Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ tù chính trị 'khét tiếng'

05:11, 28/11/2022

Cô Trần Thị Hòa (tên thường gọi là Ba Hòa) - Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh là người nữ tù chính trị "khét tiếng", là chiến sĩ cách mạng kiên cường, gan dạ. Cô không chịu khuất phục trước kẻ thù gian ác, tàn bạo mà đã cùng các cựu tù đấu tranh kiên cường trong quá trình bị giam giữ, tra tấn từ Trại giam Thủ Đức, Chí Hòa cho đến Chuồng cọp Côn Đảo rồi Nhà lao Tân Hiệp.

Cô Trần Thị Hòa (tên thường gọi là Ba Hòa) - Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh là người nữ tù chính trị “khét tiếng”, là chiến sĩ cách mạng kiên cường, gan dạ. Cô không chịu khuất phục trước kẻ thù gian ác, tàn bạo mà đã cùng các cựu tù đấu tranh kiên cường trong quá trình bị giam giữ, tra tấn từ Trại giam Thủ Đức, Chí Hòa cho đến Chuồng cọp Côn Đảo rồi Nhà lao Tân Hiệp.

Cô Trần Thị Hòa (tên thường gọi là Ba Hòa) - Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh
Cô Trần Thị Hòa (tên thường gọi là Ba Hòa) - Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh

* Giác ngộ cách mạng

Có thể nói, cô Ba Hòa sớm giác ngộ cách mạng là nhờ ngày nào cũng phải đi gánh nước. Mỗi lần gánh nước sớm, thấy không có ai là cô len lén giấu đôi thùng vào bụi cây, quan sát xung quanh không thấy bọn lính là cô đi thẳng vô bìa rừng để nhận nhiệm vụ từ chú cán bộ, du kích xã, họ đều là những người cùng làng, ra đi làm cách mạng. Cô Ba Hòa vui mừng vì được mấy chú tin tưởng, giao nhiệm vụ dò la tình hình địch, xem chúng định làm gì, có đi hành quân, càn quét ở đâu không. Có khi mấy chú nhờ cô đi mua giúp pin, đèn, thuốc tây, dây điện. Qua những gì được chứng kiến, cảm nhận, cô dần nhận ra ba má cô, những gia đình quen biết với gia đình cô đang bí mật giúp đỡ cách mạng.

Tháng 8-1961, chưa đầy 15 tuổi, cô Ba Hòa tham gia Hội phụ nữ giải phóng, rồi cô được giao làm tổ trưởng phụ nữ. Hàng ngày, cô vận động, thuyết phục chị em đóng tiền nguyệt liễm, làm giao liên đưa thư cho du kích.

* Thoát ly

Cuối năm 1963, bước ngoặt cuộc đời cô mở ra khi cô cùng em Nguyễn Văn Dũng (lúc đó mới 11 tuổi) lên căn cứ du kích. Hai chị em dặn nhau, nếu không may bị giặc bắt gặp, xét hỏi thì nói là đi hái lá sâm rừng. Hai người cắt rừng, lên tới căn cứ du kích nằm lưng chừng núi. Khoảng gần 10 giờ sáng, hai chị em đến căn cứ bàn đạp. Nhưng không may là vào thời điểm này mọi người đã rút về tỉnh, căn cứ chỉ còn vài người ở lại gồm anh Năm Cường, anh Thanh, anh Hóa, anh Thắng và một anh cán bộ Tỉnh đoàn tên Đức. Tuy bị các anh la rầy vì tội liều lĩnh, chưa có ‎ý kiến tổ chức mà dám bỏ nhiệm vụ lên cứ. Nhưng mặc nhiên cô đã được chấp nhận thoát ly.

* Ý chí kiên cường, bất khuất

Năm 1964 giặc dồn dân Bình Châu đưa về Long Hải để dễ bề cai quản. Hàng ngàn người lớn bé già trẻ bị lùa xuống tàu há mồm đưa về nơi ở mới, bà con phản đối, la lối, kêu khóc rùm trời. Nhân sự kiện này, cô Ba Hòa tranh thủ thâm nhập, móc nối với cơ sở ở Bình Châu để nắm dân, làm công tác dân vận.

Cô Ba không bao giờ quên được cái ngày 2-7-1965. Bữa đó, cô đang trên đường vận động một số thanh niên ấp Hải Điền (gần Dinh Cô) không đi lính cho địch, mà nhanh chóng nhập ngũ vào bộ đội, theo cách mạng. Đã có sáu, bảy thanh niên gặp gỡ cô và hẹn ngày đón ra cứ. Cùng đi với cô có hai nữ tự vệ mật là Thu và Hà. Mỗi lần cô Ba gặp cơ sở hay gặp gỡ thanh niên để vận động thì hai cô Thu, Hà lại lánh đi theo nguyên tắc hoạt động bí mật. Tụi lính chặn cô lại, hỏi “Đi đâu giờ này?” và đòi coi giấy tờ. Biết không xong, cô ngược tay ra sau, thò vô túi xé nát giấy tờ tài liệu mang theo, tiện thể rút chốt trái lựu đạn M26 định bụng “cưa đôi” với tụi lính. 

