Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ biên cương văn hóa trên không gian mạng

07:10, 19/10/2022

Với sự phát triển nhanh chóng của internet, công nghệ và quá trình chuyển đổi số, các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới đã và đang dễ dàng xâm nhập và lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh mang đến cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thì sự phát triển của các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới, trong đó có những nội dung độc hại cũng đặt ra những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa trên không gian mạng.

Với sự phát triển nhanh chóng của internet, công nghệ và quá trình chuyển đổi số, các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới đã và đang dễ dàng xâm nhập và lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh mang đến cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thì sự phát triển của các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới, trong đó có những nội dung độc hại cũng đặt ra những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa trên không gian mạng.

Trước khi bị gỡ bỏ, phim Little Women vẫn đứng đầu trong các bộ phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam trên Netflix. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Trước khi bị gỡ bỏ, phim Little Women vẫn đứng đầu trong các bộ phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam trên Netflix. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Do đó, bên cạnh việc đầu tư, thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm văn hóa nội địa có chất lượng để góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa dân tộc thì việc đấu tranh, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa từ sớm, từ xa cũng vô cùng quan trọng.

* Gỡ bỏ sản phẩm văn hóa xuyên tạc lịch sử

Chiến lược đầu tư cho ngành công nghiệp văn hóa đã làm cho nhiều sản phẩm văn hóa của các quốc gia nở rộ và có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng trong nước, nhất là giới trẻ. Việc thích ứng nhanh với công nghệ, các nền tảng OTT (nội dung truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh) giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận và nắm bắt các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Và cũng chính từ đó, các sản phẩm này dễ dàng lan tỏa và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận không nhỏ công chúng. Điều đáng lo ngại là trà trộn trong vô vàn các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới là những nội dung sai trái, độc hại. Nếu không có bản lĩnh, sức đề kháng để “gạn đục khơi trong” thì rất dễ bị cuốn theo các nội dung này hoặc bị tác động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.    

Tại Hội thảo khoa học Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, bảo vệ nền văn hóa là nội dung rất quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Mới đây, Netflix đã gỡ bộ phim Little Women (Ba chị em) khỏi kho ứng dụng ở Việt Nam sau khi có văn bản yêu cầu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Bộ phim này bị yêu cầu gỡ bỏ bởi vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 4, Điều 9 Luật Báo chí về xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc. Đồng thời, vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại Khoản 4, Điều 11 Luật Điện ảnh với nội dung tương tự điều khoản nêu trên ở Luật Báo chí. Trong tập 3 và 8, bộ phim nhắc đến yếu tố chiến tranh và xuyên tạc lịch sử Việt Nam khiến không ít khán giả bức xúc. Điều đáng nói, trước khi bị gỡ bỏ, bộ phim liên tục ở tốp 1 phim thịnh hành Netflix Việt Nam trong nhiều ngày liền. Điều đó cho thấy phim ảnh Hàn Quốc vẫn rất hấp dẫn đối với khán giả Việt Nam và thật nguy hiểm nếu như những sản phẩm văn hóa như vậy được quảng bá rộng rãi và không được ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh làn sóng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu nhà cung cấp gỡ bỏ phim trên nền tảng, nhà sản xuất xin lỗi về những thông tin xuyên tạc lịch sử của dân tộc thì trên những diễn đàn, fanpage về phim ảnh vẫn có những bình luận của các bạn trẻ bày tỏ tiếc nuối khi bộ phim bị gỡ bỏ. Phải chăng những người trẻ này không hiểu hoặc cố tình quên đi những hy sinh, mất mát, máu xương của cha ông và biết bao thế hệ người dân Việt Nam đã đánh đổi để giành được độc lập, tự do?

Khi họ chấp nhận và bỏ qua những thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử cũng đồng nghĩa với việc bóp nghẹt lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước nồng nàn vẫn chảy trong máu những người con đất Việt.

Chị Phương Nhung (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mặc dù rất thích những bộ phim và diễn viên Hàn Quốc nhưng khi xem đến tập có những lời thoại xuyên tạc lịch sử dân tộc, tôi đã dừng xem phim. Nếu khán giả vẫn yêu thích và ủng hộ những bộ phim như vậy thì chính chúng ta đã không tôn trọng lịch sử dân tộc mình. Ngoài dừng xem phim, rất nhiều bạn trẻ cũng đã lên tiếng phản đối bộ phim trên các diễn đàn cả trong và ngoài nước nhằm đấu tranh với những sản phẩm văn hóa độc hại”.

Không chỉ Little Women mà trước đây, nhiều sản phẩm truyền hình có nội dung sai lệch, độc hại cũng bị yêu cầu gỡ bỏ trên các nền tảng OTT xuyên biên giới. Có thể kể đến như bộ phim truyền hình Pine Gap có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam; phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put Your Head On My Shoulder) hay bộ phim Bà Ngoại trưởng (Madam Secretary)…

* Siết chặt quản lý dịch vụ OTT xuyên biên giới

Các dịch vụ OTT với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài xuất hiện tại nước ta và liên tục phát triển trong những năm gần đây. Việt Nam cũng là thị trường màu mỡ của các dịch vụ OTT do dân số trẻ, hơn 70% dân số sử dụng internet.

Với số lượng rất lớn các sản phẩm, nội dung được cung cấp bởi dịch vụ OTT hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người dùng trong nước nhưng trong những năm qua, nếu nội dung của các doanh nghiệp trong nước phải biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động truyền hình thì trên các nền tảng của doanh nghiệp nước ngoài lại không tuân theo quy định đó. Điều này đã khiến cho nhiều sản phẩm xuyên biên giới có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam vẫn xuất hiện trên các nền tảng và tiếp cận với công chúng.

Để thanh niên có ý thức bảo vệ giá trị văn hóa rất cần đến tác dụng truyền cảm hứng sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, phát huy và có chiến lược quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều quốc gia đã thành công “xuất khẩu” văn hóa như làn sóng Hallyu của Hàn Quốc, “Cool Japan” của Nhật Bản hay gần đây là ẩm thực Thái Lan…

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình (Nghị định 71). Sự ra đời của nghị định này đã tạo mặt bằng pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Theo Nghị định 71 thì các nền tảng OTT dù là trong nước hay xuyên biên giới đều phải tuân thủ chung các quy định như đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam. Đặc biệt, nội dung phải được kiểm duyệt bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự như các dịch vụ truyền hình trả tiền.

Đáng chú ý, nghị định này có nhiều điểm mới nhằm tăng cường quản lý các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, nội dung số xuyên biên giới, trong đó cho phép cơ quan quản lý nhà nước được ngăn chặn dịch vụ khi nhà cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng quy định quản lý.

Phát biểu tại họp báo phổ biến Nghị định số 71, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định, đây là nghị định được xây dựng trên cơ sở thích ứng với các văn bản pháp luật cao hơn, cụ thể là Luật Điện ảnh sửa đổi mới được Quốc hội thông qua. Thứ trưởng Bộ TT-TT đề nghị, khi nghị định đi vào cuộc sống, báo chí sẽ cùng giám sát việc thực hiện. Đó là đưa tất cả các doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ về một mặt bằng như nhau, tránh bảo hộ ngược, tránh việc “không quản lý” các dịch vụ xuyên biên giới, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước.

Cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý văn hóa tư tưởng trên không gian mạng; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ để quản lý, kiểm soát các sản phẩm không phù hợp, cần tăng cường công tác giáo dục về truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc trong giới trẻ - đối tượng chính tiếp thu và sáng tạo các sản phẩm văn hóa mới.

Trước vô vàn nội dung, sản phẩm văn hóa xuyên biên giới thì mỗi người cũng cần trang bị cho mình những bộ lọc, kiến thức về văn hóa, lịch sử, cập nhật thông tin chính thống để có thể lựa chọn những sản phẩm văn hóa tích cực. Mặt khác, kịp thời phát hiện, đấu tranh với những sản phẩm xấu, độc hại để góp phần bảo vệ biên cương văn hóa của dân tộc trên không gian mạng.

Thảo Nguyên   

Tin xem nhiều