Báo Đồng Nai điện tử
En

Trương Văn Bang - Người bí thư 3 tỉnh kiên trung vì sự nghiệp cách mạng

08:02, 04/02/2023

Đảng bộ tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm. Năm 1935, nơi đây đã thành lập được Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều, chi bộ đầu tiên của tỉnh và là hạt nhân nòng cốt để xây dựng Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa sau này.

Đảng bộ tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm. Năm 1935, nơi đây đã thành lập được Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều, chi bộ đầu tiên của tỉnh và là hạt nhân nòng cốt để xây dựng Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa sau này. Đến năm 1937, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa được thành lập do đồng chí Trương Văn Bang làm bí thư.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm khuôn viên Nhà lưu niệm đồng chí Trương Văn Bang tại H.Cần Giuộc (tỉnh Long An). Ảnh: P.Hằng
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm khuôn viên Nhà lưu niệm đồng chí Trương Văn Bang tại H.Cần Giuộc (tỉnh Long An). Ảnh: P.Hằng

Quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Biên Hòa có dấu ấn, vai trò to lớn của đồng chí Trương Văn Bang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa.

* Cùng lúc làm bí thư tỉnh ủy 3 tỉnh

Đồng chí Trương Văn Bang sinh ngày 15-5-1911 tại làng Phước Lại, Q.Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Phước Lại, H.Cần Giuộc, tỉnh Long An). Năm 13 tuổi, đồng chí đã theo dượng rể là chí sĩ Nguyễn An Ninh đi làm liên lạc cho Hội kín Nguyễn An Ninh.

Năm 1930, đồng chí được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi được kết nạp Đảng, đồng chí tham gia thành lập Quận ủy đầu tiên ở Cần Giuộc và làm Phó bí thư; sau đó làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn.

Đến tháng 5-1933, đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Vài tháng sau, đồng chí chẳng may sa vào tay giặc, bị kết án 5 năm tù. Nhưng năm 1936, nhờ phong trào đấu tranh của Mặt trận bình dân, đồng chí được ra tù.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn ghi nhớ và tri ân sâu sắc công lao đóng góp của đồng chí Trương Văn Bang, các bậc tiền bối và đồng chí, đồng bào trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng tỉnh nhà.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết, sau khi ra tù, đồng chí Trương Văn Bang được Liên Tỉnh ủy miền Đông cử về xây dựng tổ chức Đảng ở một số tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ như: Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) và Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng chí Trương Văn Bang là nhân vật rất đặc biệt, cùng lúc đi xây dựng phong trào và làm bí thư tỉnh ủy của 3 tỉnh; trong đó, tại tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ phong trào cộng sản đang bị chìm lắng sau khi thực dân Pháp khủng bố ác liệt vào những năm 1930-1932.

Khi về Biên Hòa hoạt động, đồng chí Trương Văn Bang ở nhà đồng chí Tư Phan, Phó bí thư Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều tại Bến Cá (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu ngày nay) - nơi tập trung đông dân và có phong trào cách mạng tương đối mạnh. Đồng chí Trương Văn Bang thường bí mật đi lại các xã và các quận của tỉnh Biên Hòa để xây dựng cơ sở Đảng và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản.

Tháng 2-1937, cuộc họp gồm đảng viên ở 2 quận: Châu Thành và Tân Uyên, tổ chức tại nhà đảng viên Huỳnh Văn Ngọc thuộc Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều đã nhất trí thành lập Đảng bộ tỉnh Biên Hòa do đồng chí Trương Văn Bang làm bí thư tỉnh ủy lâm thời.

Sau khi có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, phong trào cách mạng ở Biên Hòa có những phát triển mới. Nhiều tổ chức quần chúng được Tỉnh ủy thành lập để mở rộng phong trào, xây dựng cơ sở cách mạng như: Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Hội Lương hữu, Liên đoàn xe ngựa…

Trước tình hình phát triển ngày càng rộng, Tỉnh ủy lâm thời đã cử cán bộ xuống các xã xem xét kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng. Đến giữa năm 1937, nhiều chi bộ đảng ở Q.Châu Thành được xây dựng như: Chi bộ Bình Ý, Chi bộ Bình Phước, Chi bộ Tân Triều.

Theo ông Trần Quang Toại, thời gian đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa không dài, chỉ 3 năm, nhưng đồng chí đã để lại cho tỉnh di sản lớn, đó là phát triển cơ sở Đảng và phong trào quần chúng cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

* Bài học về lòng dân

Tưởng nhớ về thân phụ của mình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xúc động cho hay: “Năm 1954, khi cha tôi chuẩn bị tập kết ra Bắc, mẹ tôi có bầu và năm 1955 sinh ra tôi. Khi sinh ra, tôi không biết mặt cha. Mẹ thì làm Trưởng ban Phụ vận, rồi Chánh Văn phòng Xứ ủy Nam bộ, sau đó bị địch bắt tù đày. Vì thế, tôi và chị ruột được gửi cho dì ruột và dượng rể nuôi. Dì, dượng luôn giáo dục nguồn cội gia đình và phong trào kháng chiến cho chị, em tôi. Những lúc rảnh thì chở chị em tôi vào thăm mẹ, nhưng có lúc gặp được mẹ, có lúc địch không cho gặp mẹ với lý do mẹ là cộng sản ngoan cố, không chịu khai báo. Thương mẹ cha, năm 1966, chị tôi tham gia cách mạng, còn tôi năm 1970 - khi mới 15 tuổi cũng tham gia cách mạng”.

Nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kể tiếp: “Năm 1974, sau khi mẹ tôi ra tù, mấy mẹ con ra Bắc để đón cha trở về sau một thời gian được Đảng và Nhà nước đưa đi chữa bệnh ở nước ngoài. Lần đầu tiên được gặp cha sau 19 năm được sinh ra, tôi đã khóc. Được ở bên cha, cha đã giáo dục tôi ý chí cách mạng và tính kỷ luật của người chiến sĩ cộng sản, đó là phải luôn có quan điểm cách mạng triệt để tiến công, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chia sẻ, quá trình hoạt động cách mạng của thân phụ ông đã để lại bài học sâu sắc: nếu không có sự che chở, nuôi dưỡng của nhân dân thì không có phong trào hoạt động cách mạng. Mọi thành công của cách mạng Việt Nam chỉ có được khi xuất phát từ lợi ích của nhân dân, hợp lòng dân và được nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì Đảng phải từ trong dân phát triển đi lên…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để làm nên chiến công vang dội cho quê hương đất nước, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã kiên trung bất khuất, một lòng một dạ chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có đồng chí Trương Văn Bang - một đảng viên, lãnh đạo kiên trung, bền bỉ hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và là nhà cách mạng, sĩ quan quân sự tài ba của miền Đông Nam bộ. Đồng chí là người có công lớn trong việc móc nối, tổ chức, xây dựng Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa.

Phương Hằng

Tin xem nhiều