 Ngay lập tức, một tên lính táng cho cô hai bạt tai làm cô hoa mắt, rồi chúng trói cô lại.Vừa lúc đó, ba má cô nghe thấy ồn ào, mở cửa ra coi thấy cảnh con gái bị trói mà chết điếng. Tụi lính lôi cô về nhà hội đồng xã, trên đường đi gặp một vài thanh niên đã làm việc với cô, ai nấy hết hồn. Cô biết mọi người đang lo lắng, không biết cô có giữ được khí tiết không, hay non gan khai ra thì liên lụy đến họ. Biết vậy, cô thầm nhủ: chết thì chết, nhất định không khai, không làm ảnh hưởng đến niềm tin của đồng bào với cách mạng!

Về tới tiểu khu, cô Ba bị địch tống vào phòng điều tra. Để “dằn mặt”, bọn lính ở tiểu khu lần lượt đem các dụng cụ tra tấn ra, bày từng món một trước mắt cô, nào kềm, dùi cui, ma trắc (ba trắc), kềm rút móng tay, máy quay điện, búa, đục nhổ răng… Chưa hết, bọn chúng còn mang ớt bột, xà bông đổ vào một cái xô, quậy lên. Lần đầu tiên cô đối mặt trực diện với sự tàn bạo của kẻ thù, biết là chúng sẽ tra tấn để moi thông tin, nhưng cũng chưa hình dung ra những gì mình phải đối mặt, hứng chịu, chỉ biết tự nhủ với lòng mình: Thà chết cũng không khai, không phản bội cách mạng!

Đánh đập vẫn không ăn thua gì, chúng chuyển sang quay điện. Quay điện mấy chập, chúng treo cô lên “tận bẹ sườn”. Đau đớn không thể tả được, nhưng cô thầm nghĩ: Không được kêu la, kêu la trước mặt kẻ thù là hèn yếu, nhục lắm, vì thế mà cô Ba nghiến răng chịu đựng. Tụi lính phải la lên “Con này lì quá ta, đánh nữa để coi xem nó còn lì đến mức nào”.

Cô Ba Hòa nghiến răng, tỏ lòng trung kiên: “Tụi bây muốn làm gì thì làm, nhưng chỉ có thể hành hạ tao về mặt thể xác, còn tinh thần, ý chí vẫn là của tao, bây không khuất phục được đâu”. Thấy trò tra tấn và hăm dọa không khuất phục được cô, mấy tên lính xúm nhau đè cô nằm dọc theo bậc cầu thang, đầu chúc xuống đất rồi đổ nước xà bông quậy ớt bột vào miệng. Một cảm giác cay nóng,  nhờn nhợn muốn ói ra, bụng căng cứng như muốn vỡ nát. Bọn địch bất thần đạp mạnh vào bụng cô, cô cảm thấy người mình như bị nát bét ruột gan theo nước xà bông, ớt bột. Cơ thể cô Ba dường như không còn là của mình nữa.

Sáng hôm sau, người cô Ba mềm oặt như cọng bún, không nhúc nhích nổi một ngón tay, chúng vứt cô vào một gian phòng nhỏ. Cô nằm đó, toàn thân đau nhức, có cảm giác như bao nhiêu xương, gân, cơ trong người đều bị xáo trộn, gẫy vụn, rách nát. Một ngày sau, khi những vết thương vẫn chưa kịp dịu đau, chúng lại đưa cô lên tra tấn tiếp, cứ như vậy suốt một tuần lễ.

Sau một tuần bị tra tấn bầm dập, chúng đưa cô lên Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp tra tấn tiếp. Cứ như vậy, cô trải qua những giờ phút tưởng chừng như chỉ có ở địa ngục trong suốt hai tháng ròng rã. Nhưng lạ, bọn chúng càng dã man tàn bạo, trong lòng cô lại càng nảy sinh sự phản kháng mãnh liệt.

Moi thông tin không được, rồi lần lượt, bọn chúng đưa cô đến tiểu khu Bà Rịa, Ty Cảnh sát, chi khu Phước Tuy, khám đường Bà Rịa để tra tấn. Cuối năm 1966, chúng đưa cô về Trại giam Thủ Đức, ở đây cô chống chào cờ, cứ chúng bắt chào cờ là cô ngồi xuống quay mặt đi, có lần cô bị đánh đến gãy tay. Nổi điên, chúng lại lôi cô lên phòng điều tra, cho cô “đi xe máy cuộc” suốt 10 ngày. Đây là một hình thức tra tấn rất tàn độc, tù nhân bị còng tréo chân vào một cây sắt, hai tay cũng bị còng trong tư thế bắt tréo nhau rồi luồn xuống dưới bắp đùi, như tréo cẳng gà. Trong tư thế ấy cô cứ phải cúi khom người cả ngày, không thể ngồi mà cũng không thể nằm, lỡ bị té xuống là nằm chỏng chơ luôn không dậy được.

