11, 24/11/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thứ XV mới đây, với 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ, sửa đổi). 

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thứ XV mới đây, với 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ, sửa đổi). Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 với 56 điều, quy định một cách cụ thể về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ; điều kiện bảo đảm phòng, chống BLGĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống BLGĐ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, dự thảo luật có 5 nhóm điểm mới so với luật cũ. Trong đó, đáng chú ý là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, hầu hết các hành vi BLGĐ đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi BLGĐ hiệu quả chưa cao. Vì thế, với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi BLGĐ chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục, việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Thực tế tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước thời gian qua cho thấy, dù số vụ BLGĐ có giảm nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng của BLGĐ vẫn xảy ra. Đã có những vụ BLGĐ gây ra án mạng nghiêm trọng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý là đối tượng bị bạo lực vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với các kênh bảo vệ mình như các tổ chức đoàn, hội, CLB hỗ trợ, tổng đài tư vấn… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có một phần xuất phát từ hiệu quả hoạt động của các đơn vị này chưa cao, dẫn đến người bị BLGĐ thiếu sự tin tưởng để chia sẻ hay nhờ sự trợ giúp.

Để giảm số vụ BLGĐ, giải pháp quan trọng nhất được xác định vẫn là thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đồng thời tăng khung xử phạt đối tượng vi phạm Luật Phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, cần gia tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện chức năng bảo vệ người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em khi bị BLGĐ để đây thực sự là những địa chỉ đáng tin cậy, có thể bảo vệ được họ bất cứ thời điểm nào.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều