Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghỉ hưu nhưng không ngừng việc

09:03, 05/03/2021

Năm 2017, sau 18 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nông trường Cao su Dầu Giây (H.Thống Nhất), bà Nguyễn Thị Hòa nghỉ hưu theo chế độ. Chỉ ít tháng sau, bà được Chi bộ ấp Trần Cao Vân (xã Bàu Hàm 2 nay là KP.Trần Cao Vân, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) và nhân dân ấp tín nhiệm bầu làm Phó trưởng ấp.

Năm 2017, sau 18 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nông trường Cao su Dầu Giây (H.Thống Nhất), bà Nguyễn Thị Hòa nghỉ hưu theo chế độ. Chỉ ít tháng sau, bà được Chi bộ ấp Trần Cao Vân (xã Bàu Hàm 2 nay là KP.Trần Cao Vân, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) và nhân dân ấp tín nhiệm bầu làm Phó trưởng ấp. Từ tháng 7-2019 đến nay, bà được người dân và chính quyền thị trấn tín nhiệm giao vai trò Trưởng KP.Trần Cao Vân.

Bà Nguyễn Thị Hòa tặng quà cho một người cao tuổi ở thị trấn. Ảnh: V.Truyên
Bà Nguyễn Thị Hòa tặng quà cho một người cao tuổi ở thị trấn. Ảnh: V.Truyên

Bà Hòa cho biết, thị trấn có 4 khu phố. Trong đó, KP.Trần Cao Vân có 48 tổ nhân dân với 1,9 ngàn hộ, dân số hơn 10 ngàn người. Số tổ nhân dân, số dân của khu phố chiếm 1/2 số lượng tổ nhân dân, số dân của thị trấn nên công việc rất nhiều.

* Tích cực xây dựng phong trào

Để tạo sân chơi cho người dân trong khu phố, ngoài các đội bóng nam hoạt động từ trước, khi đảm nhận vai trò Trưởng KP.Trần Cao Vân, bà Hòa đã thành lập lại đội bóng chuyền nữ. Hiện đội bóng có hơn 10 thành viên tham gia luyện tập thường xuyên. Tuy mới khởi động lại 2 năm song đội bóng chuyền của khu phố đã giành giải nhì rồi giải nhất cuộc thi bóng chuyền nữ do thị trấn tổ chức lần lượt vào năm 2019 và 2020.

Với nỗ lực hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và góp sức xây dựng quê hương, bà Nguyễn Thị Hòa đã được UBND tỉnh tặng bằng khen gương Người tốt, việc tốt năm 2020.

Cùng với đó, để cải tạo, làm đẹp sân vận động của khu phố, bà Hòa đã vận động người dân sống quanh sân vận động tự giác phát quang bụi rậm, giữ gìn vệ sinh trước khuôn viên nhà mình. Đồng thời, định kỳ khu phố tổ chức phát dọn cỏ, làm vệ sinh sân vận động. Nhờ đó mà người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng sạch sẽ.

Nhằm kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, bà Hòa còn chủ động vận động người dân cùng chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội. Để làm được việc này, mỗi tháng bà đều trích từ tiền lương hưu của mình một khoản cố định để cùng với số tiền vận động được mua quà tặng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Có lần, sau khi xác minh hoàn cảnh một gia đình cả 4 thành viên đều mắc bệnh ung thư và được sự chấp thuận của UBND thị trấn, bà Hòa đã vận động người dân cùng người thân trong gia đình đóng góp gần 40 triệu đồng để giúp đỡ gia đình này có thêm tiền chữa bệnh.

Hiện bà Hòa còn nhận chăm sóc thường xuyên cho bà Đinh Thị Thê (91 tuổi). Bà Thê cho biết: “Vì tuổi cao, con lại ở cách khá xa nên tôi rất buồn. Mỗi tuần, bà Hòa đều ghé thăm, mua thức ăn, thăm hỏi sức khỏe khiến tôi rất vui”.

* Kết nối người thất lạc nhau

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền bà Hòa còn góp công kết nối người thất lạc tìm về với nhau hay tìm kiếm thân nhân cho liệt sĩ.

Bà Hòa chia sẻ, tình cờ trong một lần xem tivi, bà thấy 2 người quen mặt. Do là người địa phương nên trước đó, bà biết thông tin là 2 người này đã thất lạc gia đình nhiều năm liền. Mặc dù gia đình tìm kiếm rất nhiều năm nhưng không có tin tức. Với hy vọng đây có thể là duyên may giúp những người thất lạc tìm về được với nhau, bà Hòa đã tìm đến tận nhà người thân 2 trường hợp này để thông báo về điều mình thấy trên tivi. Sau khi xác minh được đây đúng là 2 người bị thất lạc của 2 gia đình ở địa phương, bà Hòa đã hướng dẫn chủ hộ liên hệ chính quyền địa phương để làm giấy xác nhận. Sau đó, bà bỏ tiền túi cho người nhà đến tận nơi người thất lạc đang được nuôi dưỡng, chăm sóc để đón về. Nhờ đó mà một trường hợp thất lạc người thân gần 35 năm và một trường hợp xa nhà hơn 6 năm đã đoàn tụ.

Trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Trung (54 tuổi, ngụ ấp Nguyễn Thái Học, TT.Dầu Giây). Ông Trung bị câm điếc, không biết chữ. Cách đây nhiều năm ông ra khỏi nhà rồi mất tích. Gia đình tìm kiếm khắp nơi nhưng không có tin tức. Bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột của ông Trung bộc bạch: “Nhờ tin báo của bà Hòa mà gia đình tôi biết em mình đang ở đâu sau 6 năm thất lạc. Sau khi báo tin, bà Hòa còn hỗ trợ gia đình tiền đi lại. Nhờ đó mà anh em chúng tôi mới được đoàn tụ như hiện nay”.

Ngoài 2 trường hợp kể trên, bà Hòa còn góp công tìm kiếm thân nhân cho một mộ liệt sĩ. Bà Hòa cho hay, trong một lần thăm mộ anh trai là liệt sĩ đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.Long Khánh, bà nhận thấy mộ liệt sĩ có  tên Đ.V.Q, quê tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên) không có người thăm nom như những mộ khác. “Tôi  đã viết thư cho cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương thông tin về phần mộ liệt sĩ này. Chưa đầy 1 tháng sau tôi nhận được điện thoại của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương. Rồi gia đình liệt sĩ gọi điện hỏi thăm tin tức và vào TP.Long Khánh để cùng tôi đến thăm mộ liệt sĩ. Đây là niềm vui rất lớn đối với tôi” - bà Hòa kề.

                Văn Truyên

Tin xem nhiều