Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh bạch từ sản xuất đến kinh doanh

03:10, 12/10/2022

Câu chuyện "thật - giả thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ" trên các kệ hàng hay thậm chí chuyện rau củ quả hàng chợ trà trộn vào siêu thị gây tác động lớn đến dư luận vừa qua thực ra không phải là câu chuyện mới.

Câu chuyện “thật - giả thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ” trên các kệ hàng hay thậm chí chuyện rau củ quả hàng chợ trà trộn vào siêu thị gây tác động lớn đến dư luận vừa qua thực ra không phải là câu chuyện mới. Nhu cầu mua và dùng thực phẩm sạch nói chung và rau củ quả an toàn nói riêng ngày một lớn, trong khi nguồn cung có hạn. Thêm vào đó, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo ở nhiều khâu cũng tạo cơ hội cho nhiều người trà trộn hàng hóa kém chất lượng vào để thu lợi nhuận.

Thị trường hiện nay phổ biến các dòng hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ được dán nhãn trong và ngoài nước như: chứng nhận hữu cơ USDA Hoa Kỳ, EU Organic Farming của liên minh châu Âu, JAS của Nhật, ACO Australia… Trong nước thì có chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Các loại thực phẩm, rau củ quả dán nhãn này thường có giá bán cao hơn ít nhất 50% so với sản phẩm cùng loại, thậm chí có những mặt hàng giá cao hơn gấp nhiều lần nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua vì tin vào chất lượng.

Tuy nhiên, thực tế nguồn cung sản phẩm sạch vẫn chưa đủ đáp ứng một cách rộng rãi cho thị trường, do đó đâu đó vẫn tồn tại nhiều sự nhập nhèm trong kinh doanh, chẳng hạn việc trà trộn hàng “chợ” vào hệ thống cửa hàng tiện lợi dưới nhãn rau củ quả sạch mới bị báo chí phát hiện cuối tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, các vụ kiểm tra hay “bắt” hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa trà trộn dán nhãn “sạch”, sau đó áp dụng các chế tài có tính răn đe cao là cần thiết, song vẫn chưa đủ.

Để giải quyết căn cơ, tận gốc vấn đề, phải bắt đầu tư các quy định minh bạch, nghiêm khắc từ khâu sản xuất. Với mỗi tiêu chuẩn (an toàn, hữu cơ, sạch), cần có những quy định, quy chuẩn dễ hiểu, rõ ràng để người tiêu dùng dễ nắm bắt, để người nông dân và doanh nghiệp yên tâm. Sâu xa hơn là xây dựng “hệ sinh thái” để “nuôi” thực phẩm sạch từ khâu gieo trồng đến khâu đóng gói, tiêu thụ. Nôm na là cần tạo các cơ chế về hạ tầng, chính sách, vốn, công nghệ, chế biến, hệ thống phân phối… để tạo một đường đi suôn sẻ cho thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Điều này bắt đầu bằng việc nông dân, doanh nghiệp, địa phương cần sớm bắt tay vào xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ một cách chuẩn hóa, bài bản và bền vững. Qua đó, chính các mắt xích, các thành viên trong chuỗi sẽ kiểm tra, kiểm soát chất lượng của nhau để đảm bảo uy tín, chất lượng, giá trị sản phẩm… Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lớn gắn với tiêu thụ bền vững cũng sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng có nhiều thuận lợi trong việc kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa, cũng như giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu, kiểm tra nguồn gốc, thông tin nông sản, thực phẩm. Khi cầm trên tay gói rau, quả chuối mà có thể tra cứu tiện lợi, dễ dàng xem nó được trồng ở đâu, giống gì, quy trình sản xuất đóng gói đã được chứng nhận đảm bảo chưa… thì khó có thực phẩm “chưa sạch, thiếu an toàn” nào trà trộn được.

Vi Lâm

Tin xem nhiều