Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để không phát sinh phức tạp

08:03, 04/03/2023

Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của mỗi người, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương.

Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của mỗi người, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh mới đây. Ảnh: P.Hằng
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh mới đây. Ảnh: P.Hằng

Tuy nhiên, không ít nơi còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và dân chủ hình thức, dẫn đến nhiều sai phạm, gây bức xúc cho nhân dân và phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

* Không thực hiện đúng quy định, ắt sai phạm

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hà Thanh Tùng thông tin, năm 2022, UBKT Tỉnh ủy đã tham gia cùng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh đi kiểm tra chuyên đề về thực hiện QCDC ở cơ sở tại một số đơn vị; đồng thời, tham gia đoàn của Tỉnh ủy đi kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, trong đó có nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao về công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật của Đảng và xem xét giải quyết đơn thư tố cáo, UBKT Tỉnh ủy nhận thấy một số cấp ủy, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan (nhất là ở cơ quan hành chính, sự nghiệp) chưa làm tốt việc lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ quan, dẫn đến phát sinh đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên.

Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh thành lập các đoàn đi kiểm tra các đơn vị, trong đó chú ý ở những đơn vị có nhiều đơn thư tố cáo, nội bộ chưa đoàn kết...

Theo Phó chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Thanh Tùng, để hạn chế thấp nhất đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên thì cấp ủy trực thuộc tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện KTGS, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và QCDC cơ sở cơ quan, công khai minh bạch các nội dung theo quy định.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhận định, thời gian qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở có nơi làm tốt, nhưng có nơi làm chưa tốt. Chẳng hạn như cử tri ở một huyện đề nghị chính quyền công khai cho dân biết các quyết định về quy hoạch khu công nghiệp để xem chính quyền có thực hiện đúng việc thu hồi đất để làm khu công nghiệp như các quyết định đó không, song chính quyền vẫn chưa công khai.

Bên cạnh đó, còn một số nội dung về dân chủ cơ sở, nhất là dân chủ ở xã, phường chưa thực hiện tốt, như việc phải công khai minh bạch việc quy hoạch, triển khai các dự án kinh tế - xã hội, các mức thuế và lệ phí…

* Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị, ngày 1-7-2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, tất cả cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nghiên cứu kỹ và áp dụng nghiêm túc luật này. Để làm tốt QCDC ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải lắng nghe dân, tôn trọng quyền làm chủ của dân và giải quyết đúng lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân, nếu không tất cả chỉ là hình thức.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, chỗ nào dân chủ tốt thì niềm tin mới tốt, chỗ nào mất dân chủ, chỗ đó dần mất niềm tin. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở là theo quy định của pháp luật chứ không phải là công tác vận động, thích thì làm, không thích thì thôi. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn, thực hiện dân chủ theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dân chủ theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ và trong DN thực hiện QCDC theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở là trách nhiệm của người đứng đầu, còn người dân, người lao động, công chức, viên chức có trách nhiệm phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và DN thực hiện đúng các nội dung về QCDC ở cơ sở, đó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi người.

Các điều được quy định trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ xoay quanh 7 vấn đề: công khai điều gì, công khai bằng hình thức nào, công khai đến mức nào, những nội dung nào dân bàn, nội dung nào dân quyết định, nội dung nào dân tham gia ý kiến và dân giám sát. Người đứng đầu đơn vị phải thuộc và làm tốt 7 vấn đề này, người nào không thuộc và không làm tốt 7 vấn đề này thì phải xem lại.

Phương Hằng

Tin xem nhiều