Giữa năm 1967, chúng đưa cô ra tòa. Tòa án Sài gòn xử cô hai tội: Phản nghịch và cố sát, kêu án 7 năm khổ sai, 5 năm lưu đày biệt xứ. Luật sư bào chữa do chúng chỉ định đã xin với tòa khoan hồng giảm án, cho rằng cô chỉ là con nít bị dụ dỗ. Cô bĩu môi phản bác lại giọng điệu của quan tòa: “Tôi đánh Mỹ vì Mỹ cướp nước tôi, không có ai dụ dỗ tôi hết. Tôi không cần các ông giảm án”.

Đầu năm 1968, cô Ba bị đưa xuống trại biệt giam D, Thủ Đức. Đầu năm 1969, nữ tù nhân Trại giam D (Thủ Đức) nổ ra cuộc đấu tranh lớn đòi được thăm nuôi, mở cửa cho xách nước, đục thêm lỗ thông hơi trong phòng. Tù nhân tuyệt thực, không ăn đã 7 ngày, nhưng bọn địch vẫn làm lơ nên quyết tâm sẽ mổ bụng để thị uy.  Trong trại giam lúc đó có 31 người, ai cũng xung phong xin mổ bụng. Thực hiện bốc thăm, Cô Ba Hòa được mổ bụng trước. Bọn địch thấy cô bày dụng cụ chuẩn bị mổ bụng, chúng hoảng hốt và đồng ý tất cả các yêu sách của tù nhân, chúng mở cửa trại giam cho người nhà vào thăm nuôi mỗi tháng một lần, cho đục ba lỗ thông hơi, cải thiện bữa ăn...

* Hai lần đến “địa ngục trần gian”

Ngày 21-8-1969, một sự kiện lớn xảy ra làm rung động cả chính quyền Sài Gòn là hàng ngàn nữ tù nhân Trại giam Thủ Đức nổi dậy chiếm trại giam, làm chủ tình hình suốt 3 ngày. Ngày 24-8-1969, sau khi củng cố lực lượng, địch bắt đầu tấn công tù nhân, chiếm lại trại giam.

Trong thời gian ở khám Chí Hòa, cô được chứng kiến một sự kiện lịch sử khác: Nữ tù nhân 4 phòng giam để tang và truy điệu Bác Hồ. Những ai có mặt trong thời khắc lịch sử đó sẽ hiểu được Hồ Chủ tịch trong trái tim của những người tù như cô ra sao, sẽ hiểu được sức mạnh đoàn kết của những chiến sĩ cách mạng trong lao tù như thế nào.

Ngày 29-11-1969, cô Ba Hòa và 342 tù nhân nữ bị đày ra Côn Đảo. Sau này, cô còn bị chúng đưa về Nhà lao Tân Hiệp, rồi trở ra Côn Đảo lần nữa. Gần 10 năm trải qua nhiều trại giam, nếm đủ mùi tra tấn, mãi tới năm 1973 Hiệp định Pari được ký kết, hai bên trao trả tù binh, cùng với 5.081 tù nhân khác cô Ba Hòa mới thoát khỏi “địa ngục trần gian” Côn Đảo vào tháng 3-1974.

Sau khi được trả tự do, hòa bình lập lại, cô Ba Hòa tham gia công tác tại Trường Đào tạo cán bộ ở Bà Rịa, sau đó, làm Thư ký cho cô Nguyễn Bạch Tuyết - Phó bí thư Tỉnh ủy. Trải qua nhiều vị trí công tác, cô Ba Hòa về nghỉ chế độ khi đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh vào năm 2002. Mặc dù đã nghỉ chế độ, song với bản tính năng nổ cô tham gia nhiều hoạt động. Đặc biệt, cô được bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt,tù đày tỉnh Đồng Nai khóa I, II và tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội khóa III, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Những năm tháng trôi qua có thể làm phai mờ nhiều ký ức nhưng với những người như cô Ba, thì cô vẫn nhớ như in những ngày tháng khốc liệt ở trong các trại tù của chế độ Mỹ - ngụy. Quá khứ hào hùng đã trôi qua, thời gian đã làm cô thay đổi nhiều về diện mạo, nhưng không làm phai nhạt được lý tưởng yêu nước và luôn tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Cô Ba Hòa đã dành trọn cuộc đời mình theo Đảng, cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy những dấu ấn hào hùng của cô đã truyền tỏa tấm gương về một người cộng sản trung kiên, bất khuất, đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tiếp bước phấn đấu, học tập và noi theo.

Lương Quyên

Tin xem nhiều