Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân nhắc hài hòa trong sửa nghị định về xăng dầu

08:02, 08/02/2023

Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi để đóng góp cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Những nội dung này đang được bàn luận và góp ý từ nhiều đối tượng: doanh nghiệp (đầu mối, phân phối, bán lẻ), các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến điều hành thị trường xăng dầu.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi để đóng góp cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Những nội dung này đang được bàn luận và góp ý từ nhiều đối tượng: doanh nghiệp (đầu mối, phân phối, bán lẻ), các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến điều hành thị trường xăng dầu.

Ảnh minh họa: Hải Quân
Ảnh minh họa: Hải Quân

Phải nói rằng, nghị định về kinh doanh xăng dầu là một trong những nghị định gây nhiều tranh luận, nhất là khi gần 2 năm qua, sự bất ổn của thị trường này liên tục diễn ra. Trong đó, nặng nề nhất là giai đoạn thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên cả nước, doanh nghiệp trong ngành thua lỗ (cả đầu mối, phân phối lẫn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều lỗ).

Nghị định 95, trên thực tế mới được bổ sung, chỉnh sửa vào tháng 11-2021, nghĩa là mới được hơn 1 năm, nay lại tiếp tục được lấy ý kiến để sửa tiếp. Quan điểm lần này của Bộ Công thương (thể hiện trong việc đưa ra các phương án khác nhau trong dự thảo) là thay đổi chu kỳ điều hành giá; giảm các khâu trung gian (thương nhân phân phối, tổng đại lý); quy định hoặc không quy định mức chiết khấu bán lẻ; quy định việc lấy hàng từ nhiều nguồn… tiếp tục lại gây nhiều bàn thảo và tranh luận. Trong đó có nội dung liên quan đến vai trò của khâu trung gian - đội ngũ thương nhân phân phối.

Hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng 17 ngàn cửa hàng phân bố khắp các vùng, miền trên cả nước.

Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng, miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, các thương nhân phân phối thời gian qua đã không được một số doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm trong duy trì, bảo đảm nguồn hàng cung cấp khi nguồn cung xăng dầu trên thị trường gặp khó khăn. Dựa trên lập luận này, Bộ Công thương đưa ra phương án hạn chế quyền mua bán của đội ngũ thương nhân phân phối, nghĩa là thay vì được mua bán từ nhiều nguồn (mua từ các đầu mối và mua bán đồng cấp giữa các thương nhân phân phối với nhau) thì lại “siết” lại, chỉ cho mua từ 3 đầu mối. Điều này được dự đoán sẽ càng gây thiếu hụt nguồn cung khi khâu phân phối không mua hàng linh hoạt được như trước để cung ứng xăng dầu đến hệ thống cây xăng lẻ và làm cho tính độc quyền của thị trường tăng lên. Trong khi đó, gốc của nguồn cung là doanh nghiệp đầu mối chứ không phải doanh nghiệp phân phối - lại chưa giải quyết được.

Vậy nên, lần sửa nghị định này, rất cần đến sự nhìn nhận “đúng và đủ” về vai trò của tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng xăng dầu hiện nay: đầu mối - phân phối - bán lẻ, làm sao để mỗi khâu trong đó đều có quyền lợi, có nghĩa vụ, để thị trường có tính cạnh tranh cao nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung thông suốt.

Vi Lâm

Tin xem nhiều