Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều tin vui cho ngành Nông nghiệp

06:11, 29/11/2022

Tính đến nay, 13 loại nông sản đã được mở cửa thành công sang thị trường Trung Quốc, bao gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.

Tính đến nay, 13 loại nông sản đã được mở cửa thành công sang thị trường Trung Quốc, bao gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.

Trong số này, Đồng Nai có tiềm năng với nhiều mặt hàng: thanh long, chôm chôm, xoài, mít, chuối, sầu riêng và tổ yến. Tỉnh đang tiến hành cấp mã số vùng trồng cho trái sầu riêng để xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa công bố đã hoàn thành mở cửa thị trường Nhật Bản cho nhãn và thị trường New Zealand cho chanh, bưởi của Việt Nam. Ngoài Trung Quốc, các thị trường được coi là tiêu chuẩn khá cao trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, RCEP, CPTPP có rất nhiều tiềm năng trong việc mở cửa thị trường cho nông sản Việt.

Số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, dù thị trường xuất khẩu nói chung gặp rất nhiều thách thức trong giai đoạn hậu Covid-19, song tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước trong 10 tháng của năm 2022 vẫn đạt hơn 80 tỷ USD.

Theo đó, xuất khẩu ước đạt 45 tỷ USD. Điều đặc biệt là xuất siêu toàn ngành Nông nghiệp cao bất ngờ, với trên 7 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nhóm nông sản chính trong 10 tháng qua đạt trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính đạt khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%. Chỉ có sản phẩm chăn nuôi đạt thấp hơn kỳ vọng với 326,9 triệu USD, giảm 8,7%.

Tính đến hết tháng 10-2022, toàn ngành Nông nghiệp có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Trong đó, mặt hàng gạo có sự bứt phá lớn với sự tăng trưởng mạnh về cả sản lượng lẫn giá trị; có thời điểm, giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam còn cao hơn gạo Thái Lan.

Tiềm năng lớn, giá trị lớn và nhiều cơ hội đang chờ phía trước cho nông sản Việt Nam. Song, điều cần làm bây giờ là sự chuẩn bị kỹ càng để nắm bắt thật tốt cơ hội tại nhiều thị trường khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là khâu chuẩn hóa chất lượng, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến nông sản cho thật tốt và nắm kỹ càng các quy định về nhập khẩu tại từng thị trường.

Về lâu dài, các chính sách cho xuất khẩu nông sản phải thực sự tạo bệ đỡ cho nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể nhất là chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, thông tin thị trường… để hạn chế thách thức, nắm bắt cơ hội xuất khẩu bền vững chứ không phải chỉ tận dụng một số thời điểm thuận lợi để tăng kim ngạch.

Vi Lâm

Tin xem nhiều