Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có chính sách 'đón đầu', thu hút doanh nghiệp

11:11, 28/11/2022

Quỹ đất thiếu, giá đất cao, hạ tầng chưa hoàn thiện và tính kết nối vùng chưa cao, nguồn vốn ưu đãi chưa nhiều… là những thách thức mà các doanh nghiệp (DN) gặp phải khi muốn tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản. Những khó khăn này không riêng ở Đồng Nai mà hầu như địa phương nào cũng gặp phải khi muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chế biến nông sản nói riêng.

Quỹ đất thiếu, giá đất cao, hạ tầng chưa hoàn thiện và tính kết nối vùng chưa cao, nguồn vốn ưu đãi chưa nhiều… là những thách thức mà các doanh nghiệp (DN) gặp phải khi muốn tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản. Những khó khăn này không riêng ở Đồng Nai mà hầu như địa phương nào cũng gặp phải khi muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chế biến nông sản nói riêng.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội quảng bá, xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA và đang đàm phán thêm 2 FTA nữa. Với 15 FTA đã ký, có thể nói thị trường của phần lớn các quốc gia kinh tế phát triển đều đã được “mở” ra: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước châu Âu, ASEAN, New Zealand… Theo “dòng” các FTA, Bộ NN-PTNT cũng đã đàm phán, ký kết và mở cửa thành công cho nhiều loại nông sản xuất khẩu đến nhiều thị trường một cách “đường đường chính chính”. Mới đây nhất, ngày 28-11, lô bưởi Bến Tre 40 tấn - lô bưởi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ theo đường chính ngạch.

Thị trường đã có, “cửa” cũng đang dần được mở, vấn đề còn lại vẫn là nội lực của nông dân và DN đến đâu. Ở thời điểm và bối cảnh này, tư duy làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, cần rất nhiều sự liên kết ở nhiều cấp độ khác nhau để cùng giải quyết những bài toán chung: chi phí thấp, chất lượng tốt, sản lượng và mẫu mã đồng đều. Hơn thế nữa, câu chuyện chế biến sâu các loại nông sản để tăng giá trị lại một lần nữa được bàn bạc tiếp, bởi đó là câu chuyện không bao giờ cũ.

Thống kê cho thấy, Đồng Nai hiện có 415 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ có liên quan nông nghiệp và sản xuất, chế biến thực phẩm. Về chế biến, có khoảng 260 DN hoạt động chế biến thực phẩm với các sản phẩm chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo, các sản phẩm trái cây sấy, cà phê, hạt điều.

Mặc dù vậy, ngành chế biến nông sản vẫn được đánh giá chưa xứng với tiềm năng của Đồng Nai, các sản phẩm thực phẩm chế biến từ nông sản được xuất khẩu còn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao và chưa nhiều đơn vị xây dựng được thương hiệu bền vững. Do đó, tỉnh đang kêu gọi DN đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này. Cụ thể, tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp thí điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ) nhằm ưu tiên thu hút đầu tư chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện 2 cụm công nghiệp này hiện còn chậm.

Trong vòng 5 năm tới, các dự án và “siêu” dự án hạ tầng giao thông kết nối được dự đoán sẽ đặt Đồng Nai vào vị trí “vàng” trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Vậy nên ngay từ bây giờ, muốn phát triển chế biến nông sản, cần có những chính sách, chương trình thiết thực, hiệu quả, gần gũi nhằm “đón đầu” và thu hút đông đảo DN tham gia.

Vi Lâm

Tin xem nhiều