Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắc lệnh hòa bình của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga

03:11, 07/11/2022

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công không những làm rung chuyển thế giới mà còn là cuộc cách mạng "biến người nô lệ thành người tự do".

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công không những làm rung chuyển thế giới mà còn là cuộc cách mạng “biến người nô lệ thành người tự do”.

Lênin - linh hồn của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: TL
Lênin - linh hồn của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: TL

“Sắc lệnh về hòa bình” do Đại hội Xô viết toàn Nga thông qua sau đó đã mở ra quan hệ quốc tế mới là hòa bình, hữu nghị với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Biến người nô lệ thành người tự do

Dấu mốc đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học là sự kiện ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2-1848. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới là Công xã Paris năm 1871. Thế nhưng, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới thành công là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Các nhà sáng lập của chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng lịch sử loài người trải qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, hình thái kinh tế - xã hội ra đời sau sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội ra đời trước đó.

Nước Nga đầu thế kỷ XX là một nhà nước phong kiến lạc hậu. Sau khi thất trận trước Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1904-1905 và buộc phải ký Hiệp ước Portsmouth, nước Nga sa Hoàng rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Theo Hiệp ước Portsmouth: Nga tuyệt đối công nhận quyền lợi tối cao của Nhật ở Triều Tiên. Nga nhượng lại cho Nhật tô giới Lữ Thuận, Đại Liên và đường sắt từ Changchun (Trường Xuân) vào Nam. Nga phải trao cho Nhật phần nam đảo Sakhalin phía dưới vĩ tuyến 50 bắc (sau Đệ nhị Thế chiến thì Liên Xô thu hồi theo Hiệp ước San Francisco năm 1952). Nga công nhận ngư vực của Nhật Bản vùng duyên hải bán đảo Kamchatka. Nga cũng hủy bỏ hợp đồng về việc thuê cảng Lữ Thuận và Đại Liên với thời hạn 25 năm với nhà Thanh.

Tư tưởng về hòa bình ra đời từ Cách mạng Tháng Mười Nga trong “Sắc lệnh về hòa bình” do lãnh tụ Lênin ký thông qua sẽ mãi là ngọn cờ chỉ dẫn các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam trên con đường vinh quang, hạnh phúc, ước nguyện hòa bình của nhân loại.

Chiến thắng của Nhật Bản trước Nga đã làm cho cả châu Âu rúng động bởi lần đầu tiên một quốc gia châu Á đã chiến thắng kể từ khi phương Tây đi xâm chiếm thuộc địa (nước Nga vắt ngang cả Âu và Á). Chủ nghĩa tư bản Nga vừa phát triển muộn, vừa lạc hậu nên lệ thuộc vào tư bản phương Tây, cộng thêm thất bại này đã làm mâu thuẫn trong xã hội Nga ngày càng khốc liệt. Các mâu thuẫn lớn nhất là giữa giai cấp tư sản và vô sản, giữa địa chủ và nông dân, giữa đế quốc Nga và các dân tộc bị áp bức, giữa đế quốc Nga và các nước đế quốc Tây Âu. Một yêu cầu bức thiết khi ấy là phải lật đổ chế độ quân chủ và phong kiến.

Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Tháng Hai năm 1917 thắng lợi và lật đổ chế độ Sa Hoàng, buộc Sa Hoàng phải thoái vị. Thế nhưng, nước Nga lại xuất hiện tình trạng chính trị vô cùng rối ren, phức tạp là cùng lúc tồn tại song song 2 chính quyền: Xô viết Đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrat của giai cấp vô sản và Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Trước nguy cơ thành quả cách mạng rơi vào tay giai cấp tư sản phản động, Lênin và Đảng Bônsêvích đã thông qua Luận cương Tháng Tư (1917), quyết định chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng khởi nghĩa vũ trang với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết”.

Nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích đã nhất tề đứng dậy lật đổ chính quyền giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay nhân dân. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga, đã có nhiều cuộc cách mạng trên thế giới nổ ra, song các cuộc cách mạng ấy về cơ bản là chuyển bóc lột từ giai cấp này sang giai cấp khác. Chỉ đến khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công với sự ra đời của nhà nước Xô Viết, người dân lao động mới chính thức bước lên vũ đài lịch sử chính trị, chính thức nắm vận mệnh của chính mình. Đây là cuộc cách mạng đã giành quyền lợi về cho giai cấp công nhân và đại bộ phận nhân dân lao động.

Mở ra quan hệ quốc tế mới là hòa bình cho nhân loại

Khi phát động Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã nêu ra các khẩu hiệu về hòa bình cho các dân tộc, ruộng đất cho nông dân và bánh mì cho người đói. Đặc biệt nhất, Cách mạng Tháng Mười Nga giương cao khẩu hiệu về hòa bình, phản đối chiến tranh, chấm dứt chiến tranh đế quốc. Chính tư tưởng về hòa bình của Cách mạng Tháng Mười Nga trong bối cảnh thế giới đang trải qua Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) khốc liệt ấy đã nhận được cảm tình sâu sắc của các dân tộc và những con người có lương tri yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có lãnh tụ cách mạng Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc. Nhớ lại sự kiện vĩ đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như Mặt trời chói lọi ... chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Nhà nước Xô viết đã thực hiện những nguyên tắc mới trong quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia. Hành động đầu tiên của chính quyền Xô viết là thông qua “Sắc lệnh về hòa bình” do lãnh tụ V. I. Lênin ký ban hành (đăng trên Báo Sự thật, số 171, ngày
28-10-1917). “Sắc lệnh về hòa bình” đã lên án kịch liệt các hành động xâm chiếm của các nước đế quốc, đồng thời cũng kịch liệt lên án sự cưỡng bức dân tộc. “Sắc lệnh về hòa bình” kêu gọi tất cả các nước tham gia chiến tranh tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hòa ước dân chủ và công bằng, không có thôn tính (không xâm chiếm đất đai, không cưỡng ép sáp nhập các dân tộc khác). V. I. Lê-nin khẳng định: “Chính phủ Nga rất sẵn sàng tiến hành ngay không chút chậm trễ tất cả các bước quyết định, cho đến khi các hội nghị đại biểu toàn quyền do nhân dân tất cả các nước và các dân tộc cử ra phê chuẩn cuối cùng tất cả các điều kiện của hòa ước đó”.

Việt Nam kiên định ngọn cờ hòa bình của Cách mạng Tháng Mười Nga

Được dẫn lối, chỉ đường từ cuộc cách mạng vĩ đại này, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành độc lập và thống nhất đất nước, giành lại những quyền cơ bản của con người. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng sử dụng bạo lực nhưng lại diễn ra trong hòa bình. Khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, bản Hiến pháp đầu tiên đã được Nghị viện Nhân dân (Quốc hội) thông qua ngày 18-11-1946 với lời mở đầu thể hiện mong muốn, ước nguyện hòa bình của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”.

Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trên thế giới hiện nay xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có xung đột Nga - Ukraine. Là một dân tộc trung thành với những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam nhất quán quan điểm ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới".

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ ngày 1-3-2022, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang khẳng định: “Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều