Báo Đồng Nai điện tử
En

Về cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

03:11, 14/11/2022

Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tỉnh ủy Đồng Nai đang chuẩn bị để tổ chức hội thảo khoa học về tác phẩm này.

Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tỉnh ủy Đồng Nai đang chuẩn bị để tổ chức hội thảo khoa học về tác phẩm này.

Cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp
Cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp

Hướng tới một xã hội vì con người

ThS Doãn Đức Thành, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành cho biết, qua nghiên cứu tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể thấy, tác phẩm tập trung phân tích, làm rõ 4 nhóm vấn đề: CNXH là gì;  vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN); làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam; thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì.

Theo ThS DOÃN ĐỨC THÀNH, những vấn đề được đề cập trong cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ có giá trị to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mà còn đóng góp giá trị sâu sắc với quá trình phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, các giai đoạn quá độ của CNXH và các cơ hội đổi mới CNXH trên toàn thế giới. Bài viết cũng chính là cơ sở phương pháp luận để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Trong đó, trả lời cho câu hỏi “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN”, Tổng bí thư không phủ nhận những thành tựu của chủ nghĩa tư bản như phát triển sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, mà tiêu biểu là kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo, xung đột sắc tộc, biểu tình, bãi công… làm rung chuyển cả thể chế.

Từ những phân tích trên, Tổng bí thư nêu rõ, mục tiêu của việc xây dựng XHCN là hướng tới một xã hội phát triển thực sự vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

5 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước

Tuy nhiên, quá trình phát triển đất nước, nước ta vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mới đang đặt ra.

Từ lý luận và tổng kết thực tiễn, Tổng bí thư nhận định, trong thời kỳ quá độ, các nhân tố XHCN được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi XHCN, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả.

Trước những vấn đề đang đặt ra, Tổng bí thư chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm của nước ta.

Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Hai là, về xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Ba là, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Năm là, luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc, sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa xã hội, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, luôn được tiếp thêm sinh lực mới, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.

Phương Hằng

Tin xem nhiều